Mối quan hệ của Ukraine với các đối tác quốc tế đã đang trở nên ngày càng phức tạp và khi chiến tranh với Nga kéo dài, thì mâu thuẫn và khác biệt về quan điểm giữa Kyiv và các đồng minh tăng lên có lẽ là điều không tránh khỏi. Mỹ và Anh đã bắt đầu thất vọng về Tổng thống Ukraine Zelensky, theo CNBC.

Ukraine phụ thuộc vào các đối tác cung cấp khí tài quân sự trị giá hàng tỷ USD, cũng như các hình thức viện trợ nhân đạo và tài chính khác. Kyiv cần nguồn cung vũ khí tiếp tục và ngày càng tăng lên để chiến đấu với Nga. Nhưng khi cuộc chiến tranh kéo dài, mẫu thuẫn giữa Kyiv và các quốc gia bảo trợ, đặc biệt là Mỹ và Anh, cũng đã bắt đầu xuất hiện và dần tăng lên.

Kyiv đã nhiều lần công khai gửi lời cảm ơn các đối tác vì đã giúp họ chiến đấu với Nga, nhưng đằng sau hậu trường, những sự thất vọng cũng đã tăng cao và nhu cầu và đòi hỏi liên tục của Ukraine cũng đã khiến các nhà bảo trợ không thoải mái.

Căng thẳng đỉnh điểm nhất nổi lên gần đây là về chiến lược quân sự của Ukraine và yêu sách gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nổi giận với một số đồng minh trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva hồi đầu tháng Bảy này, thời điểm đó ông đã gọi việc thiếu lịch trình cho Ukraine gia nhập liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo, và “các điều kiện” Kyiv cần phải đáp ứng trước khi được mời tham gia là “vô lý”.

Đối với một số quan chức tại Washington và London, ông Zelensky dám nói với các nước hậu thuẫn họ bền bỉ rằng Ukraine đáng được “tôn trọng”, vào lúc NATO họp để thảo luận về hỗ trợ bổ sung cho Kyiv, là một bước đi quá xa.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Ben Wallace đã mếch lòng vì những phát hiểu của ông Zelensky. Ông Wallace nói rằng Kyiv nên biết lo về sự mệt mỏi chiến tranh và những hoài nghi của các quốc gia đồng minh về cách Ukraine chi tiêu số lượng lớn tiền tài trợ. Ông nói Anh không phải là kho hàng Amazone mà có thể cung cấp vũ khí vô tận cho Kyiv theo “danh sách mua sắm” họ gửi đến.

Và tất nhiên, phát ngôn của ông Zelensky cũng không được hưởng ứng tại Washington. Tờ Washington Post dẫn các nguồn tin riêng lưu ý rằng các quan chức Mỹ đã giận sôi lên đến mức mà họ đã cân nhắc không quan tâm đến những gì Kyiv sẽ đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva.

Những bình luận của ông Zelensky trước hội nghị [NATO] vừa qua đã không thực sự tạo được tiếng tốt ở Washington… Chính quyền Mỹ đã rất khó chịu”, CNBC dẫn phát biểu của một nguồn tin giấu tên.

Nguồn tin nêu trên lưu ý rằng Washington cũng phật ý khi trong chiến trận Ukraine dường như đã phớt lờ lời khuyên của các chuyên gia Mỹ.

Nguồn tin nói với CNBC: “Mỹ đã tích cực khuyên Ukraine không làm một số điều nhất định, nhưng Kyiv vẫn làm, gạt lời khuyên của Mỹ sang một bên hoặc không giải quyết những quan ngại từ Washington. Sau đó họ quay sang Mỹ và chính quyền Biden, than phiền về việc không được tham gia vào các cuộc thảo luận tại NATO”.

Nhà phân tích chính trị ủng hộ Ukraine, ông Konrad Muzyka nói với CNBC rằng trận đánh tại Bakhmut, Ukraine là nguồn cơn dẫn tới căng thẳng chính giữa ông Zelensky và Mỹ.

Nói một cách không phóng đại, Mỹ đã khuyến khích Ukraine trong một số trận chiến nhất định không đánh theo cách mà Nga muốn, bởi vì như thế có thể gây ra những hậu quả dài hạn về thiệt hại nguồn nhân lực và tiêu hao đạn pháo”, ông Muzyka giải thích. Nhưng, ông Zelensky đã khăng khăng cố gắng bảo vệ Bakhmut dù phải chịu tổn thất lớn về người, sau đó các chiến binh Tập đoàn Wager chiến đấu cho Nga đã tuyên bố chiếm được thành phố này hồi tháng Năm.

Hậu quả là họ đã tổn thất lớn về người”, ông Muzyka nói. “Họ đã sử dụng rất nhiều đạn pháo, nếu không nguồn đạn này sẽ được dùng cho cuộc phản công”.

Vào thời điểm Kyiv phát động đợt phản công quân Nga hồi đầu tháng Sáu, Mỹ đã biết quân đội Ukraine không được chuẩn bị tốt. Ông Zelenksy đầu tiên khẳng định rằng quân đội Ukraine sẽ thâm nhập vào giới tuyến của Nga và chia cắt lực lượng Nga với bán đảo Crimea. Khi trận chiến bắt đầu chậm như Washington đã dự liệu trước, thì ông Zelensky đã lại chỉ trích các nhà bảo trợ phương Tây không cung cấp đủ vũ khí và đạn dược để đảm bảo phản công thành công.

Ông Zelensky cuối tuần qua phát biểu trên truyền hình Brazil rằng: “Chừng nào cuộc chiến tranh này còn tiếp tục, thì không gì có thể là đủ”.

Dù có phát sinh mâu thuẫn, cho đến nay các quốc gia bảo trợ cho Kyiv, đặc biệt là Mỹ và Anh, vẫn luôn cam kết sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng. Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 40 tỷ USD, con số của Anh là hơn 4 tỷ.

Ukraine công khai tuyên bố rằng họ đang chiến đấu không chỉ cho sự tồn vong của họ mà phương Tây cũng đang phải đối mặt với một nước Nga thù địch và không thể đoán định. Ông Zelensky nói Ukraine là tấm khiên bảo vệ phương Tây, và tấm khiên đó không thể bị thủng.

Hải Đăng