Ngày 20/3, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ – ông Tần Cương (Qin Gang) đã trả lời phỏng vấn trực tiếp mạng truyền hình CBS của Hoa Kỳ. Khi người dẫn chương trình hỏi tại sao Trung Quốc không lên án việc Nga xâm lược Ukraine, ông Tần đã trả lời trong sự bối rối: “Để chúng ta đừng ngây thơ nữa.”

Embed from Getty Images

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Qin Gang). (Ảnh: China Photos/Getty Image)

Sự thật mà ông Tần Cương vô tình nói ra tiết lộ rằng các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là không phù hợp với thế giới, cũng phản ánh thái độ thực sự của Đảng này đối với các nước phương Tây, và các chính phủ phương Tây thực sự không nên tiếp tục “ngây thơ” với họ.

Đại sứ Tần Cương tiết lộ sự thật trong sự bối rối

Các quan chức ĐCSTQ hiếm khi đối mặt với truyền thông một mình, đặc biệt là truyền thông nước ngoài. Ông Tần Cương từng là giám đốc kiêm người phát ngôn của Cục Thông tin Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, lẽ ra ông ấy phải có kinh nghiệm đối phó với giới truyền thông, nhưng lại tỏ ra bỡ ngỡ khi bước vào phòng thu của giới truyền thông Mỹ, và trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh không trôi chảy.

Tuy nhiên, lập trường của ĐCSTQ về cuộc chiến Nga-Ukraine đã bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ có lẽ đã trực tiếp chỉ thị cho ông ấy và ông Tần chỉ có thể cắn răng chịu trận.

Để ngăn ngừa sai sót, ông Tần Cương dự tính sẽ dịch những lời sáo rỗng của ĐCSTQ sang tiếng Anh và học thuộc chúng. Đương nhiên, người dẫn chương trình CBS sớm đã biết ĐCSTQ luôn nói gì, và cũng không có ý định cung cấp cho họ một kênh tuyên truyền, vì vậy đã liên tục ngắt lời bài học thuộc của ông Tần khiến ông ấy rối lên. Bài phát biểu của ông Tần bị ngắt quãng nhiều lần, cảm xúc của ông quả thực bị ảnh hưởng không ít. Dưới sự chất vấn liên tục của người dẫn chương trình, ít nhiều ông Tần cũng rơi vào thế bị động.

Ông Tần Cương không hứa rằng “sẽ không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga”, và nói hai nước vẫn tiếp tục “trao đổi bình thường”. Khi người dẫn chương trình nhận xét: “Nghe có vẻ như ông đang dung túng, chứ không phải lên án”, ông Tần Cương có lẽ rất không vui.

Khi người dẫn chương trình tiếp tục ngắt lời giải thích của ông Tần và hỏi ĐCSTQ “tại sao không lên án cuộc xâm lược”, ông buột miệng trả lời “để chúng ta đừng ngây thơ nữa”. Người dẫn chương trình đã nhanh chóng đáp lại rằng: “Có vẻ ngây thơ khi nói đó không phải là một cuộc xâm lược.”

Lời nói thật của ông Tần Cương lúc bối rối là không thể thay đổi. Trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ sau đó đã đăng những câu hỏi đáp được cắt gọt, nhưng vẫn giữ lại câu nói của ông Tần rằng “đừng ngây thơ.” Có lẽ ĐCSTQ cũng biết rằng câu này của ông Tần có thể ngay lập tức lan rộng ra toàn thế giới và không thể che đậy.

Rốt cuộc ông Tần Cương nói ai “ngây thơ”?

Ông Tần Cương buột miệng nói “đừng ngây thơ nữa”, không chỉ nói người dẫn chương trình “ngây thơ”, mà cho rằng việc lên án cuộc xâm lược cũng là “ngây thơ”. Nói cách khác, ĐCSTQ coi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều “ngây thơ” khi lên án cuộc xâm lược.

Tuyên bố này càng lộ rõ rằng ĐCSTQ không có khái niệm cơ bản về đúng sai, và họ đi ngược lại với các giá trị chung của thế giới, “luật quốc tế” chẳng qua chỉ là những lời ngụy biện của ĐCSTQ.

Người dẫn chương trình CBS đề cập: “4 ngày trước, Tòa án Công lý Quốc tế đã ra lệnh cho Nga ngừng các hoạt động quân sự”, “Kết quả cuộc bỏ phiếu là 13-2, quốc gia duy nhất ủng hộ Nga là Trung Quốc (ĐCSTQ)”; “Nghe có vẻ như ông đang dung túng chứ không phải lên án.”

Theo cách nói của ông Tần Cương, việc lên án không thể khiến Nga rút lui, và coi đây là cái cớ để không lên án cuộc xâm lược. Tất nhiên, cộng đồng quốc tế không chỉ lên án Nga, mà còn phối hợp đưa ra các biện pháp trừng phạt để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán, cho đến khi nước này rút quân và ngừng chiến.

