Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết tính đến ngày 24/9, trong năm nay có hơn 2.500 người đã chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, trong khi khoảng 186.000 người đã đến được các nước châu Âu.

GettyImages 1689512705
Những đôi giày treo trên tượng đài Porta di Lampedusa được gọi là “Cánh cổng châu Âu” thuộc hòn đảo Lampedusa – cực nam của nước Ý, đây là tượng đài tưởng nhớ những người bỏ mạng ngoài biển khơi vì di cư đến châu Âu. Hình chụp ngày 25/9/2023. (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP/Getty)

Nói trước Hội đồng Bảo an hôm thứ Năm (28/9), Giám đốc Ruven Menikdiwela của Văn phòng New York – Cao ủy LHQ về người tị nạn, cho hay trong số 186.000 người tị nạn hoặc người di cư đã vượt Địa Trung Hải thành công, có 83% (khoảng 130.000) đến Ý, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có khoảng 70.000 người. Những người khác đã đến Hy Lạp, Tây Ban Nha, Síp và Malta.

Năm nay, số người thiệt mạng hoặc mất tích khi vượt biển tăng cao so với năm ngoái. Tính đến ngày 24/9, trong năm nay đã phát hiện chết hoặc mất tích hơn 2500 người cố gắng vượt Địa Trung Hải, tăng đáng kể so với con số 1680 người cùng kỳ năm 2022.

Theo bà Menique Diweira, Cơ quan Tị nạn LHQ ước tính trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 8, hơn 102.000 người tị nạn hoặc người di cư từ Tunisia đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, tăng 260% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, hơn 45.000 người tị nạn hoặc di cư từ Libya đã vượt biển sang châu Âu.

Bà cho biết các hành trình đường bộ từ các nước nam Phi cận Sahara đến các điểm xuất cảnh trên bờ biển Tunisia và Libya “vẫn là một trong những hành trình nguy hiểm nhất thế giới”.

Bà nói: “Mỗi bước đi của người di cư và người tị nạn đều trước nguy cơ thiệt mạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Menique Diweira nói với LHQ rằng tỷ lệ người đi cư cao của Tunisia xuất phát từ bất an của cộng đồng người tị nạn, do các cuộc tấn công và phát ngôn thù hận có động cơ sắc tộc cũng như các vụ trục xuất tập thể khỏi Libya và Algeria.