Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 30 tháng 8, sau ba ngày đàm phán mà bà gọi là “hiệu quả” với các quan chức của nước chủ nhà. 

“Như tôi nói, đó là ba ngày họp hiệu quả”, bà Raimondo nói trong cuộc gọi với các thành viên giới truyền thông chiều 30/8. “Và thành tựu lớn nhất bắt đầu liên lạc thường xuyên.

“Điều thực sự quan trọng đó là ghi nhớ bối cảnh ở đây. Đây là lần đầu tiên sau hơn 5 năm, một bộ trưởng thương mại Mỹ… tới Trung Quốc để thảo luận. Vì vậy, thành tựu đạt được là có được các cuộc thảo luận trực tiếp và nêu ra những thách thức lớn nhất trong thương mại và đầu tư cũng như mối quan hệ thương mại của chúng ta.

“Đó là một bước tiến lớn.”

Bà Raimondo là quan chức nội các Hoa Kỳ mới nhất đến thăm Trung Quốc, sau Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Joe Biden.

Quan hệ song phương đã trở nên xấu đi vì một loạt vấn đề, từ sự gây hấn của chế độ Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị cho đến việc xâm nhập thư điện tử của chính phủ Hoa Kỳ. Thư điện tử của bà Raimondo nằm trong số hàng chục nghìn tài khoản bị tội phạm mạng có liên quan đến Trung Quốc xâm nhập trái phép.

Bà Raimondo nói: “Tôi đã đề cập rằng các hòm thư điện tử của chính tôi đã bị xâm nhập trái phép” tại cuộc họp với các quan chức của Trung Quốc. “Tôi đề cập đến điều đó như một ví dụ về hành động làm xói mòn lòng tin vào thời điểm chúng ta đang cố gắng ổn định mối quan hệ và tăng cường các kênh liên lạc.”

Với căng thẳng đang âm ỉ trực sục sôi, chính quyền Biden đang tìm cách mở lại đường dây liên lạc cấp cao với Trung Quốc. Chế độ cộng sản ở Bắc Kinh đã hủy bỏ hoạt động tương tác với Washington về quân sự, khí hậu và một số lĩnh vực quan trọng khác vào tháng 8 năm 2022, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi.

Cho đến nay, chế độ Trung Quốc đã đồng ý chỉ nối lại các cuộc đàm phán về khí hậu. Đường dây nóng quân đội giữa 2 bên vẫn bị đóng băng, mặc dù ông Blinken “liên tục” nêu ra các vấn đề này trong chuyến công du Trung Quốc gần đây. 

‘Quá rủi ro’

Trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy Thượng Hải ông Trần Cát Ninh vào ngày 30 tháng 8, bà Raimondo nói rằng điều quan trọng là phải có “mối quan hệ kinh tế ổn định” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bà nói khi bắt đầu cuộc gặp: “Tôi đồng ý rằng một mối quan hệ ổn định có thể là sự cân bằng cho mối quan hệ tổng thể của chúng ta. Một mối quan hệ kinh tế ổn định là tốt cho Mỹ, tốt cho Trung Quốc và tốt cho thế giới.”

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cho biết bà mong đợi cuộc trò chuyện với ông Trần để “mang lại một môi trường kinh doanh dễ chịu hơn, môi trường pháp lý dễ dự đoán hơn và một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ ở Thượng Hải”.

Bình luận của bà Raimondo đến vào lúc chế độ Trung Quốc đang cần đầu tư nước ngoài; nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang suy thoái giữa lúc khủng hoảng tài sản và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục.

Một số cuộc đột kích và bắt giữ hồi đầu năm nay đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng. Vào ngày 29 tháng 8, bà Raimondo nói rằng các giám đốc điều hành Hoa Kỳ đã nói với bà rằng môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã trở nên “quá rủi ro”.

Những thách thức đặt ra cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các vấn đề như trợ cấp của nhà nước cho các đối thủ Trung Quốc và trộm cắp tài sản trí tuệ. Bà Raimondo cho biết, có một loạt vấn đề mới như “các khoản phạt cắt cổ mà không có bất kỳ lời giải thích nào” và các cuộc đột kích vào các công ty Hoa Kỳ.

Điều khiến tình hình thêm phức tạp là luật chống gián điệp được diễn đạt khá mơ hồ, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7. Luật này đã mở rộng phạm vi “hoạt động gián điệp” thành bao gồm “tài liệu, dữ liệu, tài liệu hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia” mà không chỉ rõ những gì thuộc phạm vi an ninh quốc gia. Bà Raimondo cho biết việc luật sửa đổi này là “không rõ ràng và gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng Hoa Kỳ”.

