Báo cáo của Pháp: “Quỹ giao lưu Trung – Mỹ” hoạt động tích cực cho ĐCSTQ
- Diệp Tử Minh
- •
Gần đây, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự (IRSEM) thuộc Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Hành động có ảnh hưởng của Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Báo cáo này đã tiết lộ ĐCSTQ mở rộng sức ảnh hưởng ở nước ngoài, lợi dụng các tổ chức ở nước ngoài của mình để tiến hành công tác mặt trận thống nhất trong các lĩnh vực. Báo cáo đã điểm tên “Quỹ giao lưu Trung – Mỹ” (CUSEF) thực hiện công tác mặt trận thống nhất tích cực nhất cho ĐCSTQ.
Mời xem các bài trước:
- Báo cáo của Pháp: Nội tình chuyện Đại sứ TQ tại Thụy Điển bị yêu cầu trục xuất
- Pháp: Báo cáo tiết lộ cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công
- Báo cáo của Pháp: ĐCSTQ can thiệp vào Canada, tạo ra “ngoại giao con tin”
- Báo cáo của Pháp: Cách ĐCSTQ thao túng truyền thông Tiếng Trung tại hải ngoại
- Báo cáo của Pháp tiết lộ ĐCSTQ lợi dụng Huawei để thu thập dữ liệu toàn cầu
CUSEF bị cáo buộc “tích cực làm công tác mặt trận thống nhất tại Mỹ”
Theo trang web chính thức của CUSEF, quỹ này được tư nhân tài trợ và thành lập tại Hồng Kông vào năm 2008. CUSEF tự xưng là “một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận độc lập, nhằm mục đích thiết lập sân chơi thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng và giao lưu đa dạng giữa người dân Trung Quốc và Mỹ.”
Ông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) là chủ tịch sáng lập của Quỹ Giao lưu Trung – Mỹ và Quỹ Đoàn kết Hồng Kông. Ông hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là Trưởng Đặc khu hành chính hành Hồng Kông đầu tiên từ tháng 7/1997 đến tháng 3/2005.
Báo cáo mới nhất của IRSEM chỉ ra, quỹ này có quan hệ mật thiết với chính quyền ĐCSTQ dù là về thành viên tổ chức hay các hoạt động.
Báo cáo nhấn mạnh rằng CUSEF thực tế đang “hoạt động như một tổ chức tuyến đầu của chính quyền ĐCSTQ và thực hiện công tác mặt trận thống nhất tích cực nhất ở Mỹ”. Ngoài ra, mối quan hệ giữa CUSEF và Bộ Mặt trận thống nhất ĐCSTQ được công nhận: Ông Đổng Kiến Hoa là Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, trong Ban giám đốc của quỹ CUSEF này còn có vài thành viên của Bộ Mặt trận thống nhất hoặc tổ chức đảng.
Ví dụ, ông Lưu Trường Lạc (Liu Changle), giám đốc của CUSEF, là người sáng lập Phoenix TV và là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Phoenix Satellite TV Investment. Đây là một kênh truyền hình phi chính phủ hiếm hoi được phép hoạt động tại Trung Quốc (thực tế là mượn danh nghĩa phi chính phủ mà thôi), do đó có thể thấy “nó có mối quan hệ mật thiết với ĐCSTQ”.
CUSEF tài trợ cho nhiều hoạt động có liên quan đến ĐCSTQ
Báo cáo cho biết, CUSEF đã tài trợ cho nhiều hoạt động của Hiệp hội Liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc (CAIFC). Ví dụ như hoạt động giao lưu “Sáng tạo Tam Á” của các tướng lĩnh cao cấp đã nghỉ hưu từ Trung Quốc và Mỹ. Nó cũng tài trợ cho các cuộc đối thoại, dự án và trao đổi khác giữa Mỹ và Trung Quốc.
CUSEF cũng tài trợ nhiều cuộc đối thoại cấp cao. Ví dụ, đối thoại giữa các đảng chính trị Trung – Mỹ đã thúc đẩy các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo chính trị, chứ không phải các tướng lĩnh quân đội. Các cuộc đối thoại này do Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương ĐCSTQ và Viện Đông Tây (EWI: EastWest Institute) phối hợp tổ chức.
