Trung Quốc vẫn là nguồn sản xuất hàng giả lớn nhất trong danh sách của Mỹ
- Trí Đạt
- •
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách “Những chợ hàng giả khét tiếng” (Notorious Markets) năm 2023 vào thứ Ba (30/1/2024), trong đó có WeChat, Taobao và Pinduoduo của Trung Quốc. USTR cho biết Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng giả lớn nhất thế giới.
Danh sách “Những chợ hàng giả khét tiếng” năm 2023 xác định 39 chợ trực tuyến và 33 chợ thực thể. Những chợ này được cho là có liên quan hoặc tạo điều kiện cho một lượng lớn hoạt động làm giả nhãn hiệu hoặc đánh cắp bản quyền. Chúng bao gồm Taobao của Alibaba, phần mềm nhắn tin tức thời WeChat của Tencent, dịch vụ lưu trữ đám mây Baidu Netdisk và DHgate, và Pinduoduo. Những thị trường khác bao gồm 7 chợ thực thể ở Trung Quốc nổi tiếng về sản xuất, phân phối và bán hàng giả.
Chợ thương mại điện tử xuyên biên giới Aliexpress đã bị xóa khỏi danh sách trong năm nay.
Báo cáo của USTR chỉ ra rằng người dùng có thể lấy được nhiều video vi phạm khác nhau thông qua Baidu Cloud Disk và chủ sở hữu của các video đó phải liên tục theo dõi và yêu cầu Baidu xóa chúng; ngoài ra, nhãn do Pinduoduo cấp cho người bán được ủy quyền sẽ đánh lừa người tiêu dùng mua phải hàng giả có vẻ ngoài hợp pháp; hệ thống thương mại điện tử WeChat (Weixin) là một trong những nền tảng hàng giả lớn nhất ở Trung Quốc Đại Lục, hàng giả nhanh chóng được lan truyền và phân phối thông qua nền tảng này.
Mặc dù Shopee, có trụ sở chính tại Singapore, đã đầu tư rất nhiều trong năm qua để bảo vệ thương hiệu và tăng cường khả năng chống hàng giả, đồng thời thúc đẩy các biện pháp như chủ động tăng cường sàng lọc và đào tạo, nhưng vẫn có một số lượng lớn hàng giả trên một số nền tảng (ở một số nước), và cũng tồn tại những vấn đề như phản ứng chậm thực thi pháp luật yếu kém đối với những người vi phạm nhiều lần.
Tuy nhiên, Shopee tại Đài Loan và Việt Nam là những ví dụ tích cực về việc tăng cường hợp tác với các chủ thể quyền và cơ quan thực thi pháp luật, giúp giảm số lượng hàng giả. Vì thế Đài Loan không điểm tên.
33 chợ thực thể được nêu tên đến từ 18 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Chỉ riêng ở Trung Quốc, 7 khu chợ bao gồm Chợ Điện tử Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei, ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), Luo Hu Commercial City (ở quận La Hồ, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), Phố Thủy Tú (Xiushui) ở Bắc Kinh và Chợ Ngũ Ái (Wuai) ở tỉnh Liêu Ninh, v.v.
Trung Quốc vẫn là nguồn hàng giả lớn nhất
USTR cho biết trong báo cáo rằng Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng giả lớn nhất thế giới. Hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc, kết hợp với hàng hóa trung chuyển từ Trung Quốc sang Hồng Kông, chiếm 60% giá trị của hàng giả, hàng lậu bị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) tịch thu năm 2022 (giá trị tính theo giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất).
Khi các hạn chế về COVID-19 kết thúc, lượng người qua lại tại các chợ thực thể đã tăng lên và doanh số bán hàng giả đã quay trở lại. Ngoài ra, người bán hàng giả tiếp tục sử dụng mặt tiền cửa hàng thực thể làm điểm liên hệ với khách hàng, địa điểm thử nghiệm mẫu/sản phẩm và làm trung tâm bán hàng trực tuyến.
Báo cáo cho biết: “USTR khuyến khích Trung Quốc sửa đổi và mở rộng phạm vi các hành thực thi pháp luật mạnh mẽ của mình để ứng phó với sự thay đổi liên tục của các chợ thực thể bán hàng giả.”
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết: “Việc buôn bán hàng giả và hàng lậu gây tổn hại cho người lao động, người tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và cuối cùng là nền kinh tế Mỹ.”
Bà cũng nhấn mạnh rằng, danh sách “Các chợ hàng giả khét tiếng” năm nay rất quan trọng vì nó nêu bật những nguy cơ tiềm ẩn của hàng giả và tại sao việc trấn áp mạnh mẽ việc buôn bán những hàng hóa này lại quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Năm 2006, USTR lần đầu tiên xác định các chợ khét tiếng trong “Báo cáo đặc biệt 301” (Special 301 Report). Kể từ tháng 2/2011, USTR đã công bố Danh sách “Các chợ hàng giả khét tiếng” hàng năm bên cạnh “Báo cáo đặc biệt 301” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giúp các nhà điều hành thị trường cũng như chính phủ ưu tiên các nỗ lực thực thi pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ người lao động và doanh nghiệp Mỹ.
Từ khóa hàng giả Hàng hóa Trung Quốc Wechat Taobao shopee hàng nhái Pinduoduo