Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (US Geological Survey) vào ngày 6/7 đã chỉ ra rằng, 45% nguồn nước tại Mỹ chứa ít nhất một loại “chất độc hại vĩnh cửu” PFAS, vào cơ thể lâu dài có thể gây các vấn đề như ung thư, sinh con dị tật, mất cân bằng nội tiết tố…

shutterstock 1379304191
45% nước sinh hoạt tại Mỹ có chứa ít nhất một loại PFAS. (Ảnh: Krakenimages.com/ Shutterstock)

PFAS ở khắp mọi nơi

Theo tờ WSJ, trong vòng 5 năm kể từ năm 2016 các nhà nghiên cứu đã kiểm tra trị số PFAS (chất hoạt động bề mặt chứa flo) trong nguồn nước ở hơn 700 thành phố và thị trấn của nước Mỹ.  Họ phát hiện 45% nguồn nước tại Mỹ chứa ít nhất một loại PFAS với nồng độ cao nhất ở Great Plains, Great Lakes, vùng bờ biển phía Đông, vùng trung tâm và phía nam bang California. Mức nhiễm PFAS của giếng tư nhân và nguồn nước công cộng là tương đương nhau.

PFAS là dạng chất hóa học nhân tạo rất nhỏ nhưng thường phải nhiều chục năm mới phân hủy được trong cơ thể, do đó được ví là “hóa chất vĩnh cửu”.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), có hơn 12.000 loại PFAS nhưng công nghệ hiện tại chỉ có thể phát hiện 32 loại trong số đó. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết thực tế có thể tồi tệ hơn.

Ngoài vấn đề nguồn nước, các sản phẩm hàng ngày từ chảo rán đến chất tẩy vết bẩn, bao bì thực phẩm (chẳng hạn như túi bỏng ngô), mỹ phẩm, điện thoại di động, xe ít khí thải, nông sản… cũng chứa các dạng PFAS khác nhau. Mục đích chính của PFAS trong sản xuất sản phẩm là chống thấm nước và chống dầu mỡ, làm cho dụng cụ nhà bếp dễ lau chùi hơn.

Ngay cả hoạt động tưởng như bình thường như rửa chén bát cũng là một trong những nguồn khiến PFAS ngấm vào nguồn nước. Lưu ý rằng những bao bì sản phẩm có khả năng chống thấm dầu mỡ và nước (như màng bọc bánh hamburger), hoặc nếu lớp chống dính trên nồi và chảo bị hỏng, thì chất PFAS cũng có thể thấm vào thực phẩm.

Trong trồng trọt, PFAS có trong thuốc trừ sâu, khi sử dụng sẽ xâm nhập vào các nguồn nước uống.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Texas đã phát hiện trong số 10 loại thuốc trừ sâu phổ biến được sử dụng trên các cánh đồng trồng bông tại Mỹ có 7 loại mang PFAS, đặc biệt có một loại chứa PFAS hàm lượng cao tới một phần nghìn tỷ (ppt) – cũng được người nông dân sử dụng cho các loại cây trồng khác bao gồm cả lương thực.

Jamie DeWitt, một chuyên gia về chất độc tại Đại học East Carolina, cho biết cô không ngạc nhiên khi thấy mức độ PFAS cao trong nước uống. Cô chỉ ra PFAS có ở mọi nơi xung quanh chúng ta.

PFAS có thể gây ung thư

Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), nếu con người tiếp xúc hoặc ăn phải quá nhiều PFAS, nó sẽ lắng đọng trong máu, gan và thận, làm tăng nguy cơ các rủi ro như ung thư, béo phì, bệnh tuyến giáp, cholesterol cao, vô sinh, bệnh gan, mất cân bằng nội tiết tố…

CNN trước đó đã đưa tin, từ hồi tháng 6/2022 EPA đã cảnh báo dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy tác hại của PFAS lớn hơn nhiều so với hiểu biết trước đây của giới khoa học, chỉ cần hấp thụ một phần nghìn cũng sẽ nguy hại cho sức khỏe.

Trong sử dụng nước ở Mỹ có khoảng 270 triệu người dựa vào các nguồn nước công cộng và 40 triệu người dựa vào giếng tư nhân, tất cả đều có khả năng bị ảnh hưởng PFAS.

Mặc dù chưa rõ trong nước hộ gia đình có chứa lượng PFAS như thế nào, nhưng hầu hết các mẫu ô nhiễm nhất đều đến từ các khu vực đô thị, tiêu biểu tại các địa điểm như nhà máy chế biến sử dụng các hợp chất này để sản xuất sản phẩm, các nhà máy xử lý chất thải…

AFP đưa tin rằng gần đây EPA đã đề xuất các quy tắc chặt chẽ hơn, yêu cầu giảm mức PFAS trong nguồn cung cấp nước. Những năm gần đây đã có nhiều công ty lớn tại Mỹ hướng đến kế hoạch ngưng dùng những chất có PFAS, dự kiến quyết định cuối cùng sẽ đưa ra ​​​​sau năm 2024.