Hôm thứ Hai (15/1), Tổng Tham mưu trưởng Brawner của Lực lượng vũ trang Philippines cho biết, Manila đang chuẩn bị cải thiện cơ sở vật chất quân sự và sinh hoạt trên các đảo và rạn san hô do Philippines chiếm đóng ở Biển Đông, để coi chúng là một phần của lãnh thổ nhằm thích hợp hơn cho việc đồn trú của quân đội.

Romeo Brawner Jr
Ông Romeo Brawner Jr. , người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Philippines. (Ảnh chụp màn hình video)

Sau khi tham dự cuộc họp của các chỉ huy quân sự do Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. chủ trì tại trụ sở Lực lượng Vũ trang Philippines, ông Brawner đã đưa ra tuyên bố trên trong trả lời phỏng vấn truyền thông.

Theo một nhận định từ Reuters, trong bối cảnh quân đội Philippines triển khai kế hoạch cải thiện quân sự và cơ sở sinh hoạt trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông, cuộc đối đầu quân sự giữa Philippines và Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông ngày càng gia tăng, cả hai bên đều cáo buộc bên kia xâm phạm và khiêu khích.

Philippines hiện chiếm tổng cộng 9 hòn đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông, trong đó có Bãi Cỏ Mây – thuộc cụm Bình Nguyên – quần đảo Trường Sa của Việt Nam (tên tiếng Anh: Second Thomas Shoal, Philippines gọi là Ayunjin và Trung Quốc gọi là Đá Nhân Ái), nơi gần đây thường xuyên xảy ra va chạm tàu của Philippines với tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Vào năm 1999 Philippines đã cho một tàu vận tải xe tăng cũ cập cảng ở đây và cử thủy quân lục chiến đến bảo vệ, đã nhiều lần Philippines từ chối yêu cầu của Trung Quốc cho kéo con tàu rời khỏi khu vực này.

Philippines kiên quyết khẳng định chủ quyền đối với các đảo và rạn san hô này, cho rằng vì chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Reuters dẫn lời ông Brauner: “Chúng tôi muốn cải thiện điều kiện trên tất cả 9 thực thể, đặc biệt là những thực thể chúng tôi chiếm giữ”.

Hòn đảo lớn nhất và quan trọng nhất về mặt chiến lược mà Philippines chiếm đóng ở Biển Đông là Đảo Thị Tứ –  quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Philippines gọi là Pag-Asa, còn Trung Quốc gọi là Zhongye), nằm cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 480 km về phía Tây.

Ông Brauner nói với các phóng viên rằng quân đội Philippines cũng hy vọng sẽ cung cấp máy khử muối cho binh lính trên tàu chiến tại Bãi cạn Second Thomas.

Biển Đông không chỉ giàu tài nguyên mà còn là tuyến đường thủy quan trọng cho thương mại toàn cầu, đường thủy này mỗi năm lưu thông lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn 3000 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần Biển Đông.

Riêng giữa giữa Trung Quốc và Philippines trong vấn đề ở Biển Đông, tình hình hiện nay nhìn chung ổn định nhưng tranh chấp chủ quyền ngày càng gia tăng.

Tàu của Trung Quốc và Philippines không chỉ xảy ra đối đầu, va chạm ở vùng biển gần Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Bãi cạn Huangyan) và Bãi Cỏ Mây (tức Bãi cạn Second Thomas), các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã và đang ngăn chặn các tàu Cảnh sát biển Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây, dùng vòi rồng tấn công các tàu Philippines khi cố gắng vượt qua cản trở của tàu Trung Quốc.

Vào tháng 8/1951 Philippines và Mỹ đã ký “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines”. Hai bên cam kết duy trì và phát triển khả năng “chống lại các cuộc tấn công vũ trang” dưới hình thức “tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau”, và nếu một trong hai bên bị bên thứ ba “tấn công vũ trang” thì hai nước sẽ đàm phán và hành động để “đối phó với các mối đe dọa chung”.

Tờ SCMP dẫn lời ông Brauner cho hay, trong hoạt động liên quan đến các thực thể tại Biển Đông, Tổng thống Marcos Jr. của Philippines đã yêu cầu quân đội chuyển trọng tâm  từ an ninh quốc phòng sang bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, theo đó tranh thủ sự hỗ trợ của các đồng minh quốc tế. Reuters dẫn lời ông Brauner cho biết kế hoạch hiện đại hóa quân đội Philippines còn bao gồm việc mua thêm tàu, radar và máy bay.

Năm 2016 Tòa án Trọng tài Quốc tế ở The Hague đã ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kết luận rằng yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò, đường chữ U) của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên quyền lịch sử là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc từ chối tham gia trọng tài và từ chối chấp nhận kết quả trọng tài phán quyết.