Trung Quốc và Mỹ đang “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến công nghệ, tuy dường như Trung Quốc ở thế yếu nhưng có những dấu hiệu cho thấy đã vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt cốt lõi cạnh tranh là lĩnh vực bán dẫn và công nghệ chip RISC-V đã trở thành chiến trường mới.

chip Trung Quoc 1
Lĩnh vực bán dẫn là cốt lõi của cạnh tranh, theo đó công nghệ chip RISC-V đã trở thành một chiến trường mới. (Nguồn: FOTOGRIN/ Shutterstock)

Công nghệ chip RISC-V trở thành chiến trường mới

Một bài báo công bố ngày 6/10 từ Reuters đã chỉ ra rằng trên một mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đang phải đối mặt với áp lực từ một số nhà lập pháp nhằm hạn chế các công ty Mỹ cung cấp công nghệ chip miễn phí đang được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc – một động thái có thể gây đảo lộn hợp tác xuyên biên giới trong ngành công nghệ toàn cầu.

Trọng điểm tranh luận là RISC-V – được phát âm như là “rủi ro thứ năm” (risk five) – là một công nghệ nguồn mở cạnh tranh với công nghệ độc quyền đắt tiền từ công ty thiết kế phần mềm và bán dẫn Arm của Anh. RISC-V có thể được sử dụng như một phần quan trọng của mọi thứ, từ chip điện thoại thông minh đến bộ xử lý tiên tiến cho trí tuệ nhân tạo (AI).

Một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden có hành động đối với vấn đề chip RISC-V vì an ninh quốc gia.

Các nhà lập pháp lo ngại Trung Quốc đang khai thác văn hóa hợp tác cởi mở giữa các công ty Mỹ để phát triển khả năng tự chủ trong ngành công nghiệp bán dẫn, điều đó có thể làm suy yếu vị thế dẫn đầu của Mỹ hiện tại về chip, và giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội.

Trong một tuyên bố với Reuters, Dân biểu Mike Gallagher – Chủ tịch Ủy ban Chuyên trách về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ – cho biết rằng Bộ Thương mại Mỹ cần “yêu cầu bất kỳ cá nhân hoặc công ty Mỹ nào qua lại với các thực thể Trung Quốc có liên quan đến công nghệ RISC-V” phải xin giấy phép về vấn đề này.

Lời kêu gọi liên quan kiểm soát RISC-V này là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ về công nghệ chip, trước đó chính quyền Tổng thống Biden cho Trung Quốc biết trong tháng này Mỹ sẽ cập nhật các hạn chế xuất khẩu có tính toàn diện hơn.

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết trong một tuyên bố, hy vọng rằng Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ sẽ có hành động, nếu không họ sẽ phải tìm kiếm qua con đường lập pháp: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tận dụng RISC-V để phá vỡ thế thống trị của Mỹ trong việc thiết kế chip. Người Mỹ không nên ủng hộ chiến lược chuyển giao công nghệ của Trung Quốc vì làm suy yếu luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ “liên tục xem xét bối cảnh công nghệ và các mối đe dọa, đồng thời liên tục đánh giá cách áp dụng tốt nhất các chính sách kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia và các công nghệ cốt lõi”.

Ông Rubio nói với Reuters: “ĐCSTQ đang tận dụng khuôn khổ chip nguồn mở để lách kiểm soát của chúng tôi, qua đó phát triển ngành công nghiệp chip của họ”; “Nếu chúng tôi không mở rộng kiểm soát xuất khẩu để đối phó, có một ngày Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và trở thành dẫn đầu thế giới về thiết kế chip”.

Còn Thượng nghị sĩ Dân chủ Warner nói: “Tôi lo ngại rằng luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ không ứng phó được thách thức vấn đề phần mềm nguồn mở, cho dù đó là thiết kế bán dẫn tiên tiến như RISC-V hay AI, vì vậy chúng tôi cần thực hiện những bước thay đổi lớn”.

