Gần đây, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã liên tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và hội nghị cấp cao APEC, hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo quốc tế. Có phân tích cho rằng dù vậy ĐCSTQ vẫn sẽ khó thoát khỏi tình trạng bị “quốc tế cô lập”.

Tap Can Binh
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali. (Ảnh chụp màn hình video)

Ông Tập Cận Bình liên tục gặp gỡ các nhà lãnh đạo quốc tế, sự đối kháng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn

Từ ngày 15 – 16/11, Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Bali. Ông Tập Cận Bình đã hội đàm song phương với lãnh đạo 11 nước, gồm Mỹ, Pháp, Hà Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha, Argentina, Senegal, Hàn Quốc, Australia, Indonesia và Italy.

Vào ngày thứ hai sau khi kết thúc G20, ông Tập Cận Bình đã bay tới Thái Lan để tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Singapore và Philippines.

Một trong những cuộc đàm phán song phương gây chú ý nhất là cuộc gặp Biden – Tập Cận Bình một ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh G20. Hai bên đã có cuộc hội đàm hơn 3 giờ, nhưng cục diện đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Tuyên bố sau cuộc gặp của hai bên cho thấy cuộc hội đàm giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình liên quan đến các vấn đề như nhân quyền, Đài Loan, kinh tế thương mại, chiến tranh ở Ukraine, Triều Tiên. Tuy nhiên, về các vấn đề liên quan, về cơ bản mỗi bên lại có cách nói khác nhau, ngay cả nhận thức chung cũng không thể thống nhất được.

Cơ quan truyền thông Tân Hoa Xã của ĐCSTQ thậm chí đã xóa một số nội dung chính của ông Biden khi tường thuật bài phát biểu của ông, cách diễn đạt rất khác với tuyên bố của phía Mỹ.

Sau cuộc họp, ông Biden cho biết trong một cuộc họp báo riêng: “Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích và giá trị của Mỹ, thúc đẩy nhân quyền phổ quát, duy trì và bảo vệ trật tự quốc tế, hợp tác một cách nhịp nhàng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi.” Ông Biden còn nói: “Chúng ta sẽ có một cuộc cạnh tranh gay gắt, nhưng tôi không tìm kiếm xung đột.”

Phân tích: ĐCSTQ tính toán cẩn thận việc sẽ gặp lãnh đạo quốc gia nào

Ngoài cuộc với Tổng thống Mỹ Biden, ông Tập Cận Bình còn gặp Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Argentina Fernandez, Tổng thống Senegal Sall, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Úc Albanese, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Hà Lan Rutte, Thủ tướng Ý Meloni và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Vương Hách (Wang He) nói với Epoch Times hôm 18/11 rằng ĐCSTQ đã chọn gặp các nhà lãnh đạo nêu trên sau khi tính toán cẩn thận.

Ví dụ, khi ông Tập Cận Bình gặp ông Macron, ông “hy vọng rằng phía Pháp sẽ thúc đẩy EU tiếp tục theo đuổi chính sách độc lập và tích cực đối với Trung Quốc”. Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức Scholz, phía Đức đã có được một đơn đặt hàng lớn, và ĐCSTQ đã sử dụng điều này như một phương tiện để thu hút Pháp.

Khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, ông Tập Cận Bình hy vọng rằng Hàn Quốc sẽ duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, và ngăn chặn Hàn Quốc tham gia vào “liên minh chip bốn bên” “liên minh quân sự ba bên Mỹ – Nhật – Hàn”. Ông Yoon Suk-yeol là một người bảo thủ, sau khi nhậm chức vào tháng 7 năm nay, ông bắt đầu củng cố quan hệ giữa Nhật – Mỹ – Hàn, khiến cho ĐCSTQ rất căng thẳng.

Ý đồ của ông Tập Cận Bình khi gặp Thủ tướng Ý Meloni là liên quan đến vấn đề Đài Loan. Ông Vương Hách nói rằng trong thời gian tranh cử thủ tướng, bà Meloni rất cứng rắn với ĐCSTQ và ủng hộ Đài Loan. Cuộc gặp với Thủ tướng Úc Albanese là ĐCSTQ muốn dùng biện pháp trừng phạt kinh tế để buộc tân thủ tướng phải nhượng bộ.