Tất nhiên, ĐCSTQ hiểu rõ rằng chỉ cần buột miệng lên tiếng chỉ trích, bước tiếp theo họ sẽ phải đối mặt với một câu hỏi khó: Liệu có tham gia vào các lệnh trừng phạt quốc tế hay không, trong khi ĐCSTQ luôn tuyên bố phản đối các lệnh trừng phạt.

ĐCSTQ kỳ vọng Nga sẽ tiếp tục gây ra hỗn loạn cho Hoa Kỳ và phương Tây, giúp họ ngư ông đắc lợi. Điều mà ông Tần Cương cho là “ngây thơ” tương đương với việc nói với cộng đồng quốc tế rằng thật “ngây thơ” khi mong đợi ĐCSTQ tham gia vào việc lên án cuộc xâm lược của Nga và trừng phạt Nga.

Người dẫn chương trình hiểu được ý nghĩa đằng sau từ “ngây thơ” của ông Tần Cương và hỏi thẳng: “Tôi muốn tìm hiểu Trung Quốc (ĐCSTQ) đã có những sự hỗ trợ nào. Nếu không lên án, không ngăn ông Putin tiếp tục gây chiến tranh, thì cuộc chiến này sẽ khuấy động toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, khiến giá lương thực và giá năng lượng tăng cao. Trung Quốc muốn ổn định, nhưng tại sao lại không cắt đứt với ông Putin?”

Từ “ngây thơ” của ông Tần Cương tương đương với một sự mỉa mai: Sẽ thật “ngây thơ” nếu các nước phương Tây mong đợi ĐCSTQ đứng về phía công lý và cùng phương Tây trừng phạt và kiềm chế Nga.

ĐCSTQ muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng để đánh lừa phương Tây

Trong khi chế giễu sự “ngây thơ” của phương Tây, ông Tần Cương cũng cố gắng đào mồ cho các nước phương Tây. Ông nói: “Trung Quốc có mối quan hệ tốt với Nga, mối quan hệ tốt với Ukraine, Trung Quốc cũng có quan hệ mật thiết với Mỹ và châu Âu. Điều đó cho phép Trung Quốc có thể tiếp xúc với tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng. Vì vậy, vai trò duy nhất của Trung Quốc, bạn biết đấy, có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.”

ĐCSTQ chưa bao giờ hứa sẽ tham gia hòa giải ngoại giao, nhưng lại sử dụng nó như một con bài mặc cả. Đợi khi Hoa Kỳ và các nước Châu Âu yêu cầu ĐCSTQ giúp đỡ, họ sẽ nhân cơ hội này yêu cầu một số nhượng bộ. Tuy nhiên, hiện tại các nước phương Tây dường như chưa có kế hoạch như vậy.

Sau cuộc chiến Nga-Ukraine, những người đứng đầu các nước phương Tây đã liên lạc chặt chẽ với nhau, nhưng việc giao tiếp với các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ bị hạn chế.

Ngày 8/3, các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình. Tuyên bố của Pháp nói rằng: “Các nỗ lực đang diễn ra để đạt được một giải pháp ngoại giao, gồm cả vai trò của các biện pháp trừng phạt” đã được thảo luận. Cuối cùng 3 bên chỉ “đồng ý giữ liên lạc chặt chẽ về cuộc xung đột.”

Ngày 18/3, ông Biden đã có một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, trực tiếp cảnh báo ĐCSTQ về hậu quả của việc viện trợ cho Nga. Ban đầu ĐCSTQ dự kiến ​​rằng nếu Nga phát động chiến tranh, Hoa Kỳ và phương Tây sẽ bị tàn phá, phải nhượng bộ và thể hiện thiện chí với ĐCSTQ, đồng thời yêu cầu ĐCSTQ hợp tác.

Nhưng tình huống tương tự đã không xảy ra. Phương Tây đã nhất trí trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine theo cách chưa từng có. Thái độ của ĐCSTQ đã tự biến mình trở nên khác người, Hoa Kỳ còn trực tiếp đưa ra cảnh báo.

Người dẫn chương trình CBS cũng đặt câu hỏi: “Nếu chủ tịch nước của ông yêu cầu ông Putin lùi lại, liệu họ có lùi bước không? Chủ tịch nước của ông có yêu cầu ông Putin lùi lại không?”

Ông Tần Cương vội vàng đáp lại: “Chúng tôi đã làm như vậy.”

Trong phần hỏi đáp do Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ công bố, câu nói này của ông Tần Cương đã bị xóa. ĐCSTQ có lẽ không hề yêu cầu Nga lùi bước, Tần Cương đã muốn tự biện minh và lỡ lời.

