Hôm Thứ Năm (24/8) Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út, và Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất đã được quyết định trở thành thành viên mới của khối kinh tế BRICS kể từ 1/1/2024. “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của các quốc gia khác trong việc xây dựng quan hệ đối tác với BRICS”, theo bình luận của Tổng thống Cyril Ramaphosa nước chủ nhà Nam Phi của cuộc họp thượng đỉnh BRICS. Khối BRICS tự đặt vị trí là cạnh tranh với khối kinh tế đang làm chủ thị trường thế giới do Mỹ cầm đầu, kỳ vọng phi đô la hóa. Trong khi đó truyền thông của Mỹ và các đồng minh miêu tả BRICS là liên minh rời rạc, và các thành viên với chỉ số GDP thấp.

RT của Nga dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin —người sẽ đứng đầu BRICS theo thứ tự luân phiên vào năm tới— khi ông đánh giá cao bước phát triển này của BRICS và cảm ơn tổng thống nước chủ nhà.

“Tổng thống Ramaphosa đã thể hiện kỹ năng ngoại giao đáng kinh ngạc trong việc dung hòa mọi quan điểm… liên quan đến việc mở rộng BRICS,” ông Putin bình luận.

BRICS khởi đầu với 4 quốc gia vào năm 2009. B:Brazil, R:Nga, I:Ấn Độ, và C:Trung Quốc. Năm 2010 là lần mở rộng duy nhất kể từ đó tới trước lần này, với sự gia nhập của S:Nam Phi. Năm đó không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào được đặt ra cho một thành viên mới.

Một trong những mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh năm nay là thống nhất các tiêu chí chính thức hơn cho các ứng cử viên mới.

Khối tự quảng cáo mình là một giải pháp thay thế cho các thể chế quốc tế do phương Tây thống trị, lý giải rằng cách tiếp cận của khối là tốt hơn trong thế giới đa cực đang hình thành lên.

655014659992d3b717aee8aa14b2d3ea8281edcb
BRICS đại biểu 25% kinh tế và 40% dân số toàn cầu, trong khi G7 đại biểu cho 44% kinh tế và 10% dân số toàn cầu. Mỹ chiếm 25% kinh tế dù chỉ là 5% dân số toàn cầu. (Số liệu: Ngân hàng Thế giới, nguồn ảnh: AFP)

Các quốc gia thành viên của khối thường đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh đã lạm dụng vị thế của họ trong thời điểm thế giới đơn cực, điều mà họ được hưởng sau sự sụp đổ của Liên Xô, quốc gia hy sinh lớn nhất để đạt thắng lợi của Đại Thế chiến II. Mỹ và phương Tây đã lạm dụng vị thế đồng đô la, các biện pháp trừng phạt kinh tế, thậm chí khơi mào và tài trợ các xung đột, để bảo vệ vị trí bá quyền của mình.

Những người tham gia hội nghị thượng đỉnh bày tỏ sự tin tưởng rằng ảnh hưởng của khối sẽ tiếp tục phát triển. BRICS tìm cách duy trì cách tiếp cận cân bằng đối với chính sách tiếp nhận của mình để tất cả các nơi trên thế giới đều có đại diện và có ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của mình.

Reuters bình luận rằng các tranh biện chung quanh việc mở rộng BRICS đã là trung tâm của chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh diễn ra 3 ngày ở Nam Phi, kết thúc vào Thứ Năm (24/8). Theo Reuters, các lãnh đạo của khối đều nhất trí hoạt động mở rộng này, tuy nhiên có những khác biệt về quan điểm rằng nên mở rộng bao nhiêu và với tốc độ nhanh ngần nào.

Politico bình luận rằng quyết định mở rộng khối không những khiến khối trở nên lạc hậu hơn về kinh tế vốn đã khá lạc hậu (vì kết nạp các quốc gia có nền kinh tế yếu kém hơn), mà còn làm sâu sắc hơn chia rẽ của quan hệ vốn đã lỏng lẻo của khối, mặc dù sau khi mở rộng, khối sẽ chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu.

Tờ báo miêu tả Trung Quốc của khối đang nổi lên trở thành siêu cường về kinh tế, nhưng có nhiều vấn đề về nhân quyền. Ấn Độ là thành viên không thực sự gắn kết, với các quan hệ kinh tế đa phương. Brazil được miêu tả là quốc gia chỉ mạnh về nông sản. Thành viên mới như Ả-rập Xê-út và đặc biệt là Iran là các quốc gia có lịch sử quan hệ rắc rối, và dường như không đem lại giá trị tăng cường nào cho khối, ngoài việc mở rộng sự hiện diện của khối ở châu Phi. Nga hiện đang vất vả vì chiến tranh Ukraine và chịu các trừng phạt của phương Tây. Thậm chí tổng thống Nga đã không tới dự hội nghị vì e ngại trát bắt người của Tòa án Quốc tế La Haye (ICC).

Trước hội nghị thượng đỉnh, như Politico báo cáo, có trên 40 quốc gia ngỏ ý muốn gia nhập BRICS, trong đó 22 quốc gia đã có công văn chính thức yêu cầu được gia nhập.

Nhật Tân