Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener đã nói trong phiên họp của Hội đồng Bảo an hôm thứ Tư (31/3) rằng “một cuộc tắm máu sắp xảy ra” vì quân đội đang tăng cường đàn áp những người biểu tình chống đảo chính.

Embed from Getty Images

Phiên họp kín của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã được tổ chức khẩn cấp hôm 31/3 tại New York sau lời đề nghị từ Anh Quốc nhằm đối phó với tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ở Myanmar.

Bà Schraner Burgener nói trong phiên họp rằng quân đội hiện nắm chính quyền ở Myanmar từ ngày 1/2 không đủ khả năng quản lý đất nước và cảnh báo tình hình trên thực tế sẽ chỉ tồi tệ hơn, theo các bình luận được chia sẻ với các phóng viên, Reuters đưa tin.

Bà đề nghị Hội đồng Bảo an phải xem xét tất cả các công cụ hiện có để thực hiện hành động chung và “làm những gì đúng, những gì người dân Myanmar xứng đáng được nhận và ngăn chặn thảm họa đa chiều ở trung tâm châu Á này.”

Hội đồng phải xem xét đưa ra những “hành động trọng yếu” để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì “một cuộc tắm máu sắp xảy ra,” bà Schraner Burgener nhấn mạnh.

Bà Burgener nói: “Sự tàn ác của quân đội là quá nghiêm trọng và nhiều người (các chiến binh dân tộc có vũ trang) đang có quan điểm chống đối rõ ràng, làm tăng khả năng xảy ra nội chiến ở quy mô chưa từng có.” 

“Việc không ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của các hành động tàn bạo sẽ khiến thế giới phải trả giá đắt hơn rất nhiều trong dài hạn so với việc tập trung ngay bây giờ vào việc phòng ngừa, đặc biệt là đối với các nước láng giềng của Myanmar và khu vực rộng lớn hơn.”

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 521 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính tính đến cuối ngày 30/3, trong đó đặc biệt có tới 141 người thiệt mạng chỉ trong ngày thứ Bảy.

“Những hành động bạo lực này của quân đội là hoàn toàn không thể chấp nhận được và cần một thông điệp mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, Barbara Woodward, cho biết trong một cuộc họp báo sau phiên họp của Hội đồng.

Bà nói thêm, Hội đồng Bảo an “nên đóng vai trò của mình”.

Trong khi đó, một nhóm nghị sĩ bị lật đổ từ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, những người đã hoạt động ngầm chống lại chính phủ quân sự, cho biết họ sẽ thành lập “một chính phủ dân sự mới” vào tuần đầu tiên của tháng Tư, mà không đưa ra thêm thông tin chi tiết nào.

Cuộc đổ máu ngày càng gia tăng cũng đã khiến một số trong số khoảng 20 nhóm dân tộc có vũ trang của Myanmar, những người kiểm soát các khu vực lãnh thổ rộng lớn chủ yếu ở các vùng biên giới, tức giận.

Ba trong số họ – Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar và Quân đội Arakan – hôm thứ Tư có vẻ sẽ tham gia cuộc chiến cùng với những người biểu tình.

Giao tranh đã bùng phát giữa quân đội và các lực lượng dân tộc thiểu số nổi dậy ở vùng biên. Hàng nghìn người dân Myanmar đã phải chạy tị nạn để tìm kiếm sự an toàn ở các nước láng giềng.

Chuẩn tướng Tar Bhone Kyaw từ TNLA nói với AFP rằng cả ba nhóm dân quân thiểu số sẽ chấm dứt lệnh ngừng bắn với quân đội.

“Nếu họ tiếp tục giết người dân, chúng tôi không có lý do gì để tiếp tục lệnh ngừng bắn đơn phương với họ”, ông nói.

Một số cường quốc trên thế giới đã nhiều lần lên án cuộc đàn áp bạo lực nhằm vào những người bất đồng chính kiến ​​và trừng phạt các nhân vật quân sự, nhưng cho đến nay áp lực vẫn chưa làm các tướng lĩnh lung lay.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra lệnh các nhân viên không trọng yếu cùng gia đình rời khỏi Myanmar; và Nhật Bản cũng đã tạm dừng các khoản viện trợ mới.

Ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với những lãnh đạo quân sự, Mỹ cũng đã đình chỉ hiệp định thương mại với Myanmar.

Hội đồng Bảo an cho đến nay đã đưa ra hai tuyên bố bày tỏ quan ngại và lên án bạo lực chống lại những người biểu tình, nhưng không lên án cuộc tiếp quản của quân đội là một cuộc đảo chính, cũng như chưa đưa ra các biện pháp trừng phạt nào do sự phản đối của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam.

Lê Xuân (theo Reuters, CNA)

Xem thêm: