Hôm Chủ nhật (5/11), Nga thông báo, họ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ một trong các tàu ngầm của nước này.

ten lua xuyen luc dia cua Nga
Xe chở tên lựa liên lục địa đi qua Quảng Trường Đỏ trong buổi diễu hành quân sự Ngày Chiến thắng tại thủ đô Moscow vào ngày 9 tháng 5 năm 2023. (Nguồn ảnh: Gavriil GRIGOROV / SPUTNIK / AFP) (Photo by GAVRIIL GRIGOROV/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Lần đầu tiên chỉ sau hơn một năm, vụ phóng tên lửa “Bulava” của Nga diễn ra trong bối cảnh Moscow đang tăng cường luận điệu đe dọa hạt nhân kể từ khi nước này hủy bỏ việc phê chuẩn một hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân quan trọng.

Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, “tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa chiến lược ‘Hoàng đế Alexander Đệ tam’ của Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava từ trên biển.

Cơ quan quân sự này cho biết, họ đã phóng tên lửa này từ dưới biển tại một địa điểm không được tiết lộ ở Biển Trắng nằm trên bờ biển phía tây bắc của nước này đến một mục tiêu nằm trên bán đảo Kamchatka ở vùng viễn đông cách xa hàng nghìn km.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm: “Việc bắn tên lửa diễn ra ở chế độ bình thường từ một vị trí dưới nước. Các đầu đạn tên lửa đã đến khu vực được chỉ định vào thời gian đã định.

Tên lửa Bulava dài 12m được thiết kế để trở thành xương sống trong bộ ba vũ khí hạt nhân của Moscow. Tên lửa này có tầm bắn hơn 8.000km

Phương Tây đã cáo buộc Moscow sử dụng giọng điệu đe dọa hạt nhân kể từ khi nước này tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Hồi đầu tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật hủy bỏ việc Nga phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Hoa Kỳ đã chỉ trích gay gắt động thái này của Nga.

Hiệp ước năm 1996 này cấm tất cả các vụ nổ hạt nhân, bao gồm cả các vụ thử vũ khí hạt nhân trực tiếp. Tuy nhiên, hiệp ước này chưa bao giờ có hiệu lực bởi vì một số quốc gia quan trọng, bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước này.

Gia Huy