“Tôi ngày càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng Trung Quốc không thể đầu tư vì nó trở nên quá rủi ro”, bà nói với các phóng viên trên chuyến tàu cao tốc đến Thượng Hải vào đêm 29/8.

Bà nói rằng “không có lý do hợp lý” cho các hành động của Trung Quốc chống lại nhà sản xuất chip Micron Technology, sản phẩm của công ty này đã bị Bắc Kinh hạn chế hồi đầu năm nay và bà bác bỏ mọi so sánh hành động đó của Trung Quốc với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.

“Có rất ít thủ tục hợp pháp và đó là lý do tại sao tôi dấy lên vấn đề này”. 

Bà Raimondo “nêu ra những vấn đề chính mà các doanh nghiệp và người lao động Hoa Kỳ quan tâm, bao gồm sân chơi bình đẳng cho các công ty và người lao động Hoa Kỳ”, trợ cấp cho các công ty Trung Quốc và “biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ yếu kém” trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong vào ngày 29 tháng 8, theo một tuyên bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Bà cũng nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ trong việc “đảm bảo đối xử công bằng và minh bạch với các công ty Hoa Kỳ và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ” với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, một tuyên bố riêng từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết.

Tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải, bà Raimondo nói bà không mong đợi bất kỳ đột phá nào về các vấn đề ảnh hưởng đến các công ty Mỹ như Intel, Micron, Boeing, Visa và Mastercard trong cuộc gặp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc, nhưng bà thực sự hy vọng “thấy một số kết quả” trong vài tháng tới nhờ chuyến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải lần này của bà.

‘Thách thức phía trước’

Ngoài cuộc hội đàm với ông Lý và ông Hà, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Vương Văn Đào và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Hồ Hòa Bình trước đó.

Bà Raimondo cho biết vào ngày 30 tháng 8: “Trong những cuộc gặp này, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện thẳng thắn và mang tính xây dựng. Tôi đã có thể giải thích các chính sách cũng như cách tiếp cận của chúng tôi với Trung Quốc và tôi đã nghe từ những người đồng cấp Trung Quốc. ”

Trong chuyến công du Trung Quốc này, bà Raimondo đã nhiều lần nói rằng quan điểm của bà là Hoa Kỳ không tìm cách tách rời Trung Quốc cộng sản, nhưng đối với an ninh quốc gia, không có chỗ cho sự thỏa hiệp.

Tuy nhiên, các quan chức của chế độ này tỏ rõ rằng Bắc Kinh không hài lòng về Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

“Nhìn chung, như tôi vừa nói, chuyến đi này là một sự khởi đầu tuyệt vời, nhưng tôi nhận thức rất rõ ràng về những thách thức phía trước”, bà Raimondo nói. “Trong vài tháng tới, chúng ta phải làm việc để xem liệu chúng ta có thể cải thiện trong các vấn đề đã nêu hay không.”

Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm Trung Quốc, bà Raimondo cũng phát biểu tại một hội nghị dành cho các nữ giám đốc điều hành, gặp gỡ các sinh viên tại Đại học New York và có chuyến tham quan nhanh công viên giải trí Disney và cơ sở Boeing ở Thượng Hải.

‘Nguy hiểm’

Trong số các thỏa thuận đạt được trong chuyến đi của bà Raimondo là việc tạo ra hai kênh liên lạc — nhóm công tác về các “vấn đề thương mại” và đối thoại về “thông tin thực thi kiểm soát xuất khẩu” — mà bà cho rằng rất quan trọng để tăng cường tính minh bạch.

Nhưng ý tưởng đàm phán với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về những vấn đề trên đã vấp phải sự chỉ trích từ một số đảng viên Đảng Cộng hòa.

“Quyết định của chính quyền Biden hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc để thành lập một nhóm công tác về kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề thương mại với các quan chức ĐCSTQ là rất ngây thơ nhưng cũng rất nguy hiểm”, Dân biểu Michael McCaul (Đảng Cộng hòa, Texas), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Ông McCaul chỉ ra chiến dịch mở rộng của ĐCSTQ nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, khiến nước Mỹ thiệt hại lên tới 600 tỷ USD mỗi năm, theo ước tính của Ủy ban chống Trộm cắp Tài sản Trí tuệ Hoa Kỳ.

Ông McCaul nói: “Chính quyền [Biden] phải ngừng coi ĐCSTQ như bất cứ thứ gì khác ngoài là một kẻ thù sẽ không ngừng làm tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta và truyền bá chủ nghĩa độc tài ác độc của nó khắp toàn cầu”.