Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã gặp nhau vào thứ Hai (25/3) tại Washington, hai bên đã thảo luận cách mở rộng hợp tác trong sản xuất chất bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong một diễn biến khác, mới đây Tổng thống Nga Putin đã nhận lời mời thăm Việt Nam.

Blinken Viet Nam
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 25/3/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ ba từ phải sang) gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken (thứ nhất từ ​​trái sang). (ẢNh: MANDEL NGAN/AFP/Getty)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ – Việt Nam lần này là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên sau khi nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”.

Tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Mỹ Biden đã đến thăm Hà Nội và ký thỏa thuận nâng quan hệ giữa hai nước lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”, đây là một phần trong chuỗi hành động được Mỹ thực hiện nhằm kiểm tra và cân bằng với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hiện nay Mỹ đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc bằng cách mở rộng sản xuất trong nước và thúc đẩy thương mại với các đối tác đáng tin cậy.

Động thái của Mỹ đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực sản xuất chip khi Washington hy vọng sẽ giảm bớt những rủi ro liên quan Trung Quốc của ngành công nghiệp bán dẫn, ngoài ra gồm nhiều vấn đề xung đột thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Bùi Thanh Sơn đã nhắc lại những điểm mạnh của mối quan hệ Mỹ-Việt, xem xét những tiến bộ đạt được trong mối quan hệ kể từ chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden vào tháng 9/2023, và thảo luận cách tăng cường hệ sinh thái bán dẫn, hợp tác đa dạng chuỗi cung ứng.

Hai bên cũng thảo luận các vấn đề như mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nhân quyền, an ninh, giáo dục và văn hóa.

Tuyên bố cho biết, hai ngoại trưởng cũng thảo luận về các ưu tiên chung trong khu vực, bao gồm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, kết nối, thịnh vượng, năng động và an toàn, cũng như thúc đẩy ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông.

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển một phần năng lực sản xuất sang Việt Nam như một phần của chiến lược “Trung Quốc + 1”. Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022 lên 36,6 tỷ USD.

Một số nhà phân tích tin rằng khi Việt Nam ngày càng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, Việt Nam sẽ đạt đỉnh cao về tăng trưởng tài sản trong 10 năm tới. Đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất trên thế giới tính theo GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.

Ngoài Mỹ thì Úc cũng đang tích cực tăng cường hợp tác với Việt Nam. Đầu tháng Ba, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng tuyên bố Úc và Việt Nam nâng cấp lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Hai nước đã tập trung hợp tác khai thác mỏ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thủ tướng Albanese và người đồng cấp Việt Nam Phạm Minh Chính đã ký 12 văn kiện hợp tác, trong các lĩnh vực hợp tác bao gồm năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp, ngân hàng và tài chính.

Úc là nước hàng đầu về các nguồn khoáng sản quan trọng – những thứ dùng cho chế tạo thành các sản phẩm từ điện thoại thông minh đến ô tô; trong khi Việt Nam có số trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác lớn nhất thế giới và dự kiến ​​sẽ thay thế chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Tổng thống Nga Putin nhận lời mời thăm Việt Nam

Trong một diễn biến khác, mới đây các nguồn tin Việt Nam tiết lộ rằng Tổng thống Nga Putin đã nhận lời mời thăm Việt Nam, chờ ấn định thời gian. Theo nhà chức trách Hà Nội, lời mời như vậy đã được thảo luận vào tháng Mười năm ngoái trong cuộc gặp ở Trung Quốc giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Việt Nam lúc đó là ông Võ Văn Thưởng.

Hiện nay ông Võ Văn Thưởng đã bị cách chức vì liên quan vụ án tham nhũng.

Việt Nam cho biết trên trang web Chính phủ rằng hôm thứ Ba (26/3), ông Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, họ đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước. Tuyên bố cho biết, ông Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin đến thăm Việt Nam, ông Putin “vui vẻ chấp nhận và đồng ý rằng hai bên sẽ thống nhất ngày phù hợp cho chuyến thăm”.

Việt Nam cũng bày tỏ lời chia buồn về vụ tấn công của nhóm Nhà nước Hồi giáo vào phòng hòa nhạc ở Moscow hôm 22/3 khiến 139 người thiệt mạng.

Theo AFP, Nga có truyền thống là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ bền chặt với Moscow kể từ thời Liên Xô cũ.

Mộc Vệ (t/h)