Ông Vương Hách cho rằng quan hệ Trung – Mỹ ảnh hưởng đến thái độ và cách nhìn của các nước khác đối với ĐCSTQ, hiện tại ĐCSTQ đang rất bị động, tình hình quốc tế vẫn rất xấu đối với họ.

ĐCSTQ Không hài lòng với việc Canada “thân Mỹ chống cộng”

Ngoài cuộc hội đàm chính thức với lãnh đạo 14 nước, cuộc nói chuyện ngắn giữa ông Tập Cận Bình với Thủ tướng Canada Trudeau đã khiến bên ngoài dậy sóng.

Ông Trudeau và Tập Cận Bình đã có một cuộc trò chuyện ngắn khoảng 10 phút vào ngày 15/11, nhưng các quan chức ĐCSTQ đã không đưa nó vào phạm vi cuộc gặp. Theo một thông cáo báo chí của Chính phủ Canada, ông Trudeau đã bày tỏ “rất quan tâm” về việc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang của Canada, đồng thời thảo luận về vấn đề Nga xâm lược Ukraine.

Vào ngày 16/11, khi hai người gặp nhau tại đại sảnh, ông Tập Cận Bình bày tỏ sự không hài lòng với ông Trudeau vì đã tiết lộ “cuộc trò chuyện riêng tư” của họ với giới truyền thông, đồng thời đe dọa rằng nếu họ không dùng thái độ tôn trọng để trao đổi, “kết quả này sẽ khó nói”. 

Thủ tướng Trudeau cho biết một “cuộc đối thoại tự do, cởi mở và thẳng thắn” sẽ tiếp tục. Ông Tập Cận Bình trả lời ngắn gọn, “tạo điều kiện, tạo điều kiện.” Sau đó, ông bắt tay ông Trudeau và bước đi.

Đoạn video này ngay lập tức trở nên phổ biến trên Internet, thậm chí Canada còn có nhiều cuộc tranh luận. Nhiều người đã chỉ trích ông Tập Cận Bình và bá quyền Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Trudeau và Chính phủ Canada chống lại ĐCSTQ. Đoạn video đã bị “cấm” trên các nền tảng truyền thông xã hội và truyền thông của ĐCSTQ.

Về vấn đề này, nhà bình luận Vương Hách cho rằng nhìn bề ngoài, ông Tập Cận Bình có thể không thích nghi với cách thức hoạt động của các phương tiện truyền thông phương Tây và các nhân vật của công chúng, nhưng “ĐCSTQ luôn hoạt động trong một chiếc hộp đen, trong khi các nhà lãnh đạo của các xã hội phương Tây tương tác rất thường xuyên với giới truyền thông và về vấn đề chính trị thì lại càng có mức độ an toàn hơn.”

Lý do sâu xa là chính sách “thân Mỹ và chống cộng” của Canada đã trở nên rõ ràng, mạng 5G loại trừ Huawei và cấm các công ty Trung Quốc mua tài nguyên khoáng sản quý hiếm của Canada, trong khi Mỹ đã tham gia vào các dự án khai thác của Canada. Cùng với sự cố Mạnh Vãn Châu trước đó, quan hệ Trung Quốc – Canada sẽ không bao giờ trở lại như xưa.

Nhật Bản là người thực hiện “thiên hạ vây cộng”

Sau Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình đã đến Thái Lan để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Singapore và Philippines. Trong số đó, điều thu hút sự chú ý nhất là cuộc hội đàm của ông với Thủ tướng Nhật Bản Kishida.

Vào tối ngày 17/11, ông Kishida lần đầu tiên có cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Tập Cận Bình và cuộc hội đàm kéo dài khoảng 45 phút.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin vào ngày 18/11 rằng Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về việc cùng nhau xây dựng mối quan hệ song phương mang tính xây dựng và ổn định, đồng thời thúc đẩy các cuộc đối thoại cấp thủ tướng và cấp bộ trưởng. Ông Kishida bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku (ĐCSTQ gọi là đảo Điếu Ngư), và các hoạt động quân sự của Trung Quốc như phóng tên lửa đạn đạo.

