Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong hai tháng đầu năm 2004, hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tín dụng âm. Ngân hàng dư tiền mặt nhưng khả năng huy động vốn trung và dài hạn lại rất thấp so với nhu cầu vốn trung hạn của nền kinh tế. Dự báo năm 2024, các ngân hàng sẽ rất nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm, nợ xấu cao châm mồi cho hoạt động mua bán vốn, sáp nhập trở nên sôi động.

Hoi nghi chinh sach tien te 01

Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 (Ảnh: Báo Chính phủ)

Hôm nay (ngày 14/03), Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, với sự tham gia của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng thương mại (NHTM), các ban bộ ngành, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề và một số doanh nghiệp.

Tín dụng tăng trưởng âm trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, riêng lĩnh vực chứng khoán tăng mạnh

Thay mặt NHNN báo cáo, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.

NHNN cho biết, mức giảm hiện nay xuất hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Riêng 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm là tín dụng lĩnh vực BĐS, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.

Pho thong doc Dao Minh Tu tai HN cs tien te

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Báo Chính phủ)

Lý giải về tình trạng tăng trưởng tín dụng âm, đại diện NHNN cho rằng cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu; tín dụng BĐS chiếm khoảng 21% tín dụng chung, tín dụng BĐS tăng/giảm cao thường khiến tín dụng toàn hệ thống tăng/giảm.

Thực tế các ngân hàng đã gặp nhiều khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp; đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; …

Nợ xấu tăng cao trong khi gánh nặng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào huy động vốn ngân hàng

NHNN thừa nhận rằng lượng tiền gửi nhiều nhưng khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế.

Một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường BĐS đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

NHNN cho rằng huy động vốn để phục vụ tăng trưởng nền kinh tế cần được giải quyết căn bản qua kênh cổ phiếu, trái phiếu, thu hút vốn FDI. Nếu chỉ dựa vào kênh tín dụng như hiện nay sẽ đẩy Tỷ lệ tín dụng/GDP lên cao, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.  Hiện nay, Tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2023 đã đạt khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022.

Quan điểm của người điều hành Chính phủ về chính sách tiền tệ

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra 6 vấn đề cho công tác điều hành tiền tệ, bao gồm:

Một là, việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá như thế nào để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế?

Hai là, vì sao doanh nghiệp kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm? Nút thắt ở đâu, nguyên nhân là gì, do quy định, do điều hành, do thận trọng hay do cục bộ? (Theo NHNN, đến nay lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3,3%/năm, giảm 0,2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2023 – nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện còn cao).

TTG Pham Minh Chinh tai hoi nghi chinh sach tien te

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh Báo Chính phủ)

Ba là, tình hình cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, từng ngành, lĩnh vực đã tốt chưa? Đâu là điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm? Làm thế nào để cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất kinh doanh?

Bốn là, cần có các giải pháp gì tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân? Đặc biệt là các giải pháp về lãi suất, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, các biện pháp về bảo lãnh, các biện pháp về truyền thông, công nghệ…?

Năm là, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm? Làm thế nào để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, để hệ thống ngân hàng cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp?

Sáu là, Chính phủ, NHNN, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm gì, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần làm gì để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp? Cần có những công cụ gì? Chẳng hạn như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Nhận định của giới tài chính về tương lai của khối ngân hàng năm 2024

Theo Fili.vn, giới quan sát tài chính cho rằng việc người đứng đầu Chính phủ đánh giá lãi suất cho vay vẫn còn cao và tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng phải có giải pháp giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế dẫn đến một số dự báo trong ngành tài chính ngân hàng.

Một là, trong thời gian tới lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm, nhất là khi các khoản tiền gửi trung dài hạn thời kỳ lãi suất cao vào cuối năm 2022- đầu năm 2023 đến nay đã đáo hạn.

Bên cạnh đó, việc NHNN yêu cầu các NHTM phải niêm yết lãi suất cho vay bình quân trước thời điểm 1/4 cũng sẽ khuyến khích các NHTM có thêm động lực giảm lãi suất cho vay để tăng khả năng cạnh tranh, lôi kéo khách hàng, đẩy mạnh tín dụng. Hiện nay, một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân rồi.

