Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự định thăm Đài Loan vào tháng Tám nhưng bị Chính phủ Trung Quốc đe dọa. Hôm qua (25/7) cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tweet ủng hộ, nói sẽ đi đến Đài Loan cùng bà Pelosi và hẹn gặp ở đó.

Mike Pompeo
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh chụp màn hình video Viện Hudson)

Tờ Financial Times của Anh gần đây đưa tin rằng bà Pelosi đã lên kế hoạch thăm Đài Loan vào tháng Tám, thông tin đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kịch liệt phản đối và cảnh báo rằng “mọi hậu quả hoàn toàn do Mỹ chịu trách nhiệm”. Thậm chí ĐCSTQ còn cảnh báo rằng nếu Mỹ đơn phương hành động tùy ý thì họ sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn, thậm chí còn có phương tiện truyền thông Trung Quốc gợi ý Trung Quốc có thể gửi máy bay chiến đấu để ngăn chặn chuyên cơ của bà Pelosi.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vừa thăm Đài Loan vào tháng Ba năm nay nói rằng ông sẽ một lần nữa đến Đài Loan vào tháng Chín, hôm 25/7 ông đã tweet ủng hộ chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Ông Pompeo chia sẻ, “Nancy, tôi sẽ đi cùng bà (đến Đài Loan). Mặc dù tôi bị ĐCSTQ cấm vận nhưng không bao gồm Đài Loan yêu tự do. Hẹn gặp bà ở đó!”

Đáp lại, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ đã công bố bài chỉ trích ông Pompeo và bà Pelosi.

Sau đó, trên Twitter dân biểu Cộng hòa Brian Fitzpatrick đã khuyến khích bà Pelosi thể hiện lòng can đảm, không phải lo lắng về hăm dọa của ĐCSTQ. Dân biểu Cộng hòa Don Bacon cũng đã tweet rằng ĐCSTQ không có quyền ra lệnh cho người Mỹ nào có thể đến thăm Đài Loan. Các dân biểu Cộng hòa khác như Tom Tiffany và Scott Perry cũng đã cùng nhau gửi một bức thư cho bà Pelosi kêu gọi bà không cần để ý phản đối của ĐCSTQ hay thậm chí của Tổng thống Biden, hãy cứ đến thăm Đài Loan theo kế hoạch ban đầu.

Đe dọa của Bắc Kinh có thể phản tác dụng

Về vấn đề trên, Giáo sư Yeh-Chung Lu tại Khoa Ngoại giao của Đại học Chengchi Đài Loan nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ đã bày tỏ lập trường về vấn đề này khi tự cho rằng nếu tiếp tục gây áp lực (gồm cả việc gia tăng áp lực quân sự) thì Mỹ có thể sẽ nhượng bộ và có lẽ sẽ không để bà Pelosi đến Đài Loan.

Ông Yeh-Chung Lu nói rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan tất nhiên là xuất phát từ quan điểm hệ giá trị Mỹ [tương đồng Đài Loan], nhưng năm nay là cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ nên các bên đều có sự cân nhắc về bầu cử. Dưới sự tác động qua lại của nhiều yếu tố trong thời điểm hiện nay, nếu ĐCSTQ tiếp tục sử dụng cách cưỡng bức đe dọa như thế thì thường sẽ phản tác dụng.

“Phản ứng của Trung Quốc ngày càng gay gắt và dữ dội hơn, dù là Pompeo hay Pelosi thì trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay có lẽ đều có thể đạt được kết quả rất tốt thông qua phương thức này [việc đến Đài Loan], có thể sau cuộc bầu cử giữa kỳ ông Pompeo trở thành ứng viên sáng nhất tranh cử Tổng thống trong Đảng Cộng hòa”, ông Yeh-Chung Lu nói.

Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc và là tiến sĩ xã hội học tại Đại học Sydney ở Úc là Qin Jin nói rằng ĐCSTQ phải phản ứng để ngăn cản và đe dọa các chức sắc Mỹ đến thăm Đài Loan, nhưng chuyến đi có diễn ra hay không thì trước hết là do phía Mỹ quyết định.

Ông Qin Jin nói rằng, “Nếu ông ấy [Pompeo] có thể tháp tùng bà Pelosi đến Đài Loan thì đó sẽ là một tin tốt cho Đài Loan, hãy xem bà Pelosi có sẵn sàng chấp nhận kiến nghị của ông Pompeo hay không, vì xét cho cùng thì họ thuộc hai đảng phái khác nhau”.

Tờ Washington Post gần đây cũng đã chỉ ra rằng lập trường cứng rắn của ĐCSTQ đối với chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã đặt chính quyền Tổng thống Biden vào tình thế khó xử: vì chủ tịch Hạ viện Mỹ có quyền tự quyết định chuyến đi của mình, nếu Nhà Trắng trì hoãn chuyến đi của bà Pelosi thì Tổng thống Biden có thể bị lên án vì thể hiện yếu kém đối với Đài Loan, qua đó ĐCSTQ có thể hiểu lầm rằng chiến thuật cứng rắn của họ có hiệu quả và họ có khả năng quyết định đối với chuyến thăm của phái đoàn Mỹ tới Đài Loan. Nhưng nếu chính quyền Tổng thống Biden ủng hộ chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, điều đó có thể khiến nỗ lực xoa dịu quan hệ với ĐCSTQ của chính quyền Tổng thống Biden không còn tác dụng.