Ông Tập Cận Bình nói rằng vấn đề Đài Loan và nhân quyền là công việc nội bộ, không chấp nhận sự can thiệp từ các quốc gia khác. Tầm quan trọng của quan hệ song phương Trung – Nhật không thay đổi, tương lai cũng sẽ không thay đổi.

Sau cuộc hội đàm, ông Kishida nói với giới truyền thông rằng quan hệ Nhật  – Trung đang đối mặt với nhiều thách thức, và các vấn đề chưa được giải quyết, đồng thời có nhiều khả năng hợp tác.

Ông Vương Hách nói rằng ngoài các cuộc đàm phán Trung – Mỹ, ĐCSTQ quan tâm nhất đến các cuộc đàm phán Trung – Nhật. Do quá trình đàm phán hai bên không bố trí được nên đã bố trí để nói chuyện tại APEC, và cuộc nói chuyện chỉ kéo dài 45 phút.

Ông nói: “Trung Quốc và Nhật Bản đối kháng quá nghiêm trọng. Nhật Bản và Mỹ là đồng minh, và ĐCSTQ có rất ít đòn bẩy để kiềm chế Nhật Bản, đặc biệt là trong tranh chấp về quần đảo Điếu Ngư, cả bên không nhượng bộ nhau. Trong tình huống thế này, nói nhiều cũng không có tác dụng gì, chỉ kết thúc một cách vội vàng.”

Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa quân sự lớn đối với Đài Loan, và Nhật Bản đã nói rất rõ ràng: “Đài Loan xảy ra chuyện thì chính là Nhật Bản xảy ra chuyện, chính là đồng minh Nhật, Mỹ  xảy ra chuyện.” Ông Vương Hách nói: “Nhật Bản hiện nay được gọi là người thực thi ‘thiên hạ vây cộng’ một cách thực sự. Hơn nữa, về phương diện ngoại giao thì vô cùng nhất trí. Nhật Bản đã khởi được một số tác dụng mà Mỹ không khởi tác dụng được, sự phối hợp rất tốt với Mỹ, do đó ĐCSTQ rất kiêng dè Nhật Bản.”

Phân tích: ĐCSTQ không thể nào thoát được  sự “cô lập của quốc tế”

Mặc dù ông Tập Cận Bình thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới, nhưng ĐCSTQ cũng không thể thoát khỏi xu hướng chung là sự “cô lập quốc tế”. Ông Vương Hách nói rằng ĐCSTQ kiên trì theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong ngoại giao, điều này rất trái ngược với các giá trị phổ quát quốc tế. Do đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai quốc gia, mà còn là cuộc đối đầu giữa hai chế độ và hai hệ tư tưởng. Ông Biden nói đây là cuộc đối kháng giữa dân chủ và chuyên chế.

Đặc biệt là trong cuộc chiến Nga – Ukraine, ông Vương Hách nói rằng ĐCSTQ ủng hộ Nga và tham gia vào các mối đe dọa quân sự ở Đài Loan, và các quốc gia khác sẽ thấy rằng không thể cùng tồn tại hòa bình với ĐCSTQ.

Ông nói: “Trong quá khứ, ĐCSTQ có thể dùng tiền để mở đường, nhưng hiện nay tình hình kinh tế của Trung Quốc suy thoái trong dài hạn. Chính sách zero COVID khiến ngoại giới phản cảm, sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20, giọng điệu chuyển hướng tả rất cứng rắn. Một quốc gia lớn thế, trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị lại không có một ai hiểu về kinh tế. Mọi người đều cảm thấy theo ĐCSTQ sẽ không có ích lợi gì, vậy tại sao lại phải chơi cùng.”

Ông Vương Hách nói cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc nghiêm trọng đến mức tất cả các quốc gia phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, những ngày này sẽ ngày càng khó, có thể ngày càng khó khăn hơn.