Bốn hội, hiệp hội thuộc ngành chăn nuôi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi. 

thit ngoai chinh ngach va nhap lau ap dao 4 hoi hiep hoi kien nghi sua luat
Cánh gà, chân gà, thịt chim được bày bán tại chợ truyền thống của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Jasonqtran/Shutterstocks)

Kim ngạch nhập khẩu là 3,53 tỷ USD, xuất khẩu chỉ 515.000 USD

Đề nghị trên được đưa ra sau gần một năm Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) gửi kiến nghị đồng thời kêu cứu cho ngành chăn nuôi trước bất cập giá sản phẩm chăn nuôi nội địa giảm nhưng thịt nhập ồ ạt, bao gồm hàng thải loại và sản phẩm chứa chất kích thích sinh trưởng.

Danh sách gửi đơn mới gồm Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Theo các hội và hiệp hội nói trên, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng.

Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam xuất khẩu phải vượt rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước. Trong khi đó, việc nhập khẩu (chính ngạch và tiểu ngạch) các sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam đang ồ ạt, gây nguy cơ gây lan truyền dịch bệnh, tạo áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Dẫn số liệu số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ 515.000 USD (gấp 6,8 lần). Ngoài con số nhập khẩu chính ngạch, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch (nhập lậu). Theo phản ánh của cơ quan chức năng và truyền thông, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000-8.000 con lợn thịt (khối lượng 100 – 120 kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống…

Nhiều sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu là thứ phẩm ở nước sở tại ít dùng làm thực phẩm, như: đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại… Ngoài ra, nhiều các loại thực phẩm được nhập khẩu đã gần hết hạn sử dụng, có giá chỉ bằng 1/2 giá trong nước cùng loại khi nhập về.

Thực trạng này về lâu dài sẽ làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước, tạo địa hạt cho thịt nhập khẩu.

“Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3-5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi” – các hội và hiệp hội lo ngại.

Theo đó, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ban, bộ, ngành nhanh chóng xây dựng hàng rào kỹ thuật và chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi. Trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam.

Các hội và hiệp hội dẫn kinh nghiệm của Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,… về yêu cầu về xử lý nhiệt lạnh với công nghệ phức tạp, chi phí cao hay mỗi nước trung bình chỉ cho phép có từ 3-5 cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không là được phép nhập khẩu vật nuôi sống… để siết đầu vào nhập khẩu.

Đối với vấn đề nhập lậu, các hội và hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này vì sản phẩm chăn nuôi trong nước chúng ta đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Kiến nghị bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, chờ sửa Luật

Các hội và hiệp hội nêu trên kiến nghị Chính phủ và Quốc hội bỏ quy định công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, được quy định trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trong thời gian chờ sửa luật thì cho phép tạm ngừng việc thực hiện công bố hợp quy với mặt hàng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Theo các hội và hiệp hội, việc công bố hợp quy các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y hiện nay là hoàn toàn hình thức, mang nặng tính đối phó của người dân, doanh nghiệp.

Trong khi thực tế, chi phí cho việc đánh giá công bố hợp quy đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y là rất tốn kém.

“Chỉ tính riêng phần chi phí phân tích thử nghiệm mẫu đã là rất lớn. Đơn cử như với thức ăn chăn nuôi hoặc thuốc thú y dao động từ 2 – 4 triệu đồng/sản phẩm và từ 10 – 20 triệu đồng/sản phẩm vắc-xin của lần đánh giá công nhận.

Nếu tính cho một doanh nghiệp có hàng trăm sản phẩm và cả ngành chăn nuôi, thú y có hàng ngàn cơ sở sản xuất thì chi phí này đã mất tới hàng trăm tỷ đồng” – các hội và hiệp hội nêu.

Các hội và hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa quy định theo hướng “áp dụng đồng loạt việc không tính thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm chăn nuôi đang ở dạng sơ chế bảo quản” trong Luật Thuế giá trị gia tăng. Trước mắt, trong thời gian chờ sửa Luật, thì tạm dừng chưa thực hiện quy định này đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Nguyễn Minh