Trên khắp thế giới đang cảnh báo tỷ lệ ung thư ở giới trẻ đang gia tăng đáng kể. Theo nghiên cứu, trong giai đoạn từ năm 1990 – 2019, số ca mắc ung thư ở người trẻ [dưới 50 tuổi] trên toàn cầu đã tăng lên 79%, còn số người chết vì ung thư tăng lên 28%; dự đoán tỷ lệ này đến năm 2030 sẽ tăng thêm 31%, và số người chết vì ung thư cũng sẽ tăng thêm 21%.

ung thu
Số liệu cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư ở nhóm người 20 – 34 tuổi tăng 40% từ năm 2010 – 2020, theo đó đáng chú ý đặc biệt là ung thư ruột kết. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Các loại ung thư đang gia tăng ở những người dưới 50 tuổi – thực trạng diễn ra ở hầu hết các châu lục, đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vì mức bệnh này thường được phát hiện ở nhóm tuổi mà hầu hết các bác sĩ không có nhiều đào tạo và kinh nghiệm ứng phó.

Các nhà khoa học bối rối trước sự khác biệt về tỷ lệ và loại ung thư, khiến một số người phải khởi động nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ với sự tham gia của hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới.

Trên toàn cầu, Úc có số lượng ca chẩn đoán ung thư sớm cao nhất trên thế giới, cứ 100.000 người có 135 trường hợp ung thư sớm.

Tiếp theo là nước láng giềng New Zealand, nơi có 119 ca trên 100.000 người dưới 50 tuổi.

Mặc dù ung thư vú là một vấn đề chủ yếu ở Úc, nhưng ung thư ruột kết lại đứng hàng đầu trong số các nước láng giềng.

Ở châu Á, mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc có nền kinh tế và địa lý tương tự nhau nhưng tỷ lệ mắc bệnh ung thư ruột kết khởi phát sớm lại khác nhau, theo đó Hàn Quốc có tốc độ gia tăng nhanh hơn.

Mỹ đứng thứ 6 với 87 ca trên 100.000 người, và Anh đứng thứ 28 với 70,5 ca trên 100.000 người (dưới 50 tuổi).

Các bệnh ung thư phát triển nhanh nhất bao gồm ung thư vòm họng và tuyến tiền liệt, trong khi các bệnh ung thư khởi phát sớm nguy hiểm nhất bao gồm dạ dày, ruột kết.

Các chuyên gia đã suy đoán, do gia tăng sàng lọc ung thư sớm, tăng tỷ lệ người béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo cùng việc lạm dụng rượu và hút thuốc có thể là một trong những nguyên nhân khiến ung thư gia tăng.

Tuy nhiên, do lối sống và thói quen ăn uống rất khác nhau giữa các nước, cho nên giờ đây giới nghiên cứu nhận thấy những yếu tố đó không thể giải thích đầy đủ cho sự gia tăng bệnh ung thư.

Bác sĩ Daniel Wong chuyên khoa gan tại Đại học Quốc gia Singapore nói với tạp chí Nature: “Nhiều người nghĩ rằng các yếu tố như béo phì và uống rượu có thể giải thích một số phát hiện của chúng tôi, nhưng có vẻ như cần nghiên cứu sâu hơn về dữ liệu”.

Nghiên cứu gần đây đã bắt đầu tập trung vào yếu tố di truyền đối với ung thư khởi phát sớm. Một số phát hiện những người trẻ tuổi bị ung thư cho thấy khối u ác tính hơn và khả năng ức chế hệ thống miễn dịch cơ thể mạnh hơn.

Nhà nghiên cứu bệnh học Shuji Ogino của Trường Y Harvard và các đồng nghiệp cũng phát hiện ra tỷ lệ gia tăng trường hợp phản ứng miễn dịch suy yếu ở những bệnh nhân có khối u khởi phát sớm. Nhưng Ogino cho biết sự khác biệt vẫn còn rất nhỏ và chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác.

Một lĩnh vực nghiên cứu mới là tác động của hệ vi sinh vật ở người, là tập hợp tác động tất cả các vi sinh vật được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể con người (bao gồm vi khuẩn, nấm, virus và gen của chúng) đối với bệnh ung thư khởi phát sớm.

Nghiên cứu chỉ ra thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng kháng sinh có thể “phá hỏng” hệ vi sinh vật, khi hệ vi sinh vật cơ thể rối loạn có thể dẫn đến tình trạng viêm – vấn đề có liên quan đến sự gia tăng một số bệnh, bao gồm cả ung thư.

Nhưng điều này cần được xác nhận bằng nghiên cứu sâu rộng hơn.

Đặc biệt đáng lo ngại là ung thư ruột kết ở giới trẻ. Số liệu cho thấy từ năm 2010 – 2020 tỷ lệ mắc bệnh ở người từ 20 – 34 tuổi tăng 40%, con số này dự kiến ​​ vào năm 2030 sẽ tăng 90%.

Ung thư ruột kết và trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba ở Mỹ, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở nam giới và phụ nữ [Mỹ].

Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính trong năm nay có khoảng 153.000 trường hợp ung thư ruột kết và trực tràng, trong số đó có 19.500 trường hợp là ở những người dưới 50 tuổi. Dự kiến khoảng 53.000 người ​​sẽ chết vì căn bệnh này.

Trong bối cảnh các chuyên gia đang vật lộn với số trường hợp bệnh không ngừng gia tăng, một nghiên cứu gần đây cho thấy xét nghiệm máu dùng để sàng lọc ung thư ruột kết có tác dụng tốt. Thử nghiệm do Guardant Health thực hiện vẫn chưa được FDA chấp thuận, nhưng dự kiến ​​sẽ được phê duyệt trong năm nay.

Bộ xét nghiệm tìm kiếm các đoạn DNA phát triển tiền ung thư trong tế bào khối u, bộ xét nghiệm được bán với giá 895 USD. Nghiên cứu gần đây chỉ ra phương pháp này phát hiện 83% trường hợp ung thư, nhưng bác sĩ vẫn khuyến nghị thực hiện kiểm tra đại trực tràng ở các độ tuổi khác nhau dựa trên yếu tố rủi ro cá nhân (tiêu chuẩn vàng sàng lọc). Có thể nói xét nghiệm có thể hữu ích nhưng không thay thế hoàn toàn cho các phương pháp chẩn đoán truyền thống khác như kiểm tra đại trực tràng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở hàng chục nước (bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Ấn Độ, Nam Phi, Úc và Mexico), tiếp theo là ung thư tuyến tiền liệt (có lẽ vì nó dễ sàng lọc hơn).

Các nhà nghiên cứu trên nhiều quốc gia đang bắt đầu hợp tác để ứng phó với tình hình không ngừng gia tăng người ung thư trẻ hóa, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng dữ liệu trong nhiều thập kỷ sẽ cần được phân tích trước khi có thể tiết lộ nguyên nhân thực sự.

Nhà dịch tễ Barbara Cohen tại Viện Nghiên cứu Y tế ở Oakland – California cho biết, ung thư có thể xuất hiện hàng thập kỷ sau khi tiếp xúc với các chất gây ung thư tiềm ẩn như thuốc lá hoặc hóa chất. Cô nói: “Câu hỏi được đặt ra là nếu thời gian ẩn náu của bệnh là hàng chục năm, thì vấn đề nằm ở đâu. Để hiểu rõ hơn về tình hình này, việc thu thập dữ liệu trên toàn thế giới từ năm 1959 về hàng ngàn bệnh nhân ung thư phát hiện sớm là cần thiết”.

Các nhà nghiên cứu kể từ năm 1959 đã tiến hành đánh giá ban đầu các mẫu sinh học từ phụ nữ mang thai và theo dõi trẻ em, qua đó phát hiện ra rằng ung thư ruột kết khởi phát sớm có thể liên quan đến việc tử cung tiếp xúc với hormone progesterone tổng hợp, đôi khi được sử dụng để ngăn ngừa sinh non.

Tiến sĩ Edward King, bác sĩ trưởng tại bệnh viện ung thư hàng đầu ở City of Hope – California cho biết, ung thư ở những người trẻ tuổi là “dịch bệnh ngày càng gia tăng mà chúng tôi đang chứng kiến ​​tại phòng khám của mình”.

Các bác sĩ ung thư tại bệnh viện nói với CBS rằng các bệnh ung thư phổ biến nhất ở người dưới 50 tuổi là ung thư vú, ruột kết và phổi.

Mặc dù việc sàng lọc đã tăng cường ở một số khu vực và tỷ lệ tử vong do ung thư ở Mỹ đã giảm (mặc dù chưa đủ nhanh), các trường hợp mắc một số bệnh ung thư vẫn tiếp tục gia tăng.

Brandon Abney, 41 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết giai đoạn 4 và phải cắt bỏ một phần ruột kết. Ông nói với CBS: “Ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết, không còn chỉ dành cho người già nữa, tình hình ngày càng trẻ hóa”.

Theo một bài báo trên tạp chí Nature, các bệnh ung thư khác đang gia tăng bao gồm ung thư tử cung, kể từ giữa những năm 1990 đến nay đã tăng 2% ở những người dưới 50 tuổi.

Juliet Landgrave (38 tuổi) mắc bệnh ung thư vú bộ 3 âm tính (TNBC) cho biết cô đã từng gặp những phụ nữ ở độ tuổi 20 mắc bệnh tương tự.

Từ năm 2016 – 2019, số ca ung thư vú khởi phát sớm tăng 4% mỗi năm, tuy nhiên tỷ lệ tử vong lại giảm.

Cô Landgrave nói: “Tôi thấy trong số bệnh nhân ung thư vú bộ 3 âm tính như của tôi có những người ở độ tuổi 20, họ chỉ mới bắt đầu vào đời đã mắc căn bệnh khủng khiếp này. Vì vậy, tôi thấy mình rất may mắn khi có thể sớm phát hiện khối u này”.