Chính giới Mỹ dấy lên bàn luận về “kẻ nguy hiểm nhất thế giới”: Vương Hỗ Ninh
- Miêu Vi
- •
Gần đây, một người nổi tiếng trong giới truyền thông Mỹ là Hugh Hewitt đã viết một bài báo về Ủy viên Thường vụ Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bài viết được đông đảo chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ quan tâm, chỉ ra người đứng sau “Tư tưởng Tập Cận Bình” này là “kẻ nguy hiểm nhất thế giới”.
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình (trái) và một trong số Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là Vương Hỗ Ninh (Ảnh: Feng Li / Getty Images).
Kẻ bị chứng mất ngủ thích ẩn mình trong bóng tối
Ngày 16/12, chuyên gia truyền thông Hewitt đăng một bài trên Washington Post chỉ ra rằng gần đây, một tác giả với bút danh “N.S. Lyons” đã đăng một bài báo về ông Vương Hỗ Ninh trên Tạp chí Palladium của Mỹ. Bài báo hiện đã được các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ quan tâm thảo luận cùng nhau, bao gồm cả dân biểu Mike Gallagher. Cũng tương tự chính giới nước ngoài thảo luận về Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, các chuyên gia này biết rằng các trợ lý chính của các nhà lãnh đạo cũng quan trọng như các nhà lãnh đạo và thường những trợ lý này sẽ lập lộ trình hàng tháng hoặc hàng năm trước khi những biến cố có thể xảy ra.
Hewitt nói rằng mặc dù ít được thế giới bên ngoài chú ý, nhưng thực sự ông Vương Hỗ Ninh là đạo diễn chính hoạch định các chính sách tương lai của Trung Quốc và có ảnh hưởng đặc biệt đối với nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình. Mọi khái niệm chính trị mang tính cột mốc của ông Tập Cận Bình đều được ông Vương đưa ra, bao gồm “Trung Hoa mộng“, phong trào chống tham nhũng, sáng kiến “Vành đai và Con đường“, ngoại giao sói chiến, và thậm chí “Tư tưởng Tập Cận Bình“. Ông nhận định, điều đó nghĩa là ông Vương Hỗ Ninh phụ trách hoạch định các chính sách tương lai của Trung Quốc và thậm chí hành động để cưỡng chế thực thi.
Bài viết đề cập rằng nếu quan sát kỹ, mọi người có thể nhận thấy mọi bức ảnh về những cuộc họp quan trọng của ông Tập Cận Bình đều có ông Vương Hỗ Ninh. Vương Hỗ Ninh cũng là người đứng sau các chính sách của những người tiền nhiệm: “Ba đại diện” thời Giang Trạch Dân và “xã hội hài hòa” thời Hồ Cẩm Đào.
Bài viết của Leons đã giới thiệu rằng ông Vương Hỗ Ninh thích ẩn mình trong bóng tối, không thích xuất hiện trước công chúng. Ông ta bị chứng mất ngủ và là người cuồng công việc, bạn bè và đồng nghiệp cũ của Vương kể rằng ông ta là người sống hướng nội và rất thận trọng.
Ông Vương Hỗ Ninh sinh ra ở Thượng Hải, giảng dạy tại Đại học Phúc Đán sau khi tốt nghiệp. Năm 1995, Vương được ông Giang Trạch Dân đề bạt đến Bắc Kinh dưới tiến cử mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo “băng đảng Thượng Hải” là Ngô Bang Quốc và Tăng Khánh Hồng. Kể từ đó, gần như ông Vương Hỗ Ninh cắt đứt mọi liên lạc trước đây, ngừng xuất bản và phát biểu trước công chúng, đồng thời thực hiện nghiêm tiêu chí không trò chuyện với người nước ngoài. “Dưới tấm màn đen được bày trí cẩn trọng này khiến rất ít người phương Tây biết về Vương Hỗ Ninh”.
Tác giả Leons mô tả Vương là “trí thức quan trường” có ảnh hưởng nhất của ĐCSTQ cho đến nay còn sống. “Trong cuộc đấu tranh phe phái tàn khốc của chính trường Trung Quốc, việc Vương Hỗ Ninh có thể giữ chức vụ cấp cao trong cả ba thế hệ lãnh đạo là một hiện tượng chưa từng thấy”.
Bài viết cho biết: “Vương Hỗ Ninh được ‘bang Thượng Hải’ của ông Giang Trạch Dân kết nạp vào Đảng, vào năm 2012 khi ông Tập Cận Bình nhậm chức đã thanh trừng phe thù địch này: Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân cùng hai Phó Chủ tịch Quân ủy là Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và Từ Tài Hậu (Xu Caihou) đều bị kết án; nhưng phe Đoàn Thanh niên Cộng sản của ông Hồ Cẩm Đào cũng bị gạt ra ngoài lề khi ngay cả thân tín quan trọng của Hồ là Lệnh Kế Hoạch cũng bị bỏ tù. Nhưng riêng Vương Hỗ Ninh vẫn bình an và còn leo lên vị trí cao hơn”.