Hai là, đối với lãi suất huy động khó có thể tiếp tục giảm do áp lực từ tỷ giá và lạm phát. Đồng USD liên tục tăng thời gian qua đã hút không ít tiền của giới ngân hàng, người dân đầu cơ tỷ giá. Những ngày qua, NHNN đã phải phát hành tín phiếu để hút tiền về. Chỉ trong 3 ngày (11,12,13/3) NHNN đã hút ròng 45,000 tỷ đồng nhằm giảm bớt lượng thanh khoản dư thừa, ngăn chặn dòng vốn chảy sang khu vực ngoại tệ.

Ngoài ra, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2024 tăng mạnh 1.04% so với tháng trước, dù có bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ trước nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhưng mức tăng hơn 1% nói trên là khá cao. Với các yếu tố tỷ giá và lạm phát đều chịu áp lực, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ đứng im hoặc nhúc nhích tăng lên.

Lãi suất đầu ra giảm trong khi lãi suất đầu vào hết dư địa cho thấy xu hướng biên độ lãi suất đầu ra – đầu vào của các ngân hàng đang có dấu hiệu thu hẹp. Cụ thể mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn 2.5% trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong tháng đầu năm 2024. Đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu công bố từ NHNN, trong khi lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 3.3%/năm, chỉ giảm 0.2%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới ở mức 6.4%/năm, giảm đến 0.7%/năm so với cuối năm 2023, cao hơn 0.5% mức giảm lãi suất tiền gửi.

Ba là, bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ ngày càng ảm đạm hơn. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ mức 1.92% vào cuối năm 2022 đã tăng lên mức 4.97% vào cuối năm 2023. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản nợ cơ cấu lại, con số còn lớn hơn nhiều. Các dự báo cũng cho thấy nợ xấu trong năm nay sẽ còn tăng lên và chỉ đạt đỉnh từ nửa cuối năm. Việc tín dụng nếu tiếp tục tăng chậm cũng là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Ngoài các khoản vay tiếp tục bị suy giảm chất lượng và phải chuyển nhóm, khoản nợ cơ cấu lại theo thông tư 02/2023/TT-NHNN tính đến hết năm 2023 khoảng 171,000 tỷ đồng, tương đương 1.26% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, sẽ hết thời hạn cơ cấu vào ngày 30/6/2024 là một gánh nặng rất lớn cho các NHTM. Dù NHNN mới đây cho biết sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết năm 2024, nhưng bài toán trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ tái cơ cấu theo đúng tiến độ vẫn sẽ ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của các NHTM.

Bên cạnh đó, với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chậm thanh toán vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở nhóm bất động sản, các ngân hàng cũng có thể đối mặt với rủi ro tín dụng từ danh mục TPDN đang nắm giữ hiện nay. Thống kê cho thấy lượng TPDN đáo hạn trong năm nay vẫn khá lớn, lên tới 277,000 tỷ đồng, nhưng hoạt động phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ cho các trái phiếu cũ đến hạn vẫn gặp nhiều khó khăn, do niềm tin dành cho kênh đầu tư này vẫn chưa phục hồi, cộng thêm các cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với các thương vụ phát hành mới.

Trong khi nợ xấu tăng nhanh, khả năng hấp thụ tổn thất của hệ thống ngân hàng cũng giảm xuống, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng giảm từ 125% trong năm 2022 xuống còn 94% vào cuối năm 2023. Điều này cũng hàm ý lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng dù tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đâu đó có lẽ vẫn có một số nhà băng chưa thật sự trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tương xứng với chất lượng tín dụng suy giảm trong khi tài sản đảm bảo là các bất động sản sụt giảm giá trị.

Trước tình hình chất lượng tài sản có thể suy giảm, trong năm 2024 các ngân hàng cũng tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn mạnh mẽ để gia tăng bộ đệm vốn, thông qua các kế hoạch bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, các thương vụ thâu tóm và sáp nhập trong ngành ngân hàng được dự báo sẽ sôi động hơn trong năm nay.

Nguyên Hương (T/h)