RISC-V được giám sát bởi một quỹ phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ, quỹ này phục vụ mục tiêu phát triển công nghệ nhằm cân bằng giữa các công ty vì lợi nhuận.

Công nghệ RISC-V ra đời từ một phòng thí nghiệm tại chi nhánh Berkeley Đại học California, sau đó được tài trợ từ Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc. Công nghệ này được cung cấp miễn phí và có những người đóng góp đến từ khắp nơi trên thế giới để giúp công nghệ được cập nhật nhanh hơn.

Huawei coi RISC-V là trụ cột

Công ty Huawei của Trung Quốc đã coi RISC-V là trụ cột đối với chiến lược phát triển khả năng tự chủ về chip. Mỹ và các đồng minh cũng đã tăng cường đầu tư vào công nghệ này, theo đó ‘gã khổng lồ’ chip Qualcomm đang đẩy mạnh hợp tác với một nhóm các công ty ô tô châu Âu để phát triển chip RISC-V, trong khi công ty mẹ Alphabet của Google cũng cho biết họ sẽ xây dựng Android – hệ điều hành phổ biến nhất thế giới dành cho thiết bị di động – hoạt động trên chip RISC-V.

Nếu chính quyền Tổng thống Biden kiểm soát giới doanh nghiệp Mỹ liên quan vấn đề công nghệ theo cách mà các nhà lập pháp tìm kiếm, thì động thái này có thể làm phức tạp thêm sự hợp tác giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc về các tiêu chuẩn công nghệ nguồn mở. Động thái này cũng có thể là trở ngại mới cho việc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tự chủ chip, tuy nhiên cũng là trở ngại để Mỹ và châu Âu sản xuất chip rẻ hơn, linh hoạt hơn.

Mỹ cần thêm “công cụ” để đối phó với Huawei

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gọi tin tức về đột phá chip của Huawei Trung Quốc là “cực kỳ đáng lo ngại”, qua đó nhấn mạnh rằng bộ của bà cần thêm công cụ để thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Theo Bloomberg, ngày 4/10 bà Raimondo đã chỉ ra tại phiên điều trần về “Đạo luật Khoa học và Chip” do Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Vận tải – Thượng viện Mỹ giám sát, “Chúng tôi cần thêm các công cụ chấp pháp”. Đây là phiên điều trần thứ hai của bà Raimondo trước Quốc hội kể từ chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 8.

Trong tuyên bố, bà Raimondo đề cập đến một đề xuất lập pháp đang bị đình trệ, đề xuất này nhằm mở rộng quyền hạn của Bộ Thương mại đối với các giao dịch công nghệ được coi là gây ra rủi ro an ninh quốc gia, cũng đề cập đến khuôn khổ thay thế trong vấn đề giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng công nghệ đã được chủ tịch ủy ban này là Thượng nghị sĩ Maria Cantwell đưa ra.

Bà Raimondo nói rằng Bộ Thương mại Mỹ vào đầu năm nay đã áp dụng mức phạt lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với một công ty Mỹ bán hàng cho Huawei mà không có giấy phép. Bà nói với Ủy ban: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp cứng rắn cần thiết, nhưng chúng tôi cần nhiều nguồn lực hơn”.

Dòng điện thoại thông minh 5G Mate60 Pro của Huawei bắt đầu được bán vào tháng trước đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trong giới chức Mỹ, do chip của điện thoại này là phiên bản công nghệ nội địa tiên tiến nhất của Trung Quốc cho đến nay – công nghệ 7 nanomet (nm).

Sau khi tháo dỡ điện thoại, một tổ chức nghiên cứu phát hiện Mate60 Pro được trang bị chip HiSilicon Kiri 9000s độc quyền của hãng, được sản xuất bởi SMIC – nhà sản xuất chip OEM hàng đầu Trung Quốc.

Theo TechInsights, có trụ sở tại Ottawa – Canada, Trung Quốc đang đạt được một số tiến bộ trong việc phát triển chip cao cấp, mặc dù những năm gần đây Chính phủ Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc tiếp cận các công cụ sản xuất chip tiên tiến.