Hôm thứ Ba (12/12), Liên Hợp Quốc đã tổ chức một buổi hội thảo cáo buộc nhà nước Israel tội diệt chủng và cáo buộc Mỹ đã tham gia hỗ trợ nước này trong cuộc chiến với Hamas.

Palestine Gaza
Người Palestine tìm kiếm người còn sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà sau cuộc tấn công của Israel vào trại al-Maghazi ở trung tâm Dải Gaza hôm 11/12/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Cuộc hội thảo diễn ra bên lề các cuộc thảo luận dự kiến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với chủ đề “Chiến tranh ở Gaza: Trách nhiệm ngăn chặn nạn diệt chủng” và được tổ chức bởi “Ủy ban thi hành các quyền bất khả xâm phạm của người Palestine”. Hội thảo triệu tập các tham luận viên với quan điểm rằng những tuyên bố chống lại Hamas của các quan chức chính phủ Israel và các hoạt động tại các khu vực thành thị Gaza đã phù hợp với định nghĩa diệt chủng về mặt pháp lý.

Các tham luận viên tuyên bố rằng hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, thành trì của Hamas, nhằm đảm bảo rằng nhóm khủng bố này không còn gây ra mối đe dọa cho dân thường sau vụ giết hại 1.200 người và bắt cóc khoảng 240 người khác vào ngày 7/10 tại Israel đã cấu thành tội diệt chủng. Lý do là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã nhắm mục tiêu vào các công trình thiên về dân sự như bệnh viện và trường học. Một tham luận viên cáo buộc Hoa Kỳ đồng lõa với tội diệt chủng do bán vũ khí cho Israel.

Bà Hannah Bruinsma của tổ chức “Luật pháp cho người Palestine” khẳng định Israel “rõ ràng” đang tiến hành tội ác diệt chủng: “Việc ném bom bừa bãi vào người dân Palestine [khiến] các dịch vụ y tế không thể đáp ứng cho những người vẫn đang nằm dưới đống đổ nát và chúng tôi đã mất kết nối với hầu hết các đồng nghiệp của mình ở Gaza”.

Trong khi đó, IDF đã công bố bằng chứng cho thấy Hamas sử dụng các cơ sở dân sự này làm trung tâm điều hành, tàng trữ vũ khí ở đó, xây dựng hệ thống đường hầm phức tạp và sử dụng dân thường làm lá chắn sống.

Việc Hamas sử dụng thường dân Palestine làm lá chắn sống đã không xuất hiện trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn của các tham luận viên. Ngoài ra hội thảo cũng không đề cập đến bản chất diệt chủng rõ ràng của hiến chương Hamas năm 1988, vốn kêu gọi “xóa sổ” Israel và giết hại tất cả người Do Thái để đưa đến “Ngày phán xét”.

Chỉ có một thành viên tham gia hội thảo, Giáo sư Raz Segal của Đại học Stockton, thừa nhận quy mô của vụ giết người hàng loạt vào ngày 7/10 trong các bình luận được chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên ông vẫn so sánh phản ứng tự vệ của Israel với nạn diệt chủng ở Rwanda, cuộc thanh lọc sắc tộc Đức vào đầu những năm 1900 ở Châu Phi và cuộc diệt chủng Holocaust.

Ông Segal trích dẫn lời thề sẽ tiêu diệt Hamas của các quan chức cấp cao Israel, nói rằng họ đã công khai thể hiện “ý định diệt chủng” và thực hiện điều đó thông qua việc bắn phá các trung tâm của Hamas cũng như kêu gọi dân thường sơ tán khỏi các khu vực nơi IDF đang lên kế hoạch chống khủng bố. Ông Segal gọi đó là một cuộc “thanh lọc sắc tộc”.

“Cưỡng bức dời đi, điều thường được gọi là thanh lọc sắc tộc, bản thân nó không phải là một hành động diệt chủng, nhưng chúng tôi biết rằng về mặt lịch sử, nó đã xuất hiện trong các quá trình diệt chủng. Thật vậy, quá trình đẩy những người không mong muốn vào các khu vực được chỉ định mà cuối cùng leo thang thành nạn diệt chủng đã trở thành đặc trưng của Holocaust”, trích lời ông Segal.

Ông Jehad Abusalim, Giám đốc điều hành của Quỹ Jerusalem và là một người Palestine đến từ Gaza, cáo buộc Israel không chỉ phạm tội diệt chủng sau các cuộc tấn công của Hamas mà đó còn là nạn diệt chủng “tiếp diễn” từ năm 1948.

Ông Abusalim khẳng định: “Cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Gaza là một phần của lịch sử sâu sắc hơn nhiều về sự xâm lược của Israel chống lại người Palestine, một phần trong bối cảnh rộng lớn hơn về chủ nghĩa thực dân bạo lực của người định cư Israel và việc chiếm đóng đất đai của người Palestine… Trước, trong và sau khi Israel thành lập, mục tiêu rõ ràng của tập đoàn Israel luôn là tạo ra và duy trì đa số nhân khẩu học Do Thái, đồng thời phủ nhận các quyền của người Palestine”. Tuy nhiên, ông Abusalim không đề cập đến sự tồn tại của những người Israel không phải gốc Do Thái, dễ thấy nhất là người Ả Rập Israel.

Bà Katherine Gallagher – luật sư cấp cao của Trung tâm Quyền Hiến pháp, tổ chức đang tham gia vụ kiện chống lại Tổng thống Joe Biden và chính phủ Hoa Kỳ vì cáo buộc diệt chủng – đã mở rộng sự lên án của hội đồng từ Israel sang Hoa Kỳ.

Bà Gallagher phát biểu: “Tôi cho rằng Hoa Kỳ đã vượt quá giới hạn và trở thành đồng lõa. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là đối với hành vi đồng lõa hoặc hỗ trợ và tiếp tay, cá nhân hoặc nhà nước đồng lõa không cần phải có chung mục đích cụ thể là phạm tội diệt chủng. Điều cần làm là biết rằng người nhận hỗ trợ có ý định cụ thể đó, cũng là những tuyên bố mà chúng tôi đã nghe từ các quan chức Israel.”

“Hoa Kỳ là nhà cung cấp hỗ trợ quân sự, kinh tế và chính trị lớn nhất và – tôi cho rằng – vỏ bọc chính trị đó có khả năng tận dụng được ảnh hưởng đáng kể và vị thế độc nhất của mình để thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn nạn diệt chủng đang diễn ra ở Israel. Tất nhiên, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có ảnh hưởng và khả năng như vậy. Tuy nhiên, thay vào đó, Hoa Kỳ tận dụng mọi cơ hội để làm điều ngược lại.”

Bà Gallagher đề nghị gây áp lực lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) để ban hành “lệnh bắt giữ những kẻ phạm tội và những người đang hỗ trợ và tiếp tay cho tội ác diệt chủng”, có thể bao gồm cả giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ cho đến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ngoài ra, bà Gallagher cũng thuyết phục người nghe cân nhắc rằng các yếu tố cấu thành tội ác diệt chủng không đòi hỏi một số lượng người nhất định phải bị giết.

Hội thảo không có sự góp mặt của bất kỳ người ủng hộ Israel nào.

Liên Hợp Quốc thường có quan điểm chống Israel và tập trung lên án các hoạt động của Israel chống lại Hamas, không có lập trường vững chắc đối với những hành động tàn bạo mà Hamas đã gây ra vào ngày 7/10 – bao gồm hãm hiếp tập thể, giết trẻ sơ sinh, cắt xẻo cơ thể người, xúc phạm thi thể và các hành vi tàn ác khác. Một trong những quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc về vấn đề Palestine, Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền, bà Francesca Albanese, đã khẳng định vào tháng Mười Một rằng quyền tự vệ của Israel trước những kẻ khủng bố diệt chủng là “không tồn tại” vì Hamas có trụ sở chính ở Gaza, “một vùng lãnh thổ” mà [Israel] chiếm đóng”. Bà Albanese từng có lịch sử tham dự các sự kiện của Hamas và đưa ra những tuyên bố chống Do Thái.