Hai bộ trưởng Israel gần đây đã liên tục hứng chịu chỉ trích về quan điểm di dời cư dân ở lãnh thổ Gaza đến nước thứ ba. Sau Mỹ, Pháp và Liên minh châu Âu, các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar… cũng đã lên tiếng, Cao nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những phát ngôn của các quan chức cao cấp Israel.

GettyImages 1813819202 scaled
Người Palestine đi bộ về phía các khu vực an toàn hơn sau khi Israel nối lại các cuộc tấn công vào Rafah ở phía nam Dải Gaza vào ngày 1/12/2023.  (Ảnh: MAHMUD HAMS/AFP, Getty Images)

Israel đang phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế vì tiếp tục thực hiện các hành động trả đũa quân sự quy mô lớn ở hành lang Gaza, gần đây họ lại làm dấy lên một làn sóng tranh cãi khác.

Đầu năm mới 2024, Bộ trưởng Ben Gvir Bộ An ninh Quốc gia Israel tại một cuộc họp của đảng đã kêu gọi những người nhập cư Do Thái quay trở lại Gaza để định cư sau khi kết thúc cuộc chiến Israel-Hamas. Tuy nhiên quan chức này cũng cho rằng cần phải “khuyến khích” các biện pháp cho phép người dân Gaza di dời đi nơi khác, rằng đây là giải pháp “đúng đắn, công bằng, đạo đức và nhân văn”.

Một ngày trước đó, đại diện tiêu biểu phe cực hữu trong chính phủ Netanyahu là Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

Hôm 4/1, một số nước Ả Rập vùng Vịnh đã lên án quan điểm này.

Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho biết trong một thông cáo rằng, họ “kiên quyết lên án” nhận xét của hai bộ trưởng Israel. Thông cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động chống lại việc Chính phủ Israel liên tục vi phạm các quy định quốc tế khác nhau.

Trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao Qatar, nước đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn vào cuối tháng 11, cũng lên án bằng “lời lẽ nghiêm khắc” những phát biểu liên quan của hai quan chức chính phủ Israel. Thông cáo chỉ trích Israel gây “hình phạt tập thể” đối với cư dân Gaza. Thông cáo chỉ ra rằng việc cưỡng bức trục xuất cư dân Gaza sẽ không thay đổi thực tế rằng Gaza là đất của người Palestine và sẽ luôn như vậy.

Kuwait cũng đã cảnh báo về kế hoạch của Israel nhằm tái định cư người Palestine, đặc biệt là cư dân ở Gaza.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Türk cũng “quan ngại sâu sắc” về phát biểu ngày 4/1 của các quan chức chính phủ Israel. Ông đã chia sẻ trên mạng xã hội X rằng, việc một số quan chức cấp cao của Israel phát biểu về kế hoạch di dời người dân Palestine ở Dải Gaza sang một nước thứ ba là “rất đáng lo ngại”. Ông cho hay luật pháp quốc tế nghiêm cấm việc cưỡng bức di dời hoặc trục xuất những người được bảo vệ trên một vùng đất nhất định nơi họ sinh sống, chưa kể 85% cư dân của hành lang Gaza đã phải di dời trong nước, họ hoàn toàn có quyền trở về nhà của họ. 

Mỹ, Pháp và Liên minh châu Âu trước đó cũng bày tỏ phản đối những phát biểu liên quan của hai quan chức chính phủ Israel. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 2/1 chỉ ra rằng, Washington “không chấp nhận tuyên bố gần đây của hai Bộ trưởng Israel là Bezalel Smotrich và Ben Gvir chủ trương việc tái định cư người Palestine bên ngoài Gaza”.

Giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago từng nói rằng: “Người Israel không phải thuần túy truy bắt Hamas đâu! Điều mà người Israel đang làm, đó là họ tàn sát có chủ đích lượng lớn người dân… Tôi tin tưởng mạnh mẽ… rằng chủ đích cuối cùng của người Israel trong chuyện này chính là thanh tẩy sắc tộc ở Gaza”. 

Israel đã chiếm đóng Dải Gaza từ năm 1967. Năm 2005, Israel đã theo đề xuất đơn phương do Thủ tướng thời đó là Ariel Sharon, cho di dời khỏi Gaza khoảng 8000 người dân Do Thái.

Mộc Vệ (t/h)