CUSEF còn tổ chức một cuộc đối thoại an ninh cấp cao Mỹ – Trung với Viện Đông Tây và Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (China Institute of International Studies). Cuộc đối thoại kiến nghị những người quản lý trong các cơ sở giáo dục bậc cao, đại diện chính phủ tiền nhiệm hoặc đương nhiệm, quân nhân và lãnh đạo doanh nghiệp của Trung – Mỹ trao đổi ý kiến với nhau.
Năm 2017, CUSEF còn cùng EWI và Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc (CICR) tài trợ cho hội thảo hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng Trung – Mỹ. CICIR được coi là một tổ chức nghiên cứu tư vấn trực thuộc Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ.
CUSEF còn hỗ trợ Diễn đàn Quan hệ Mỹ – Trung do Hiệp hội Hữu nghị đối ngoại Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC), Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (SIIS) và Trung tâm Carter (Tổ chức nghiên cứu tư vấn của Mỹ) tổ chức tại Tô Châu vào năm 2016.
CUSEF cũng hỗ trợ tổ chức “Diễn đàn Trung Quốc” tại các trường đại học tốt nhất Mỹ. Ví dụ như Đại học New York, Đại học Chicago và Đại học Johns Hopkins.
Trong năm 2015 và 2016, CUSEF cũng đã cử các đoàn đại biểu từ các tổ chức nghiên cứu tư vấn và Trung tâm Vì sự tiến bộ của Mỹ (Center for American Progress) đến Trung Quốc. Năm 2016, phái đoàn đã đặc biệt gặp ông Trương Cao Lệ, khi đó là Phó Thủ tướng ĐCSTQ, ông Kim Lập Quần (Jin Liqun) – Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, và ông Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo) – Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quân ủy Trung ương ĐCSTQ.
Năm 2019, CUSEF và Trung tâm Giao lưu Kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE) đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về “Quan hệ Kinh tế và Thương mại Trung – Mỹ: Hiện trạng và triển vọng” tại Hồng Kông.
Báo cáo nhấn mạnh rằng tổ chức này được đăng ký là “đại diện nước ngoài” tại Mỹ, tài trợ cho một số trung tâm nghiên cứu của Mỹ, các dự án đại học, các tổ chức nghiên cứu tư vấn và một số tổ chức nghiên cứu tư vấn có ảnh hưởng nhất đối với Washington. Tuy nhiên, sự thâm nhập của nó vào giới học thuật chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, CUSEF liên quan đến “một cách tiếp cận rộng rãi và đa dạng hơn để tác động đến nền chính trị Mỹ”, đặc biệt là thông qua việc tài trợ cho một số hoạt động vận động hành lang nhằm vào quốc hội, chính quyền địa phương và liên bang.
Theo báo cáo, chương trình gặp gỡ và giao lưu của CUSEF không chỉ hướng đến các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị, chương trình còn bao gồm việc mời sinh viên Mỹ từ Đại học Columbia, Đại học Chicago, Đại học Harvard (Trường Kennedy), v.v, sang Trung Quốc; các chương trình khác lại nhắm đến một số kênh truyền thông của Mỹ, các đại diện của Philadelphia Inquirer, Chicago Tribune, National Public Radio, Vox Media, Bloomberg, Reuters, Forbes, v.v, đều đã tham gia.
Hầu hết những lời mời này đều hợp tác với “Hiệp hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc” (gọi tắt là Hiệp hội hữu nghị đối ngoại) để tổ chức các dự án.
“Hiệp hội hữu nghị đối ngoại” là tổ chức chính thức của ĐCSTQ. Đặc vụ và gián điệp của các cơ quan tình báo của ĐCSTQ thường dùng danh nghĩa “hiệp hội hữu nghị đối ngoại” để thực hiện công việc thu thập thông tin tình báo về các nước trên thế giới.
Báo cáo của Quốc hội Mỹ cũng điểm tên CUSEF
Không chỉ IRSEM điểm tên CUSEF là tổ chức thực hiện công tác mặt trận thống nhất của ĐCSTQ ở nước ngoài, mà Quốc hội Mỹ cũng điểm tên của CUSEF.
