Ngoại trưởng Ấn Độ và Philippines hôm thứ Năm đã cam kết tăng cường hợp tác song phương nhằm chống lại các yêu sách lãnh thổ kéo dài của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định lợi ích chung đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do, cởi mở và bao trùm”.

Embed from Getty Images

Thông điệp về sự đoàn kết đã xuất hiện từ cuộc gặp ở New Delhi, khi Ấn Độ cùng với Philippines kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng như phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 có lợi cho Manila và chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với các vùng rộng lớn của Biển Đông.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo đồng chủ trì kỳ họp thứ năm của Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Philippines về hợp tác song phương cho biết, hai nhà ngoại giao đã tổ chức một cuộc thảo luận “trên diện rộng và thực chất” về các vấn đề cùng quan tâm trong khu vực và quốc tế, nhấn mạnh sự cần thiết của việc “giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, một thỏa thuận quốc tế được thông qua lần đầu tiên vào năm 1982, đưa ra các quy tắc quản lý tất cả việc sử dụng các đại dương và tài nguyên của chúng, bao gồm cả quyền tự do hàng hải. Với 169 bên tham gia, UNCLOS quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển lục địa của một quốc gia có chủ quyền.

Trung Quốc và Philippines từ lâu đã cáo buộc nhau vi phạm UNCLOS, trong khi một số quốc gia khác trong khu vực cũng phản đối Bắc Kinh dựa trên yêu sách lãnh thổ của họ. Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines đều là các bên tham gia hiệp ước.

Yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông tập trung vào đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, bao quanh một số hòn đảo và vùng biển có chủ quyền đang tranh chấp. Phán quyết năm 2016 trong vụ kiện ở Hague đã bác bỏ tính hợp pháp của đường chín đoạn. Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết không ràng buộc này.

Trong nhiều năm, Ấn Độ duy trì lập trường trung lập về vấn đề này. Tuy nhiên, sau các cuộc đụng độ chết người dọc biên giới tranh chấp với Trung Quốc vào năm 2020, họ gọi Biển Đông là “một phần của tài sản chung toàn cầu”.

Ông Manalo hôm thứ Tư đã mô tả các tranh chấp lãnh thổ của Philippines với Trung Quốc là một “thách thức lớn” trong mối quan hệ của nước này với gã khổng lồ châu Á. Nhưng ông nói thêm rằng “những khác biệt mà chúng tôi có với Trung Quốc không phải là toàn bộ mối quan hệ của chúng tôi”.

Phát biểu tại một sự kiện do Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ tổ chức, ông Manalo cho biết các cuộc đàm phán giữa các bên yêu sách nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã được tiến hành trong 4-5 năm qua.

“Chúng tôi có thể không nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, nhưng chúng tôi nhìn thấy đường hầm và đó là nơi chúng tôi đang tới,” ông Manalo nói về nỗ lực này.

Vào thứ Năm, hai ông Jaishankar và Manalo cam kết tiếp tục hợp tác trong các vấn đề quốc phòng. Manila cho biết họ sẽ xem xét đề nghị của New Delhi về hạn mức tín dụng ưu đãi để đáp ứng “các yêu cầu về quốc phòng, mua sắm khí tài hải quân, mở rộng hoạt động huấn luyện và diễn tập chung về an ninh hàng hải và ứng phó thảm họa”.

Ngoài ra, hai bên đã đồng ý đặt một tùy viên quốc phòng Ấn Độ tại Manila.

Sự hợp tác mới nhất diễn ra sau lời cam kết mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đưa ra trong các cuộc hội đàm song phương vào tuần trước tại Washington.

Một tuyên bố chung từ Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, đặc biệt như được phản ánh trong UNCLOS và việc duy trì tự do hàng hải và hàng không, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Là một đồng minh có hiệp ước phòng thủ chung của Washington, Manila hồi tháng 4 tuyên bố sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 4 căn cứ mới trên lãnh thổ của mình. Điều này đã nâng tổng số căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đó lên 9. Bắc Kinh đáp trả bằng cách cảnh báo rằng sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở Philippines đang “gây nguy hiểm cho hòa bình khu vực”.

Ngân Hà (theo SCMP)