Ông Yoon Suk-yeol cho biết hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ được tổ chức vào thứ Sáu tuần này (18/8), là một dấu mốc mới trong hợp tác ba bên. Vị Tổng thống Hàn Quốc cứng rắn với Bắc Kinh này cũng chỉ trích chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa toàn trị luôn ngụy trang thành dân chủ, nhân quyền và tiến bộ, “Chúng ta không được để chúng lừa dối”.

GettyImages 1256659377
Ngày 21/5/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đứng giữa trong hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP/ qua Getty Images)

Vào thứ Ba (ngày 15/8), ông Yoon Suk-yeol đã tham dự lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Giải phóng (thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản) tại khán phòng của Đại học Nữ sinh Ewha và có bài phát biểu. Ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ nên tăng cường hợp tác an ninh để bảo vệ chống lại các mối đe dọa tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn – Mỹ – Nhật là ‘cột mốc mới trong quan hệ ba bên’

Dự kiến ông Yoon Suk-yeol sẽ ​​​​gặp Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại khu nghỉ dưỡng tổng thống Trại David (Camp David) ở tiểu bang Maryland, Mỹ vào thứ Sáu (18/8). Tại đây họ sẽ khởi động một loạt sáng kiến ​​chung về công nghệ, giáo dục và quốc phòng.

Theo nguồn tin tiết lộ, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản dự kiến ​​sẽ công bố hợp tác quân sự mở rộng trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo và phát triển công nghệ, cũng như một loạt các sáng kiến ​​chung.

Ông Yoon Suk-yeol nói: “Hội nghị thượng đỉnh lần này là một cột mốc mới cho sự hợp tác ba bên và đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022, ông Yoon Suk-yeol đã tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Trước đó, quan hệ giữa hai nước đã rơi vào bế tắc vì các vụ kiện của các nạn nhân Hàn Quốc làm lao động cho thực dân Nhật Bản.

Chính phủ của ông Yoon Suk-yeol đã thực hiện các bước để bồi thường cho các nạn nhân bằng “Quỹ bồi thường công cộng” của Hàn Quốc thay vì tiền của Nhật Bản và đã đến thăm Tokyo vào tháng 3. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau 12 năm.

Tháng trước, Nhật Bản đã khôi phục Hàn Quốc trở thành quốc gia ưu tiên với quy chế thương mại nhanh, chấm dứt tranh chấp kinh tế kéo dài 4 năm.

Mỹ có các thỏa thuận phòng thủ tập thể chính thức với Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ hy vọng Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác chặt chẽ hơn.

Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận vào tháng 6, cam kết ba nước sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu về mối đe dọa cảnh báo sớm theo thời gian thực đối với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trước cuối năm nay. Đây là một bước quan trọng đối với ba nước trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh từ Bình Nhưỡng.

Ông Yoon Suk-yeol: Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản chia sẻ các giá trị phổ quát

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, trong bài phát biểu của mình, ông Yoon Suk-yeol nói: “Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là đối tác chia sẻ các giá trị chung và theo đuổi lợi ích chung”, đồng thời cam kết tăng cường trao đổi về các vấn đề an ninh và kinh tế.

Ông tin rằng Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có thể thực hiện hợp tác và trao đổi hướng tới tương lai với tư cách là đối tác kinh tế và an ninh, để cùng nhau đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Ông cũng đề cập rằng liên minh Hàn Quốc – Mỹ cũng là một liên minh hòa bình và thịnh vượng dựa trên các giá trị phổ quát. Trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực, tầm quan trọng của hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày càng trở nên nổi bật.

Ông nói: “Các thế lực cộng sản và toàn trị luôn ngụy trang thành những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và tiến bộ, không ngừng kích động và thực hiện những thủ đoạn đê hèn ngược lại với luân lý làm người”, ông cũng cho biết, “Chúng ta tuyệt đối không thể bị lừa dối hoặc khuất phục trước các thế lực toàn trị và tay sai của chúng.”

Ông nhắc nhở rằng hiện nay, “các thế lực chống phá nhà nước mù quáng theo chủ nghĩa toàn trị cộng sản, bóp méo, kích động, thao túng ngôn luận, gây rối loạn xã hội vẫn còn hoành hành”.

Cùng ngày (thứ Ba, ngày 15/8), hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi thư hứa hẹn phát triển cái mà ông Kim Jong-un gọi là “mối quan hệ chiến lược lâu dài”.

Mỹ chỉ trích Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga, bao gồm đạn pháo, tên lửa vác vai và tên lửa, trong cuộc chiến ở Ukraine. Trong khí đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin hôm thứ Hai (ngày 14/8) rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh tăng mạnh việc sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng và Moscow đã phủ nhận việc có bất cứ thỏa thuận vũ khí nào.