Vào tháng 8/2018, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) đã công bố một báo cáo tiết lộ rằng ĐCSTQ đang tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng bí mật ở Mỹ, sử dụng các tổ chức ở nước ngoài để tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu tư vấn nổi tiếng của Washington, cố gắng gây ảnh hưởng đến hoạt động của họ và ủng hộ lập trường của Bắc Kinh.
Báo cáo của USCC trích dẫn một báo cáo từ Tạp chí Foreign Policy vào tháng 11/2017 và tiết lộ rằng ông Đổng Kiến Hoa đã thông qua CUSEF mà mình sáng lập để tài trợ cho nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins (SAIS) ở Washington.
Tạp chí Foreign Policy tiết lộ rằng tháng 8/2017, SAIS đã thông báo về việc thành lập một chức danh giáo sư mới trong Khoa Trung Quốc học và một dự án nghiên cứu mới “Sáng kiến Cộng đồng Thái Bình Dương” (Pacific Community Initiative). Mục đích của nó là nghiên cứu “vai trò rộng lớn hơn của ĐCSTQ ở châu Á và thế giới, và tầm quan trọng của nó đối với các quốc gia láng giềng, khu vực và đối tác”. Các chức vụ mới và các dự án mới do CUSEF tài trợ, và các giáo sư mới sẽ chịu trách nhiệm về các dự án mới được thiết lập.
Tạp chí Foreign Policy cho biết, trong những năm qua, CUSEF đã đưa một số lượng lớn các nhà báo, học giả, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ đến Trung Quốc. Việc hợp tác với SAIS không phải là lần đầu tiên CUSEF hợp tác với các tổ chức học thuật và tổ chức nghiên cứu tư vấn của Mỹ. CUSEF còn hợp tác với Viện Brookings (Brookings Institution), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies), Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ (Center for American Progress), Viện Đông Tây (East West Institute), Trung tâm Carter (Carter Center) và Quỹ Carnegie vì Hòa bình (Carnegie Endowment for Peace). Tất cả các cơ, quan tổ chức này đều có ảnh hưởng đến giới hoạch định chính sách của Mỹ.
Tạp chí Foreign Policy cũng tiết lộ rằng trao đổi và hợp tác không phải là mục đích duy nhất của Quỹ giao lưu Trung – Mỹ. Là một tổ chức nước ngoài đã đăng ký, vào năm 2016, quỹ này đã chi gần 668.000 đô la Mỹ cho công tác vận động hành lang, thuê công ty vận động hành lang của Mỹ Podesta Group và các công ty khác vận động hành lang cho “quan hệ Trung – Mỹ” tại Quốc hội Mỹ. Từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 11/2017, quỹ này đã chi 510.000 đô la Mỹ cho các công việc vận động hành lang.
Đồng thời, CUSEF cũng trả chi phí hàng tháng cho BLJ Worldwide LTD là 29.700 đô la Mỹ. Ngoài quảng bá công tác của quỹ, nó còn vận hành một trang web thân ĐCSTQ đó là “Tiêu điểm Trung – Mỹ” (China US Focus).
Ngày 29/12/2020, truyền thông Mỹ National Pulse đưa tin rằng CUSEF đã tổ chức cho giới truyền thông phương Tây tham gia vào “Chuyến tham quan Trung Quốc” và “Bữa tối riêng tư” do tổ chức này tài trợ trong nhiều năm. Mục đích để gây ảnh hưởng đến “truyền thông và người có ảnh hưởng, các nhà lãnh đạo dư luận và các kênh truyền thông công chúng”. Các kênh truyền thông liên quan bao gồm hầu hết các kênh truyền thông chủ lưu của phương Tây, ví dụ như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Reuters, CNN, Forbes, Financial Times, Bloomberg, v.v.
CUSEF cũng nhắm vào các khoản quyên góp cho các đại học Mỹ để tài trợ “nghiên cứu chính sách, các chương trình đối thoại và giao lưu cấp cao”, và ở đằng sau để điều khiển các hoạt động vận động hành lang Quốc hội Mỹ, giới tinh hoa xã hội, các quan chức tiểu bang và địa phương.
Theo Diệp Tử Minh, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa mối quan hệ Mỹ - Trung IRSEM CUSEF Mặt trận thống nhất Trung Quốc Dòng sự kiện