Trong khi Mỹ đã thể hiện rõ ràng ủng hộ và là hậu thuẫn mạnh nhất của Israel, EU và Anh quốc cũng đồng dạng thể hiện lập trường ủng hộ Israel, vậy lập trường của Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ về chiến tranh Israel-Hamas là như thế nào? Al Jazeera có bài phỏng vấn một số nhà phân tích về chủ đề này, đăng hôm Thứ Bảy 14/10.

231015 alj 03 scaled
Tình cảnh Gaza sau bom đạn của Israel (ảnh cắt từ video của Al Jazeera)
  • Al Jazeera có bài phân tích lập trường của Nga Trung Ấn về chiến tranh Israel-Hamas:

Thế giới đang nhìn vào chiến tranh Israel-Hamas, nhưng với các góc nhìn khác nhau.

Washington đã nói rõ họ “ủng hộ vững vàng” Israel, và cam kết sẽ gửi vũ khí và đạn dược cho công cuộc oanh tạc Dải Gaza nhỏ hẹp với 2,3 triệu dân.

EU đã tuyên bố đoàn kết sát cánh với Israel, sau khi chứng kiến “tội ác ghê tởm” của các tay súng Hamas, giết chết ít nhất 1.300 người Israel, và làm bị thương ít nhất 3.000 người.

Thế còn các thế lực khác trên thế giới —như Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ— thì như thế nào?

Người dẫn chương trình Bernard Smith của hãng tin Al Jazeera (Qatar) đã cho mời các nhà phân tích chuyên môn để hỏi về lập trường của Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ. Đó là Pavel Felgenhauer – một nhà phân tích độc lập về Nga, Einar Tangen – một chuyên gia cao cấp của Viện Thái Hà (Trung Quốc), và Ashok Swain – một giáo sư của Đại học Uppsala (Ấn Độ).

Các câu hỏi được đặt ra nhìn chung nhắm vào lập trường hiện nay của Nga, Trung Quốc, và Ấn Độ là thế nào, trong tương lai liệu có khả năng các nước này sẽ can thiệp hay không đặc biệt là về quân sự, nếu chiến tranh Israel-Hamas mở rộng ra ngoài phạm vi Israel và Hamas, thì có Nga Trung Ấn liệu có phản ứng như thế nào.

Trung Quốc

Trong quá khứ, Trung Quốc từng ủng hộ phong trào Palestine, tuyên bố rằng nguyên nhân nguồn gốc của xung đột ở đây là do các bất công trong lịch sử, và tin rằng những bất công mà người Palestine phải gánh chịu cần được giải quyết. Nhưng kể từ 1992, Trung Quốc cũng phát triển những quan hệ với Israel, đặc biệt về công nghệ quân sự. Trung Quốc cũng có phát triển quan hệ kinh tế với các nước Ả Rập và Iran.

231015 alj 01jpg
Kể từ 1992, Trung Quốc thúc đẩy các quan hệ với Israel, trong đó gồm cả công nghệ vũ khí (ảnh cắt từ video của Al Jazeera)

Theo phân tích của ông Tangen, Trung Quốc coi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là cuộc xung đột có nguồn gốc lịch sử. Trung Quốc cảm thấy họ sẽ không được lợi ích gì nếu can thiệp vào cuộc chiến tranh này. Nói cách khác, lợi bất cập hại, lợi ích dù có cũng nhỏ thôi, mà phiền toái thì lớn. Cho nên Trung Quốc sẽ tìm mọi cách né tránh, và sẽ không có hoạt động nào về thực chất.

Khả năng lớn nhất là Trung Quốc chỉ kêu gọi hòa bình chung chung.

Về khả năng can thiệp quân sự, thì càng không có khả năng, vì Trung Quốc dường như không có lợi gì nếu họ làm vậy. Theo phân tích, cuộc chiến tranh này có lẽ cũng không đem lại lợi ích gì cho các bên tham gia, ngoài việc dẫn đến tàn phá và chết chóc. Đây là cuộc chiến khá là phi nghĩa, nó phản ánh mâu thuẫn của lịch sử.

Nga

Trong quá khứ, Nga vốn đã có quan hệ phức tạp với cả 2 phe tham chiến trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas hôm nay. Có nhiều người dân Israel có huyết thống là người Nga. Tuy nhiên, Nga cũng nhấn mạnh thông điệp về quyền lợi của người Palestine. Hôm Thứ Hai, Nga đã chặn một quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án Hamas. Một ngày sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin miêu tả xung đột hiện nay ở Israel và Gaza là “sự thất bại của chính sách của Mỹ về vấn đề Trung Đông.”

231015 alj 02 scaled
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích chính sách của Mỹ về vấn đề Trung Đông (ảnh cắt từ video của Al Jazeera)

“[Mỹ] cổ xúy tư tưởng của riêng mình, rằng giải quyết vấn đề thế nào. [Mỹ] đẩy sức ép sang cả hai phe —đầu tiên là sức ép lên phe này, và sau là phe kia— lần nào cũng không cân nhắc tới quyền lợi căn bản nhất của người Palestine,” Tổng thống Putin nói trong phỏng vấn.