Nếu ĐCSTQ thực sự yêu cầu ông Putin lùi bước, nhưng ông Putin không làm vậy, điều đó cho thấy ĐCSTQ có rất ít ảnh hưởng đối với Nga. Vì vậy, ĐCSTQ đã phải xóa câu này, và chỉ lặp lại câu nói sáo rỗng “thúc đẩy hòa bình và đàm phán, kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh.”

Không còn “cạnh tranh” trong “lan can bảo hộ”

Một năm trước, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, ông đã đề xuất chiến lược “cạnh tranh” với ĐCSTQ. Sau đó, để ngăn chặn xung đột, Chính phủ Hoa Kỳ đề xuất thêm khái niệm “lan can bảo hộ” để ĐCSTQ thiết lập ranh giới cho sự “cạnh tranh”.

Ông Biden cũng nói rõ rằng ông sẽ không tham gia vào “Chiến tranh Lạnh mới” và không tìm cách thay đổi thể chế của ĐCSTQ. Ông thực sự hy vọng sẽ làm suy yếu ĐCSTQ thông qua “cạnh tranh”, hoặc đợi ĐCSTQ tự tan rã.

Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn luôn không công khai thừa nhận “sự cạnh tranh” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như không thể “cạnh tranh” theo cách mà Chính phủ Hoa Kỳ đặt ra. Hoa Kỳ và phương Tây lo lắng về chiến tranh và sự hỗn loạn, nhưng ĐCSTQ lại muốn kích động chiến tranh và tạo ra sự hỗn loạn.

EU cũng đề xuất “tái cân bằng” mối quan hệ với ĐCSTQ, nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ “cạnh tranh” “hợp tác”. Ngày 4/2, sau khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga gặp nhau, họ cùng tuyên bố “phản đối NATO”; ĐCSTQ đã bí mật giúp Nga phát động chiến tranh, gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh châu Âu.

Ngày 6/3, ông Tập Cận Bình đã tham gia thảo luận với đại diện các địa phương trong lưỡng hội của ĐCSTQ, cho rằng “tình hình quốc tế tiếp tục có những chuyển biến sâu sắc và phức tạp”, “cuộc chơi của các cường quốc ngày càng trở nên gay gắt, thế giới đã bước sang một thời kỳ mới đầy biến động”, “Sự phát triển của nước ta còn nhiều điều kiện thuận lợi mang yếu tố chiến lược”,” Sự đối lập giữa ‘nền thống trị của Trung Quốc’ và ‘cuộc nổi dậy ở phương Tây’ ngày càng rõ ràng hơn.”

Ngày 18/3, từ “ngây thơ” của ông Tần Cương quả thực đáng để Hoa Kỳ và các nước phương Tây xem xét cẩn thận, sẽ không có “lan can bảo hộ” trong cuộc “cạnh tranh” với ĐCSTQ. ĐCSTQ sẽ phá vỡ các “lan can bảo hộ” khác nhau bằng mọi cách và tiếp tục tạo ra sự hỗn loạn.

Ngày 21/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Hoa Kỳ, cô Jen Psaki, đã phản ứng lại nhận xét “ngây thơ” của ông Tần Cương, nói rằng “sự lên án bằng lời nói của (Trung Quốc) đối với ông Putin và các hành động của quân đội Nga là quan trọng và rất quan trọng. Điều này liên quan đến việc họ đang đứng về phía nào của lịch sử tại thời điểm này.”

Cô cũng cho biết Trung Quốc đã giúp truyền bá “thuyết âm mưu” của Nga rằng “Mỹ đang vận hành một phòng thí nghiệm sinh học nguy hiểm ở Ukraine.”

Sự cảnh báo bằng lời nói của Chính phủ Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ thực sự không đủ cứng rắn. Khoảng 1 năm trở lại đây, Chính phủ Hoa Kỳ đã không công khai lên án việc ĐCSTQ che giấu dịch bệnh và cố tình làm lây lan virus viêm phổi Vũ Hán, thay vào đó, Hoa Kỳ còn liên tục bị ĐCSTQ đổ lỗi. Hiện ĐCSTQ đang truyền bá thuyết vũ khí sinh học và hóa học của Mỹ ở Ukraine, liệu điều này có khiến Nhà Trắng thức tỉnh hơn không?

“Cạnh tranh” kiểu “lan can bảo vệ” chỉ có thể được coi là phòng thủ. Chiến tranh Nga-Ukraine đã chứng minh rằng nếu ĐCSTQ vẫn còn tồn tại, họ sẽ tiếp tục tạo ra sự hỗn loạn. Bài học đủ sâu sắc để Hoa Kỳ và phương Tây không thể tiếp tục “ngây thơ” nữa là phải xây dựng một chiến lược chiến thắng hiệu quả trước ĐCSTQ, mới có thể xóa bỏ nguồn gốc tạo ra sự hỗn loạn lớn nhất trên thế giới.

Dương Uy
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Epoch Times.)