Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7/2024, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

chuyển tiền
(Ảnh minh họa: metamorworks/Shutterstock)

Ngoài ra, đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, thời gian áp dụng các quy định tại Quyết định này kể từ ngày 1/1/2025. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng). Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.

Công nghệ này được xem là hạn chế tối đa khả năng làm giả và sẽ có tính bảo mật cao nhất. Kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm rồi thì cũng có thể lấy lại tiền. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền thì cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước gắn chip.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định chỉ áp dụng với các giao dịch chuyển tiền thông thường, không áp dụng với các giao dịch thanh toán mà ở đó bên nhận tiền đã là điểm đến rõ ràng.

Cụ thể, tất cả các giao dịch thanh toán mà các đơn vị chấp nhận thanh toán, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán đã xác thực thì không yêu cầu xác thực sinh trắc học. Ví dụ thanh toán tiền điện, nước, thanh toán thuế, thanh toán phí giao thông,… tất cả những giao dịch có điểm đến rõ ràng thì không yêu cầu phải xác thực sinh trắc học.

Phan Anh

Video: Khi con bị bạn đánh, cha mẹ có nên dạy con đánh lại?