Truyền thông Séc tiết lộ, Phó Tổng thống đắc cử Tiêu Mỹ Cầm (Bi-khim Hsiao) của Đài Loan đã bị các nhà ngoại giao quân sự Trung Quốc theo dõi trên ô tô trong chuyến thăm Cộng hòa Séc vào giữa tháng Ba. Trong những năm gần đây, nhiều lần có thông tin lan truyền rằng các nhà ngoại giao ĐCSTQ có hành động theo dõi, quấy nhiễu, thậm chí là bạo lực nhắm vào các hoạt động ngoại giao của Đài Loan ở nước ngoài.

tieu my cam
Phó tổng thống đắc cử Đài Loan Tiêu Mỹ Cầm. (Ảnh: CNA)

Ông Jakub Janda, giám đốc tổ chức tư vấn “Trung tâm chính sách an ninh giá trị châu Âu” của Séc, đã dẫn lời các nguồn tin truyền thông Séc hôm 5/3 cho biết, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Séc Pavel Fischer đã kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao quân sự Trung Quốc bị nghi ngờ theo dõi Phó Tổng thống đắc cử Đài Loan Tiêu Mỹ Cầm.

Theo báo cáo của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) hôm 7/3, ông Jakub Janda dẫn nguồn truyền thông Séc Seznam Zpravy, viết trên mạng xã hội X rằng sau khi bà Tiêu Mỹ Cầm bị nhà ngoại giao quân sự Trung Quốc quấy rối trong chuyến thăm thủ đô Praha của Séc vào giữa tháng Ba, ông Pavel Fischer đã kêu gọi trục xuất người này khỏi Cộng hòa Séc với lý do ông ta trực tiếp vi phạm Công ước Vienna. 

Theo ông Jakub Janda, ông Pavel Fischer nói với phóng viên tờ Seznam Zpravy rằng việc các nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia vào các hoạt động nguy hiểm là một vụ bê bối. Người đó đang lái một chiếc xe dân sự khi đi theo bà Tiêu Mỹ Cầm, nhưng khi cảnh sát Séc đến thẩm vấn, ông ta đã rút hộ chiếu ngoại giao ra.

Ông Fisher nói rằng: “Tôi nghĩ không thể chấp nhận được việc ai đó ở Trung Quốc đang lợi dụng (địa vị) ngoại giao của họ làm vỏ bọc, để gây nguy hiểm cho giao thông đường bộ và sự an toàn của các vị khách nước ngoài của chúng tôi”.

Ông Fisher cũng cho biết, nhà ngoại giao Trung Quốc đã hành động “như một thành viên băng đảng”.

Bài đăng của ông Jakub Janda nêu rõ, ông Fisher cũng cho rằng “quý ông này tiếp tục làm việc ở đây là không phù hợp” và hy vọng Cộng hòa Séc sẽ hành động như một quốc gia có chủ quyền.

Theo tin tức, khi bà Tiêu Mỹ Cầm đến thăm Praha theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil vào giữa tháng Ba, có thông tin cho rằng đoàn xe của bà đã bị một phương tiện khả nghi bám theo, và chiếc xe này suýt gây ra tai nạn ô tô khi chạy vượt đèn đỏ. Sau khi cảnh sát Séc cho dừng xe, họ phát hiện tài xế là một nhà ngoại giao thuộc bộ phận quân sự của Đại sứ quán Trung Quốc tại Praha.

Theo báo cáo, Bộ Ngoại giao Séc đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Phùng Bươu (Feng Biao) và nói rằng: “Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavsky không nghĩ vấn đề này đã kết thúc”. Các nguồn tin Chính phủ Séc nói với giới truyền thông rằng Chính phủ đang xem xét việc đưa vào danh sách “nhân vật không được chào đón”.

Trước đó Tổng thống Thái Anh Văn đến thăm các nước thân thiện ở Trung Mỹ vào tháng 3/2023. Khi quá cảnh qua New York (Mỹ), bà đã bị quấy rối bởi những Hoa kiều do ĐCSTQ huy động đến phản đối. Vài tuần sau, các công tố viên Mỹ bắt giữ hai người đàn ông ở New York vì nghi ngờ điều hành các “đồn cảnh sát mật” của ĐCSTQ ở nước ngoài. Trong số đó, Lư Kiến Vượng (Lu Jianwang) là một trong những đồng chủ tịch Hiệp hội Phúc Kiến ở Mỹ, ông đã lãnh đạo Hoa kiều tham gia các cuộc biểu tình do ĐCSTQ huy động khi Tổng thống Thái Anh Văn quá cảnh ở New York.

Theo BBC News, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố vào ngày 17/4/2023 rằng đã bắt giữ Lư Kiến Vượng và Trần Kim Bình (Chen Jinping, thành viên của Hiệp hội Trường Lạc Mỹ) cùng nhau thành lập đồn cảnh sát hải ngoại đầu tiên ở Mỹ, thay mặt cho Bộ Công an ĐCSTQ, địa điểm nằm trong khu phố Tàu của Manhattan.

Theo cảnh quay trên mạng, Tổng thống Thái Anh Văn đã đến thăm Hoa Kỳ từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, và bị quấy rối bởi những người gốc Hoa do ĐCSTQ huy động. Lư Kiến Vượng nằm trong số đó vào thời điểm đó. Tờ báo tiếng Trung tại Mỹ “Nhật báo Thế giới” (World Journal) đã đăng một quảng cáo toàn trang vào ngày 31/3 để phản đối việc Tổng thống Thái quá cảnh qua Mỹ. Trong số hàng trăm tổ chức Hoa kiều có tên trong danh sách phản đối, “Hiệp hội Phúc Kiến Mỹ” đứng thứ 10.

Trí Đạt (t/h)