Sau sự cố ngày 4/6/1989 (Thảm sát Thiên An Môn), ông Vương Hỗ Ninh đã dần trở thành một nhân vật chính trong việc chống lại chủ nghĩa tự do toàn cầu với các tư tưởng chính: ĐCSTQ cai trị Trung Quốc phải tập trung quyền lực mạnh mẽ vào trung ương; thúc đẩy tinh thần tự tin mạnh mẽ về văn hóa; Trung Quốc phải xây dựng hệ giá trị cốt lõi mới tích hợp chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội vào giá trị Nho giáo và tư tưởng Pháp Gia truyền thống của Trung Quốc, tích hợp tư tưởng về chủ quyền và quyền lực của phương Tây với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc để chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do phương Tây.
“Nước Mỹ suy bại” của Vương Hỗ Ninh và “Đông lên Tây xuống” của Tập Cận Bình
Theo các nguồn tin, ông Vương Hỗ Ninh biết tiếng Pháp, có óc quan sát nhạy bén và khả năng đọc sách đáng kinh ngạc, đồng thời nghiên cứu sâu về triết học phương Tây. Khi ông còn là giáo sư tại Khoa Chính trị Quốc tế cũng từng đến Mỹ với tư cách là một học giả thỉnh giảng. Năm 1991, ông từng xuất bản một cuốn sách bàn về quan điểm đối với nền dân chủ Mỹ có tên “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ”. Ông Vương tin rằng nước Mỹ đang suy dần kể từ 30 năm trước, lý do vì “chủ nghĩa tự do“, “chủ nghĩa hư vô” và “chủ nghĩa cá nhân“.
Tác giả Leons chỉ ra, nhưng vấn đề ông Vương Hỗ Ninh không thể ngờ được là mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ “tự do hóa” dựa trên các nền tảng như bầu cử dân chủ, tự do báo chí và tôn trọng nhân quyền, nhưng người Trung Quốc đã triệt để theo đuổi quyền tự chủ cơ bản của “người tiêu dùng” hiện đại “tự do hóa”. Ông tuyên bố rằng Trung Quốc hiện đã bị “nuốt chửng bởi chủ nghĩa cá nhân hư vô và thị trường hàng hóa”, điều này đã trở thành “cơn ác mộng của Vương Hỗ Ninh“.
Lyons cho rằng cũng như hầu hết “kỹ sư tâm hồn” khác trong lịch sử đã thất bại, diễn biến thời đại nêu trên đã cho thấy hành động của tư tưởng Vương Hỗ Ninh (tư duy về văn hóa trong 30 năm qua và xuất phát điểm cho việc hoạch định chính sách) xác suất thành công gần như bằng 0 trong đặt cược vào việc thiết kế và tạo ra giá trị xã hội mới cho Trung Quốc.
Trong một chương trình YouTube của nhà bình luận Đường Thanh (Tang Qing) từng giới thiệu bài báo của Lyons về ông Vương Hỗ Ninh. Đường Thanh cho rằng từ lâu, ông Vương đã nghĩ rằng nước Mỹ đang suy thoái – và có thể đó là nguồn cảm hứng cho câu nói “Đông lên Tây xuống” của Tập Cận Bình. Ông cho hay: “Ông Tập Cận Bình đã tung ra hàng loạt đòn tấn công gây chấn động: đánh người giàu, xử minh tinh, chỉnh đốn doanh nghiệp khoa học công nghệ, chấn chỉnh kinh tế tư nhân và ngành giải trí. Nhưng tất cả không phải sáng tạo của Tập mà bắt nguồn từ nhân vật ở hậu trường: Quốc sư điên rồ Vương Hỗ Ninh”.
Đường Thanh tin rằng ngay cả khi ông Vương thuyết phục ông Tập phát động một loạt chiến dịch như “thịnh vượng chung”, đàn áp các doanh nghiệp công nghệ cao và mạng xã hội của Trung Quốc, bóp nghẹt ngành giáo dục và đào tạo, đàn áp những người nổi tiếng trong ngành giải trí, tất cả những điều này chỉ để duy trì sự tồn tại của ĐCSTQ, nhưng để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc hiện tại là “nhiệm vụ bất khả thi“, bởi vì “Chủ nghĩa Mác không tương thích với các giá trị truyền thống của Trung Quốc”.
Nhà bình luận này còn cho biết: ngay từ khi hình thành ĐCSTQ đã có vấn đề lỗi về tính chính danh quyền lực, do đó những nguy cơ nối nhau hình thành. ĐCSTQ sợ nhất là mất Đảng nên làm mọi cách để bảo vệ cho Đảng tồn tại. Dù có hiệu quả tạm thời, nhưng “vay nặng lãi” để trả nợ trước mắt sẽ thì khiến tình hình nhanh chóng tồi tệ hơn.
Miêu Vi, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Vương Hỗ Ninh Dòng sự kiện