Hôm Chủ nhật (23/7), Nhật Bản hạn chế xuất khẩu đối với 23 thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Nhật Bản chính thức tham gia nỗ lực của Hoa Kỳ, nhằm ngăn chặn Trung Quốc thu được chip cao cấp có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

chip trung quoc
(Nguồn: FOTOGRIN/ Shutterstock)

Theo Luật Ngoại hối, Nhật Bản quản lý việc xuất khẩu các sản phẩm dân sự có thể chuyển sang mục đích quân sự như vũ khí, đồng thời sửa đổi một quy định dựa trên Luật Ngoại hối, bổ sung 23 sản phẩm vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Danh sách này bao gồm các thiết bị sản xuất liên quan đến kỹ thuật quang khắc cực tím (EUV) cần thiết, để xử lý tốt các mạch bán dẫn, và các thiết bị khắc xử lý màng mỏng trên bề mặt đế để tạo mạch. Đây là những thiết bị cần thiết để sản xuất chất bán dẫn logic có độ rộng đường mạch từ 10 đến 14 nanomet trở xuống.

Nikkei cho biết, động thái này của Chính phủ Nhật Bản thực chất là nhằm thống nhất với Hoa Kỳ, quốc gia đã tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc vào tháng 10/2022. ĐCSTQ sẽ khó nhập khẩu các thiết bị làm sạch, tiếp xúc và thử nghiệm cần thiết cho việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (24/7), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Trung Quốc vô cùng bất bình, và lấy làm tiếc về việc Nhật Bản thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu định hướng rõ ràng đối với Trung Quốc. Trung Quốc cũng sẽ đưa ra những tuyên bố nghiêm khắc đối với Nhật Bản ở các cấp độ khác nhau.

Bà Mao Ninh cũng nói rằng Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản tránh các biện pháp liên quan can thiệp vào sự hợp tác bình thường trong ngành công nghiệp bán dẫn giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và Trung Quốc sẽ chú ý đến tác động của các chính sách điều tiết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói với các phóng viên: “Nhật Bản có công nghệ tiên tiến cao trong lĩnh vực thiết bị sản xuất chip bán dẫn. Là một quốc gia sở hữu nhiều công nghệ, Nhật Bản sẵn sàng thực hiện trách nhiệm ngăn chặn việc sử dụng các loại thiết bị này phục vụ cho mục đích quân sự. Chúng tôi sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế với tư cách là một quốc gia sở hữu công nghệ và góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Nikkei dẫn lời nhà nghiên cứu Yoshiaki Takayama tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, cho biết: “Việc tự sản xuất hay cả nhập khẩu các thiết bị chế tạo chip bán dẫn tiên tiến sẽ gần như vô vọng đối với Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn và trung hạn”.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế thống kê, Nhật Bản cũng là nguồn thiết bị sản xuất chất bán dẫn, chip lớn của Trung Quốc, chiếm khoảng 1/3 giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong phân khúc ngành công nghiệp chip bán dẫn này vào năm 2022.

Tháng 10/2022, Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip toàn diện và nghiêm ngặt nhất đối với Trung Quốc.

Hoa Kỳ không chỉ hạn chế xuất khẩu chip, mà lần đầu tiên còn mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn chặn người Mỹ hỗ trợ ĐCSTQ phát triển, hoặc sản xuất một số loại chip cao cấp nhất định khi không có giấy phép. Các con chip này cung cấp năng lượng cho những ứng dụng công nghệ của Trung Quốc, từ ứng dụng quân sự và trí tuệ nhân tạo đến siêu máy tính.

Chính quyền Biden cho biết, lệnh hạn chế của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Trung Quốc sử dụng chip của Hoa Kỳ, để tăng cường quân sự khi ĐCSTQ đang gia tăng mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan.

Ngoài Nhật Bản, Hoa Kỳ còn hợp tác với Hà Lan, cùng thắt chặt các hạn chế đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Ngày 30/6, Chính phủ Hà Lan thông báo, từ ngày 1/9 sẽ cấm xuất khẩu máy móc sản xuất chip cao cấp có thể dùng cho các ứng dụng quân sự tiên tiến ra nước ngoài khi không có giấy phép.

Tờ Financial Times đưa tin, 3 trong 4 bốn hệ thống in khắc chìm của nhà cung cấp máy in Hà Lan ASML sẽ phải tuân theo các quy tắc mới. Quy tắc này khiến các nhà sản xuất chip Trung Quốc không thể sản xuất chip nhỏ hơn 28nm ở quy mô thương mại.

Đối với các nhà sản xuất Trung Quốc như SMIC, những hạn chế như vậy sẽ khiến các ứng dụng tiên tiến như bộ xử lý điện thoại thông minh mới nhất và trí tuệ nhân tạo phần lớn nằm ngoài tầm với.

Bình Minh (t/h)