Vào thứ Tư tuần trước (5/6), Chủ tịch John Moolenaar (R-MI) của Ủy ban Chuyên trách về Trung Quốc (ĐCSTQ) – Hạ viện Mỹ, đã gửi thư cho Bộ An ninh Nội địa chỉ ra vấn đề 2 nhà sản xuất pin Trung Quốc là Guoxuan Hi-Tech (Gotion) và Contemporary Amperex Technology (CATL) tham gia vào chương trình lao động cưỡng bức của Chính phủ Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, do đó nên đưa họ vào danh sách đen nhập khẩu của Mỹ.

trai lao dong Tan Cuong 1
Trại tập trung Tân Cương. (Ảnh: Vision Times tổng hợp)

Theo thông tin do Ủy ban Chuyên trách về ĐCSTQ cung cấp, các doanh nghiệp Guoxuan Hi-Tech và CATL không chỉ hợp tác với “Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương” (tổ chức bán quân sự) và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong vấn đề lao động cưỡng bức và di dời người Duy Ngô Nhĩ, còn không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Ông Moolenaar cho rằng Mỹ nên tiếp tục ngăn chặn các sản phẩm lao động cưỡng bức ở Tân Cương vào Mỹ – căn cứ theo Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Theo nguồn tin từ tờ WSJ, hãng xe hơi Volkswagen của Đức nắm giữ một phần cổ phần của Guoxuan Hi-Tech, trong khi CATL là nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới và cũng là đối tác của Ford Motor Company tại Mỹ.

Thông cáo báo chí của Ủy ban Chuyên trách về ĐCSTQ cho biết, CATL mua vật liệu cực dương lithium-ion từ các công ty con của Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, và mua niken điện phân từ công ty Kim loại màu Tân Cương (Xinjiang Nonferrous); ngoài ra, một trong những nhà cung cấp chính của CATL – Tập đoàn Yibin Tianyuan cũng có quan hệ chặt chẽ với Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương.

Các công ty vừa nêu như Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương và Công ty Kim loại màu Tân Cương đều đã bị Mỹ trừng phạt. Công ty Kim loại màu Tân Cương nổi tiếng với việc sử dụng lao động cưỡng bức, bao gồm cả việc ép đàn ông Hán phải chung sống với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ.

Thông cáo báo chí của Ủy ban Chuyên trách về ĐCSTQ cũng lưu ý rằng, ngoài việc mua lá nhôm từ một công ty con của Kim loại màu Tân Cương, Guoxuan Hi-Tech còn mua vật liệu từ Xinjiang Joinworld – một công ty con của Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Ủy ban Chuyên trách cáo buộc Công ty Zhonghe Tân Cương tham gia vào chương trình “chuyển giao lao động nghèo” của chính quyền Trung Quốc – thực chất là hoạt động bình phong của lao động cưỡng bức.

Mộc Vệ (t/h)