Trong bài thuyết hàng tuần của mình hôm Chủ Nhật (30/7), Giáo hoàng Francis đã có lời kêu gọi “các nhà chức trách Liên bang Nga” hãy nối lại thỏa thuận ngũ cốc, nói rằng chiến tranh Ukraine “đang hủy hoại mọi thứ, kể cả ngũ cốc” và đó là “sự sỉ nhục nghiêm trọng đối với Thiên Chúa.” Phía Nga vẫn luôn đổ lỗi việc hủy ngang thỏa thuận ngũ cốc là do Âu Mỹ, chứ không phải do Nga, và tuyên bố Nga sẵn sàng nối lại thỏa thuận này khi Âu Mỹ thực hiện trách nhiệm của mình.

230419 pope 01
Giáo hoàng Francis ở Quảng trường Thánh Peter hôm Chủ Nhật 9/4. Thông thường bài phát biểu Chủ Nhật của ông có thể có tới chục ngàn khán giả (ảnh ghép từ video của truyền thông Vatican).

“Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, các nhà chức trách của Liên bang Nga, để sáng kiến ​​Biển Đen có thể được nối lại và ngũ cốc có thể được vận chuyển an toàn,” Giáo hoàng Francis phát biểu trước đám đông hàng tuần ở quảng trường Thánh Peter, Vatican, hôm Chủ Nhật (30/7), theo truyền thông của Công giáo CNA đưa tin. Ông dùng cách gọi “người anh em” theo lối nói của các Kitô hữu.

Ông cũng kêu gọi cầu nguyện cho người Ukraine đang phải chịu thảm họa, “nơi chiến tranh đang phá hủy mọi thứ, kể cả ngũ cốc,” và ông miêu tả đó là “sự sỉ nhục nghiêm trọng đối với Thiên Chúa.”

Theo Reuters đưa tin, kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, người đứng đầu tôn giáo đông nhất thế giới đã nhiều lần lên án các bên gây ra chiến tranh, và ông cũng nhiều lần kêu gọi hòa bình. Một trong những nỗ lực gần đây nhất của tòa thánh Vatican là hồi tháng 5 đã cử người đứng đầu hội đồng giám mục Ý, Hồng y Matteo Zuppi, làm đặc phái viên hòa bình.

Ông Zuppi đã có chuyến công du tới Kyiv, Moskva, và Washington nhưng không đạt được nhiều kết quả khả quan về phương diện tìm giải pháp hòa bình. Hiện nay Reuters báo cáo rằng ông đang làm công việc hồi hương trẻ em từ Nga và các khu vực do Nga kiểm soát về Ukraine.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Thỏa thuận ngũ cốc —tên chính thức là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen— bắt đầu từ 7/2022 với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian khởi xướng, theo đó Nga phải cung cấp một hành lang ở Biển Đen theo đó tàu xuất khẩu nông sản của Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động an toàn trong thời chiến. Đổi lại, phương Tây không được ngăn chặn Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Lý do của thỏa thuận là đảm bảo lương thực tới một số nước ở châu Phi, tránh khủng hoảng lương thực, một lý do về thuộc phạm trù nhân đạo.

Thỏa thuận đã kết thúc vào ngày 17/7, khi Nga rút khỏi thỏa thuận này sau nhiều lần tuyên bố rằng phương Tây đã không thực hiện cam kết của mình. Nga cũng nói rõ họ sẵn sàng nối lại thỏa thuận này một khi phương Tây thực hiện đúng cam kết.

Ngày 17/7, hôm cuối cùng của thỏa thuận còn hiệu lực, tức là vẫn còn hành lang an toàn trên Biển Đen, chính quyền Kyiv đã dùng xuồng không người lái (USV) trên Biển Đen để tấn công làm hỏng cầu Kerch nối bời Đông bán đảo Crimea với đất liền. Liên tiếp nhiều ngày sau đó, chính quyền Kyiv liên tục tổ chức các cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) vào bán đảo Crimea.

Chuỗi hành động quân sự ở khu vực Biển Đen này dường như được tính toán và chuẩn bị từ trước của chính quyền Kyiv đã dẫn đến hậu quả tất yếu là thỏa thuận ngũ cốc không cách nào nối lại được. Ít nhất trong thời gian ngắn khi chiến sự ở vùng biển và bán đảo còn đang căng thẳng.

Ngay khi thỏa thuận ngũ cốc mất hiệu lực, truyền thông của phương Tây và Ukraine đồng loạt tìm mọi cách đổ lỗi cho Nga. Các chiến báo từ chính quyền Kyiv cũng miêu tả các kho lương thực —mà họ bị tồn kho và chưa xuất đi được— bị Nga phá hủy bằng các tên lửa đắt tiền.

Đấu khẩu 2 phe

Vấn đề nhân đạo về lương thực cho các nước nghèo đã trở thành đề tài giao tranh truyền thông chính trị của các bên tham chiến.

“Khủng bố bằng tên lửa của Nga và phá hủy các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine là vô cùng nghiêm trọng [về vấn đề] bảo vệ toàn thế giới, và đặc biệt là các dân tộc ở Châu Phi và Châu Á, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất trước mối đe dọa của nạn đói, và khủng hoảng do thiếu lương thực,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần phát ra thông điệp này vào đợt đấu khẩu chính trị đang diễn ra.

Tuy được ông Zelensky miêu tả là vấn đề “bảo vệ toàn thế giới”“đe dọa của nạn đói, và khủng hoảng do thiếu lương thực,” nhưng trên thực tế thì gần 1 năm rưỡi qua, kỳ thực Ukraine đã dần chuyển hướng con đường xuất khẩu từ đường biển sang đường bộ (và đường sông) qua các nước châu Âu. Ít nhất đã có đến 5 quốc gia phải ra lệnh đóng cửa khẩu nhập nông sản của Ukraine vì sợ phá giá nông sản trong nước, và họ chỉ cho phép nông sản của Ukraine quá cảnh mà thôi.

Trong khi đó, khi Nga bị phương Tây cản trở xuất khẩu ngũ cốc sang các nước của họ, thì Nga cũng tiến hành bán sang các nước châu Phi. Hơn nữa, vốn dĩ ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine chỉ chiếm 5% thị phần châu Phi mà thôi, trong khi đó của Nga chiếm 20%.

Do đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã miêu tả truyền thông phương Tây là “phi lý”.

Theo lập luận của Nga, truyền thông phương Tây tìm cách đổ lỗi cho Nga, trong khi chính họ mới là tác nhân phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc. Đồng thời họ vẽ ra nguy cơ về lương thực một cách không thật. Giá ngũ cốc tăng tạm thời ở châu Phi là có thật do ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng khủng hoảng lương thực là không có thật.

Thậm chí hiện nay theo truyền thông Nga, có tới 200.000 tấn phân bón của Nga đang bị EU chặn ở hải cảng Baltic.

Ông Putin miêu tả các quốc gia EU “không quan tâm gì đến các nước đang phát triển và các nước nghèo nhất trên thế giới.” Ông cũng nói việc phương Tây nhấn mạnh vào các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine chỉ là “vỏ bọc” cho chiến dịch tuyên truyền chính trị chống Nga, điều đó làm cho chính sách của EU “phi lý gấp đôi”.

Nhật Tân