Cuối tuần qua Trung Quốc và Mỹ đã lên án nhau về động thái tại Biển Đông: Hôm thứ Bảy (25/11) quân đội Trung Quốc cho biết họ đã xua đuổi một tàu chiến Mỹ, trong khi Hải quân Mỹ cho biết đây là hoạt động tự do hàng hải thường lệ (FONOP).

USS Grace Hopper
Tàu khu trục USS Grace Hopper mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ đang đi trên biển. (Ảnh: MXH)

Hôm thứ Bảy (25/11) người phát ngôn Điền Quân Lý (Tian Junli) của Chiến khu miền Nam – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết tàu USS Hopper (ngày 25/11) đã xâm nhập trái phép vào vùng lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa [Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam]… Các lực lượng hải quân và không quân PLA Trung Quốc đã theo dõi, giám sát, cảnh báo và trục xuất theo quy định của pháp luật. Mỹ đã một lần nữa “quân sự hóa Biển Đông” khi xâm phạm an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, cho thấy Mỹ là bên gây rối chủ yếu tạo ra rủi ro an ninh cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông. PLA Trung Quốc luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.

Biển Đông đang tranh chấp là tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá hơn 3000 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm các phần mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Trung Quốc không chấp nhận hay công nhận phán quyết này.

Hôm Chủ nhật Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ra thông cáo báo chí cho biết: “Ngày 25/11, tàu USS Hopper (DDG 70) đã thực hiện bảo vệ quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông khu gần quần đảo Paracel (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Tây Sa), đây là hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế. Sau hoạt động, tàu Hopper rút khỏi khu vực tranh chấp căng thẳng nhưng tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. Hoạt động tự do hàng hải này nhằm bảo vệ việc sử dụng hợp pháp các quyền, quyền tự do vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận, đã thách thức chính quyền Nhân dân Cộng hòa Trung Hoa (PRC), Đài Loan và Việt Nam thông qua các hạn chế áp đặt”.

Thông cáo báo chí của Hạm đội 7 – Hải quân Mỹ cho biết:

“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Cả ba bên yêu sách đều vi phạm luật pháp quốc tế khi yêu cầu các tàu quân sự hoặc tàu chiến trước khi ‘đi lại bình thường/không có ác ý’ qua lãnh hải của họ phải xin phép họ hoặc thông báo trước cho họ. Theo luật tập quán quốc tế trong Công ước về Luật Biển, tất cả các tàu của các nước – kể cả tàu quân sự – đều có quyền ‘đi lại bình thường/không có ác ý’ qua các vùng lãnh hải. Mỹ thách thức những hạn chế bất hợp pháp này do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Việt Nam áp đặt đối với hoạt động đi lại vô hại, theo đó yêu cầu phải thông báo trước hoặc xin phép họ. Mỹ chứng minh hoạt động đi lại vô hại không phải chịu chế ước của những hạn chế đó.”

“Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và rộng khắp ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, cũng như các cơ hội kinh tế cho các nước ven biển giáp ranh với Nam Trung Quốc. Mỹ thách thức các yêu sách biển quá mức trên khắp thế giới, bất kể danh tính của bên yêu sách. Luật tập quán quốc tế được thể hiện trong Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) bảo vệ một số quyền, quyền tự do và quyền sự dụng hợp pháp vùng biển mà mọi quốc gia cần có. Cộng đồng quốc tế đóng vai trò bền vững trong việc bảo vệ quyền tự do trên biển, điều này rất quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.”

“Mỹ kiên định nguyên tắc tự do hàng hải cho tất cả các nước. Chừng nào một số nước còn tiếp tục yêu sách và khẳng định những hạn chế đối với các quyền vượt quá thẩm quyền mà luật pháp quốc tế trao cho họ, thì Mỹ sẽ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích tự do hàng hải mà tất cả các bên nên được hưởng. Mọi thành viên cộng đồng quốc tế không chấp nhận bị đe dọa hoặc bị ép buộc phải từ bỏ các quyền và tự do của mình.”

“Trong hơn một thế kỷ qua, hàng ngày lực lượng quân sự Mỹ đã tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. Chúng tôi thường hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, những bên nỗ lực cùng Mỹ thúc đẩy trật tự quốc tế tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng. Tất cả các hành động của chúng tôi đều được tiến hành một cách an toàn và chuyên nghiệp theo luật tập quán quốc tế. Những hành động này chứng minh Mỹ sẽ đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép – bất chấp yêu sách quá độ đó do bên nào và đưa ra vào lúc nào.”

Gần đây,  ĐCSTQ thường xuyên điều động các tàu cảnh sát biển đến các khu vực Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với Philippines để ngăn chặn các tàu tiếp tế của Philippines vận chuyển hàng hóa đến Bãi cạn Second Thomas (Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây). Ngoài ra, vào tháng 2 năm nay, lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ cũng dùng đèn laser “cấp quân sự” chiếu vào một tàu Philippines khiến thủy thủ đoàn của tàu này bị “mù mắt trong thời gian ngắn”. Sau khi sự việc nói trên xảy ra, phản ứng của Philippines chỉ giới hạn ở việc “lên án” ĐCSTQ ở cấp độ ngoại giao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước tình hình leo thang ở Biển Đông, Philippines đã rũ bỏ hình ảnh bị động, yếu đuối trước đây và bắt đầu phản ứng tích cực, mạnh mẽ, đưa ra lời kêu gọi hiếm hoi thành lập “vòng tròn bạn bè” ở Đông Nam Á để cùng nhau chiến đấu đối kháng với ĐCSTQ.

Tổng thống Philippines – ông Ferdinand Marcos Jr. cho biết, các cuộc thảo luận đã được tổ chức với Malaysia và Việt Nam để phát triển một bộ quy tắc ứng xử khác và quảng bá chúng ở các nước Đông Nam Á khác.

Mộc Vệ (t/h)