Theo phân tích của ông Felgenhauer, Nga hiện kiên trì đứng ở vị trí trung lập trong cuộc chiến. Bản thân Nga cũng có quan hệ phức tạp với cả 2 phe, đó là một nguyên nhân chủ yếu.

Ông Felgenhauer cho rằng truyền thông và các chính khách hiện nay thường đặt vấn đề là ai đó hoặc là theo phe Israel hoặc là theo phe Palestine. Theo ông, cách đặt vấn đề như vậy là không đúng. Nga sẽ kiên trì lựa chọn thứ 3, tức là trung lập.

Tuy nhiên, chiến tranh Ukraine đã khiến Nga đã buộc phải coi Mỹ và NATO là kẻ thù. Nga muốn giữ quan hệ trung lập trong xung đột giữa Israel và Palestine, nhưng Mỹ và NATO rõ ràng ủng hộ Israel, cho nên, nếu sự việc phát triển thì có thể sẽ có biến động trong cách Nga hành xử. Theo ông, Nga đã vất vả vì chiến tranh Ukraine rồi, và không muốn tham gia vào các rắc rối nào khác nữa. Nhưng có thể Mỹ và NATO không muốn như vậy.

Nếu chiến tranh lan rộng, và nếu tình hình biến động theo khả năng động chạm đến lợi ích của Nga, thì không loại trừ khả năng Nga sẽ có can thiệp về quân sự.

Theo ông Felgenhauer, khả năng chiến tranh leo thang không phải là không có. Ít nhất cho đến hiện nay, không phe nào thể hiện muốn ngừng bắn và hòa đàm.

Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tỏ rõ thái độ về cuộc chiến này, và đã mạnh mẽ lên án Hamas. Ông Modi tới thăm Israel và trở thành thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ tới Israel vào năm 2017, nhưng ông không hề tới thăm Palestine. Ấn Độ hiện là khách hàng lớn nhất của Israel về vũ khí, mặc dù trong quá khứ Ấn Độ từng ủng hộ Palestine.

Tuy ông Modi đã biểu đạt thái độ, nhưng hôm Thứ Ba, Bộ Ngoại giao Ấn Độ kêu gọi nhà nước Palestine độc lập, và đảng đối lập trong Quốc hội Ấn Độ lên án tình trạng người Palestine bị đối xử tệ bạc.

231015 alj 04 scaled
Thủ tướng Israel Netanyahu và Thủ tướng Ấn Độ Modi trong chuyến viếng thăm Israel (ảnh cắt từ video của Al Jazeera)

“Chúng tôi sát cánh với Israel trong những giờ khó khăn nhất này,” Thủ tướng Modi viết trên mạng xã hội X (Twitter).

“Có vấn đề lớn hơn là chiến tranh ở đây, và nó là có lý do đằng sau,” Shashi Tharoor, đảng đối lập trong Quốc hội Ấn Độ. “Đó chính là tính phi nhân đạo của sự chiếm đóng [của Israel] vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi. Người dân Gaza đang sống trong một nhà tù lớn trong thời gian đã lâu nay rồi, và người ở Bờ Tây phải sống trong những bức tường ngăn cản tự do đi lại của họ.”

Theo phân tích của ông Swain, thì Thủ tướng Modi tuy đã biểu hiện sự ủng hộ mạnh mẽ Israel, đồng thời lên án Hamas, nhưng quan điểm đó của ông Modi không phản ánh ý chí của quảng đại người Ấn Độ.

Thứ nhất, trong cộng đồng Ấn Độ thì ảnh hưởng của các thành phần ủng hộ Hồi giáo là không nhỏ. Thứ hai, Ấn Độ vốn chính là quốc gia giải phóng từ thuộc địa của Anh quốc vào 78 năm trước, do đó vẫn có lượng không nhỏ dân chúng ủng hộ phong trào đòi độc lập của Palestine.

Theo phân tích của ông Swain, trước mắt tuy ông Modi đưa ra lập trường nghiêng về Israel như vậy. Nhưng trong tương lai gần, khi chiến tranh leo thang và đặc biệt là khi số người Palestine bị chết nhiều lên, thì ông Modi có đủ lý do để thay đổi quan điểm của mình. Vì ông ấy cần phiếu bầu, và không thể đi ngược lại nhận thức của lượng lớn người Ấn Độ.

Về can thiệp vào chiến tranh, thì ông Swain cho rằng Ấn Độ không phải là Nga hay Trung Quốc, và câu hỏi về việc liệu Ấn Độ có can thiệp vào chiến tranh ở Trung Đông hay không, đặc biệt là can thiệp quân sự, dường như là loại câu hỏi không thích hợp với quốc gia như Ấn Độ.

Nhật Tân