Bộ trưởng Raimondo: Các công ty Mỹ nói Trung Quốc đã là nơi ‘không thể đầu tư’
- Anh Nguyễn
- •
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo hôm thứ Ba (29/8) cho biết các công ty Mỹ đã phàn nàn với bà rằng Trung Quốc đã trở nên “không thể đầu tư” do mức độ rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh ở đó tăng vọt với nhiều yếu tố tác động chẳng hạn như những thay đổi về luật phản gián và hành vi bố ráp các công ty nước ngoài.
Bộ trưởng Raimondo đưa ra nhận xét nêu trên khi đang trên chuyến tàu đi từ Bắc Kinh đến Thượng Hải vào ngày 29 tháng 8 trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Bà nói: “Tôi ngày càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng không thể đầu tư vào Trung Quốc vì nơi đây trở nên quá rủi ro”.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ đang ở Trung Quốc để tăng cường quan hệ kinh tế song phương trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng căng thẳng chính trị giữa hai nước có thể xấu đi hơn nữa và dẫn đến xung đột công khai.
‘Đột kích các doanh nghiệp’
Bà Raimondo cho biết, các công ty Hoa Kỳ kinh doanh tại Trung Quốc phải đối mặt với một loạt thách thức mới, bao gồm “các khoản phạt cắt cổ mà không có bất kỳ lời giải thích nào” và “các sửa đổi đối với luật phản gián không rõ ràng gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng Hoa Kỳ”.
Bộ trưởng Thương mại Raimondo nói thêm rằng “các cuộc bố ráp vào các doanh nghiệp” là một trong những vấn đề mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở Trung Quốc, đất nước đang có những vấn đề đại diện chung cho “một cấp độ thách thức hoàn toàn mới” cần được giải quyết.
Một ví dụ về các cuộc trấn áp tùy tiện mà các công ty Mỹ phải đối mặt ở Trung Quốc là lệnh cấm gần đây của Bắc Kinh đối với công ty sản xuất chip Mỹ Micron Technology, bán chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp nội địa quan trọng của Trung Quốc.
Bà Raimondo trích dẫn lệnh cấm Micron trong phát biểu của mình với các phóng viên, nói rằng không có lời giải thích nào cho điều đó hay các hạn chế được đưa ra trong bối cảnh “giới hạn thủ tục hợp pháp”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về nhận xét của Bộ trưởng Thương mại.
Những phát biểu của bà Raimondo làm rõ rằng thương mại là lĩnh vực xung đột chính giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong đó gồm cả hai bên áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ăn miếng trả miếng.
Mối quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington đã xấu đi trong năm nay vì một loạt vấn đề, bao gồm việc Trung Quốc triển khai quân sự hung hãn xung quanh Đài Loan và các cáo buộc hoạt động gián điệp.
Vào tháng Tư, Washington đã công bố những hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Trung Quốc để giữ chất bán dẫn và công nghệ khác tránh xa quân đội Bắc Kinh. Trung Quốc sau đó tuyên bố kiểm soát xuất khẩu hai kim loại chiến lược, một động thái được hiểu là trả đũa.
Trong một nỗ lực rõ ràng nhằm hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt, bà Raimondo nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý thành lập một nhóm làm việc về các vấn đề thương mại và đầu tư, bao gồm cả kiểm soát xuất khẩu.
Quyết định thành lập nhóm công tác đã vấp phải phản ứng chỉ trích từ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Dân biểu Michael McCaul (Đảng Cộng hòa, Texas), ông gọi nó là “nguy hiểm”.
Ông McCaul nói trong một tuyên bố: “Quyết định của chính quyền Biden hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc để thành lập một nhóm công tác về kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề thương mại với các quan chức ĐCSTQ không chỉ là quá ngây thơ mà còn rất nguy hiểm”.
“ĐCSTQ đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ và xâm nhập trái phép thư điện tử của các quan chức chính phủ cấp cao — bao gồm cả Bộ trưởng Raimondo. Chính quyền [Mỹ] phải ngừng đối xử với ĐCSTQ như bất cứ thứ gì khác ngoài coi họ là kẻ thù vốn sẽ không ngừng làm tổn hại đến an ninh quốc gia của chúng ta và truyền bá chủ nghĩa độc tài gây hại của nó trên toàn cầu.”
Ông Michael Hart, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, đã được hỏi về nhận xét của ông McCaul trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC.
Đánh giá thấp nhận xét của ông McCaul như một “tranh cãi chính trị”, ông Hart nói rằng từ quan điểm của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, “không có gì quan trọng hơn việc tiếp tục thương mại”, đồng thời cho biết rằng một số doanh nghiệp Hoa Kỳ xem Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với họ.
Bình luận về chuyến thăm của bà Raimondo, ông Hart cho biết bà có cả “củ cà rốt và cây gậy” vì bà phụ trách cả kiểm soát thương mại và xuất khẩu, “vì vậy người Trung Quốc thực sự muốn nói chuyện với bà”.
‘Tách rời Trung Quốc’
Bà Raimondo là quan chức cấp cao thứ tư của Mỹ tới Trung Quốc trong vòng 10 tuần qua.
Hôm thứ Ba (29/8), bà đã gặp một số quan chức cấp cao của Trung Quốc trước khi nói chuyện với Thủ tướng Lý Cường và đưa ra thông điệp về việc chính quyền Biden không muốn cắt đứt quan hệ thương mại.
“Cho đến nay, tôi đã có một chuyến thăm rất hiệu quả”, bà Raimondo nói với ông Lý trước các phiên họp kín. “Tổng thống Biden yêu cầu tôi đến đây để truyền tải một thông điệp rằng chúng tôi không tìm cách tách rời; chúng tôi tìm cách duy trì mối quan hệ thương mại trị giá 700 tỷ USD của chúng tôi với Trung Quốc.”
Ông Lý nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế và thương mại rất quan trọng cho sự ổn định của mối quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, ông hy vọng Washington “có thể làm việc cùng hướng với Trung Quốc” và phát triển mối quan hệ song phương với “những hành động chân thành và cụ thể hơn”.
Vào sáng sớm thứ Ba (29/8), bà Raimondo cũng đã ngồi lại với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người giám sát nền kinh tế đất nước.
Bà Raimondo nói khi bắt đầu cuộc họp với ông Hà: “Mặc dù chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của mình, nhưng tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tìm cách tách rời hoặc kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc”.
Ông Hà nêu lên những lo ngại về thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ, theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Bắc Kinh và Washington dự kiến sẽ có buổi “trao đổi thông tin” đầu tiên về kiểm soát xuất khẩu vào thứ Ba.
Tổng thống Joe Biden hồi đầu tháng này đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn.
Động thái này diễn ra sau các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn sâu rộng đối với Trung Quốc do Tổng thống Biden công bố vào tháng Mười năm ngoái.
Chính quyền Trung Quốc đã đang thắt chặt kiểm soát xuất khẩu của chính mình. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 8, gali và germani – hai kim loại quý hiếm quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn – sẽ bị hạn chế xuất khẩu, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo vào tháng Bảy với lý do cần phải bảo vệ an ninh quốc gia.
Từ khóa Dòng sự kiện Gina Raimondo Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng Mỹ-Trung