Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần thảo luận với các nước khác về việc sử dụng Nhân dân tệ cho các thỏa thuận song phương, đặc biệt ông Tập đã đến Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để tăng cường hợp tác tài chính Trung – Nga. Tuy nhiên, một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng đồng Nhân dân tệ có rủi ro không thể tự do chuyển đổi.

shutterstock 1179289603
Một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng đồng Nhân dân tệ có rủi ro không thể tự do chuyển đổi. (Ảnh minh họa: hxdbzxy/ Shutterstock)

Trước đó, trong Thông điệp Liên bang mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu, có nói rằng việc “phi đô la hóa” cho thấy tỷ trọng của đồng rúp trong thanh toán quốc tế của Nga đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, các ngân hàng Nga đang tìm cách khôi phục phương thức kinh doanh lợi nhuận trong nước.

Tuy nhiên, trước đây Nga chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm năng lượng và thực phẩm sang châu Âu và đồng euro chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong các khoản thanh toán. Trung Quốc, quốc gia có khối lượng thương mại khổng lồ với Mỹ và các nước khác, lại càng thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Nga vào ngày 20/3 trong chuyến thăm cấp nhà nước. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông Tập và ông Putin đã ký và đưa ra hai tuyên bố chung, “Tuyên bố chung Trung – Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới” “Tuyên bố chung về Kế hoạch phương hướng phát triển trọng điểm cho hợp tác kinh tế Trung – Nga đến năm 2030”.

Tuyên bố cho biết: “Trong thương mại song phương, đầu tư, cho vay và trao đổi kinh tế và thương mại khác, thích ứng với nhu cầu thị trường và tăng đều đặn tỷ lệ thanh toán nội tệ; tiếp tục trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đổi mới thanh toán tiền tệ; tăng cường hợp tác thị trường tài chính, hỗ trợ các tổ chức xếp hạng và công ty bảo hiểm của hai nước trong quá trình hợp tác trong khuôn khổ pháp lý về quản lý giám sát hiện có.”

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin rằng chính quyền đang thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, ký kết các thỏa thuận thanh toán bằng đồng nội tệ với nhiều quốc gia và tuyên bố rằng họ muốn lật đổ quyền bá chủ của đồng đô la Mỹ.

Vào ngày 17/4, theo “Thời báo Tự do” (Liberty Times) của Đài Loan, báo cáo “Đánh giá lĩnh vực tài chính và công cụ tài chính của Nga” do Cục Nghiên cứu và Dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga công bố, đã chỉ ra rằng dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây, cơ cấu thanh toán của các công ty xuất khẩu Nga và sự điều chỉnh của các đối tác đã thay đổi, không thể loại bỏ rủi ro tiền tệ, nếu có thể bảo lưu hợp đồng cũ về tiền tệ của quốc gia “không thân thiện“, thì ngân hàng trung ương “khuyến khích” các nhà xuất khẩu củng cố các hợp đồng đó.

Báo cáo này đưa ra các nguyên nhân:

Thứ nhất, có rủi ro khi thanh toán bằng Nhân dân tệ, do Nhân dân tệ hoặc tiền tệ của các nước “thân thiện” (đồng minh của Nga) thường không thể chuyển đổi hoặc có khả năng chuyển đổi hạn chế;

Thứ hai, thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là tiền tệ của các quốc gia “thân thiện”, có đặc trưng bởi tính biến động cao. So với các loại tiền tệ và thị trường của quốc gia “không thân thiện” truyền thống, thị trường phái sinh cho các loại tiền tệ của quốc gia “thân thiện” như Nhân dân tệ thường kém phát triển hơn. Điều này gây khó khăn cho việc phòng ngừa rủi ro của các loại tiền tệ của quốc gia “thân thiện”.

Trên thực tế, một số chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng, “phi đô la hóa” là một con đường rủi ro cần được thảo luận trong dài hạn.

Bà Đàm Nhã Linh (Tan Yaling), một nhà kinh tế độc lập tại Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc, đã có một bài viết vào ngày 10/4, nhấn mạnh rằng đồng đô la Mỹ là huyết mạch của nước Mỹ và là huyết mạch của việc đảm bảo tín dụng của trái phiếu kho bạc Mỹ. FED tăng lãi suất là một biện pháp phòng thủ để bảo vệ sự an toàn và lợi tức của khoản nợ của Mỹ, đây không phải là tham chiếu thị trường ngắn hạn, mà là một chiến lược bảo vệ cốt lõi lợi ích quốc gia của Mỹ. Hiện tại, “phi đô la hóa” là một con đường rủi ro, không phải là một xu hướng hay lựa chọn bình thường hóa xu hướng. Lực lượng chính có khả năng “phi đô la hóa” nằm ở đồng euro, và chìa khóa cho mối quan tâm của đồng đô la cũng chính là đồng euro. Việc đầu cơ vào đồng rúp hoặc đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ “phi đô la hóa”, thì rủi ro sẽ lớn hơn cơ hội.

Ông Vương Vĩnh Lợi (Wang Yongli), tổng giám đốc của China International Futures Co., Ltd., cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, nói với tờ “Quan sát kinh tế” của Trung Quốc rằng nếu nhiều quốc gia “phi đô la hóa”, nếu tất cả họ đều muốn sử dụng đồng tiền của chính mình, hoặc tất cả họ đều thanh toán bằng nội tệ trong phạm vi hoán đổi tiền tệ của ngân hàng trung ương, thì chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế quốc tế của đồng đô la Mỹ và đồng euro, nhưng nó sẽ không đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về thành phần tiền tệ trong dự trữ ngoại hối chính thức, tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng đô la đã giảm xuống dưới 59% trong quý cuối cùng của năm 2022, mức thấp nhất kể từ khi các kỷ lục bắt đầu vào năm 1995, cũng tiếp nối xu hướng suy giảm trong 2 thập kỷ.

Tuy nhiên, theo ông Brad Setser của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, điều này không có nghĩa là vị thế của đồng đô la đang suy giảm. Ông nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ: “Sự sụt giảm trong quý 4 (năm ngoái) chỉ là biến động bình thường của đồng đô la so với xu hướng của đồng euro và đồng yên. Cũng như việc đồng đô la tăng tỷ trọng vào đầu năm 2022 phản ánh sức mạnh của đồng đô la, trong 10 năm qua, tỷ lệ đô la Mỹ trong dự trữ toàn cầu về cơ bản được duy trì ở mức khoảng 60%.”

Ngược lại, trong trường hợp của đồng nhân dân tệ, quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ vẫn diễn ra chậm chạp bất chấp những nỗ lực to lớn của Bắc Kinh. Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với tài khoản vốn và những lo ngại về địa chính trị của các nhà đầu tư toàn cầu, vẫn là hai trở ngại chính đối với sự nổi lên của đồng nhân dân tệ như một đồng tiền quốc tế lớn. Theo IMF, đến cuối năm 2022, tỷ lệ phân bổ nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu chiếm khoảng 2,7% trong tổng số, giảm từ mức cao nhất là 2,9% trong quý đầu tiên.