Theo Reuters, ngày 18/11, một đặc phái viên của Trung Quốc đã vận động các quốc gia ASEAN để nhà cầm quyền quân sự của Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực do chủ tịch Trung Quốc chủ trì. Tuy nhiên, sự việc đã vấp phải sự phản đối gay gắt.

Min Aung Hlaing in June 2017
Thống tướng Min Aung Hlaing (Ảnh: Wikimedia)

Myanmar, thành thành viên của Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã trở thành tâm điểm chú ý sau cuộc đảo chính ngày 1/2, khi quân đội của nước này lật đổ chính phủ đắc cử của người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi, gây ra tình trạng hỗn loạn đẫm máu.

Trước khủng hoảng và tình trạng đàn áp dân chủ ở Myanmar, một số thành viên ASEAN đã tìm cách gây sức ép với các tướng lĩnh nước này bằng cách loại họ khỏi các cuộc họp ASEAN.

Trong một quyết định chưa từng có hồi tháng trước, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chặn Tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tham dự hội nghị cấp cao ASEAN sau khi ông này không thực hiện cam kết cho phép một đặc phái viên của ASEAN gặp các nhà lập pháp bị lật đổ trong cuộc đảo chính.

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết nên yêu cầu một nhân vật phi chính trị từ Myanmar tham dự. Cuối cùng, Myanmar không có đại diện.

Nhiều nguồn tin ngoại giao và chính trị trong khu vực cho biết Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore muốn Tướng Min Aung Hlaing bị cấm tham dự cuộc họp Trung Quốc – ASEAN ngày 22/11 do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.

“Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei đã nhất trí duy trì lập trường như tại hội nghị cấp cao ASEAN”, nguồn tin chính phủ tại một quốc gia ASEAN giấu tên cho biết, đề cập đến yêu cầu Myanmar phải được đại diện bởi một nhân vật phi chính trị.

Indonesia là một trong những nước chỉ trích thẳng thắn nhất, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi tuyên bố rằng Myanmar không nên có đại diện ở cấp độ chính trị cho đến khi nước này khôi phục lại nền dân chủ. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah cũng khẳng định quan điểm về một nhân vật phi chính trị.  

Bộ Ngoại giao Malaysia từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Singapore, Brunei và Việt Nam chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận nhưng hôm thứ Ba, phát ngôn viên của họ, ông Triệu Lập Kiên, cho biết Trung Quốc ủng hộ tất cả các bên ở Myanmar trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đối thoại và sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế về nỗ lực khôi phục sự ổn định và tiếp tục chuyển đổi dân chủ. 

Chính phủ quân sự Myanmar đã không trả lời yêu cầu bình luận.

ASEAN trong nhiều thập kỷ được biết đến với chính sách can dự và không can thiệp, nhưng cuộc đảo chính của Myanmar đã thay đổi điều đó.

Vào tháng 4, ASEAN đã đưa ra một kế hoạch 5 điểm tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo đặc biệt mà Tướng Min Aung Hlaing cũng tham dự, bao gồm cam kết chấm dứt bạo lực và cho phép một đặc phái viên của ASEAN bắt đầu đối thoại với “tất cả các bên”, bao gồm cả các nhà lập pháp bị lật đổ.

Myanmar đã không tuân thủ kế hoạch, nói rằng họ có “lộ trình” của riêng mình cho các cuộc bầu cử mới.

Đông A (theo Reuters)

Xem thêm: