Thông tư 39 của Ngân hàng nhà nước quy định lãi vay chỉ được tính trên nợ gốc, lãi suất của phần lãi chậm trả không quá 10%. Cách tính lãi thẻ tín dụng của Eximbank cao bất thường.

The eximbank
(Ảnh: Trí thức VN)

Vùng xám lãi vay chậm trả thẻ tín dụng

Liên quan tới vụ việc dư nợ thẻ tín dụng của anh P.H.A (Quảng Ninh) lên tới 8,83 tỷ đồng khi nợ gốc chỉ có 8,5 triệu đồng, một số chuyên gia tài chính ngân hàng đã lý giải cách tính tiền lãi thẻ tín dụng của Eximbank theo kiểu lãi nhập gốc cuối kỳ để tiếp tục tính lãi, cách tính này còn được gọi là tính lãi kép. Với mức lãi suất thẻ tín dụng trên 30% cộng thêm phí phạt chậm trả thì khoản dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng sẽ cuốn lên mây theo cấp số nhân. Kết quả sau 11 năm, món nợ 8,5 triệu đồng của chủ thẻ P.H.A đã ‘thăng thiên’ thành 8,83 tỷ đồng theo cách như thế. Câu chuyện của chủ thẻ P.H.A thực sự gây sốc với người tiêu dùng và tạo tâm lý hoang mang về tính an toàn của thẻ.

Chia sẻ về cách tính lãi cho khách hàng, trưởng phòng thẻ của một ngân hàng tư nhân cho rằng các quy định về hoạt động cấp tín dụng bằng thẻ tín dụng vẫn “chưa thực sự rõ ràng, có những điểm mờ”. Nếu xét việc cấp tín dụng bằng thẻ là nghiệp vụ cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước không cho phép việc tính lãi chồng lãi. Tùy vào ‘khẩu vị’ rủi ro của từng ngân hàng, họ sẽ tuân thủ bao nhiêu so với quy định, cũng như việc quyết định có tính lãi chồng lãi hay không.

Ngoài ra, xét về lý do nhiều nhà băng không tính lãi chồng lãi, trưởng phòng bộ phận thẻ này nói, điều trên nhằm đảm bảo dư nợ khoản vay ở mức hợp lý so với nợ gốc, và phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, người này cũng nói, đến một giai đoạn, khi khách hàng xếp vào diện Nợ nhóm 5 – không có khả năng thu hồi, ngân hàng cũng sẽ có biện pháp tiếp tục thu hồi song sẽ khoanh nợ để không phát sinh lãi, tránh vượt khả năng chi trả thực tế cũng như so với nợ gốc ban đầu.

Thông tư 39 không quy định tính lãi kép

Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định:

“Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”

Có nghĩa lãi tiền vay đối với các khoản nợ chậm trả sẽ cấu thành từ hai phần:

– Tiền lãi vay = Lãi suất * Thời gian vay * Nợ gốc

– Tiền lãi của tiền lãi chậm trả = Lãi suất (không quá 10%/năm) * Thời gian chậm trả lãi * Tiền lãi

Như vậy, Luật pháp Việt Nam KHÔNG quy định tính lãi kép.

Các ngân hàng đang tính lãi suất chậm trả thẻ tín dụng như thế nào?

Lấy ví dụ thẻ tín dụng của Techcombank, trong trường hợp không thanh toán dư nợ tối thiểu đúng hạn, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ và lãi suất quá hạn lên đến 20 – 40%/năm.

Ví dụ: Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng có chu kỳ sao kê từ 1/4 đến 30/4/2017, ngày đến hạn thanh toán là 15/5/2017, lãi suất là 30%/năm (cho lãi suất quá hạn bằng với lãi suất trong hạn), khoản thanh toán tối thiểu là 5%, phí phạt trả chậm là 5% (tối thiểu là 100.000 VND). Trong tháng 4, khách hàng đã thực hiện các giao dịch như:

  • Ngày 10/4 thanh toán hóa đơn 5.000.000 VND. Vậy “dư nợ 1” là 5.000.000 VND (tương ứng với tiền lãi 1).
  • Ngày 20/4 chi tiêu mua sắm 4.000.000 VND. Vậy “dư nợ 2” là 5.000.000 + 4.000.000 = 9.000.000 VND (tương ứng với tiền lãi 2).

Nếu khách hàng đến 30/7/2027 mới thanh toán toàn bộ và đầy đủ tín dụng cho ngân hàng và khoảng thời gian từ 20/4 đến 30/7 không sử dụng thẻ để chi tiêu gì thêm. Vậy khi đó, tiền lãi tín dụng sẽ là:

  • Tiền lãi 1 (từ 10/4 đến 19/4/2017): 5.000.000 x 30%/365 x 10 = 41.096 VND.
  • Tiền lãi 2 (từ 20/4/2017 đến 30/7/2027): 9.000.000 x 30%/365 x 3751 = 27.747.123 VND.
  • Phí phạt chậm trả: 9.000.000 x 5% = 450.000 VND.

Vậy, tính đến ngày 30/7, khách hàng sẽ phải trả tổng số tiền (dư nợ gốc + tiền lãi + phí phạt) là:

  •  9.000.000 + 41.096 + 27.747.123 + 450.000 = 37.238.219 VND

Tương tự như vậy, biểu phí và lãi suất thanh toán dự nợ chậm trả ở các ngân hàng như sau:

Ngân hàng 

Phí phạt thanh toán dư nợ chậm 

Lãi suất thanh toán dư nợ chậm

Techcombank 

5% 

19,8 – 38,8%/ năm

VPBank 

5%

28,68 – 45%/ năm 

HSBC

4% 

33%/ năm

Vietcombank 

3% 

15 – 18%/ năm 

BIDV

4% 

11,5 – 18%/ năm 

VIB 

4% 

14,64 – 35,52% /năm 

MB Bank

6% 

12 – 22,9%/ năm 

Nguyên Hương