Philippines hôm thứ Hai (25/3) đã triệu tập đại biện lâm thời Trung Quốc tại Manila để phản đối “những hành động gây hấn” trên Biển Tây Philippines (Việt Nam gọi là Biển Đông) vào cuối tuần qua, theo Reuters đưa tin.

Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc hôm thứ Bảy (23/3) đã sử dụng vòi rồng phun nước vào một thuyền dân sự đang tiếp tế cho quân đội tại Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal). Bộ này cho biết vụ việc đã làm hư hỏng thuyền dân sự và làm bị thương một số thủy thủ đoàn.

Sự can thiệp liên tiếp của Trung Quốc vào các hoạt động thường xuyên và hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là không thể chấp nhận được”, Bộ Ngoại giao Philippines phát đi tuyên bố cho hay. Tuyên bố này cũng loan báo đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã được triệu tập và thư kháng nghị ngoại giao cũng đã được gửi tới Bắc Kinh.

[Hành động đó] vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”, Bộ Ngoại giao Philippines nói, đồng thời yêu cầu các thuyền của Trung Quốc hãy rời vùng biển này.

Bộ Ngoại giao Philippines nói thêm rằng nước này “đã đang nỗ lực chân thành để thực thi theo chỉ đạo của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để làm giảm căng thẳng”.

Những hành động gây hấn của Trung Quốc khiến người ta hoài nghi về sự chân thành của họ trong việc làm giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa bình”, Bộ Ngoại giao Philippines nói thêm.

Hải cảnh Trung Quốc nói sau vụ việc tại Bãi Cỏ Mây hôm thứ Bảy (23/3) rằng họ đã thực hiện những biện pháp cần thiết để chống lại các tàu Philippines đang xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, gồm cả Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm (320km) của Philippines.

Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Rạn vòng này nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn và cách bãi Sa Bin 35 hải lý về phía tây. Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc”, theo Wikipedia.

Philippines năm 1999 đã cố tình neo đậu một tàu chiến cũ tại Bãi Cỏ Mây, coi đó là biện pháp thúc đẩy tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và từ đó cũng đã duy trì một tiểu đội nhỏ quân nhân ở đây.

Trung Quốc đã đang triển khai hàng trăm tàu hải cảnh khắp Biển Đông để tuần tra vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, bất chấp Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 đã phán quyết tuyên bố của Trung Quốc là không có căn cứ theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết này trong một vụ kiện do Philippines đệ trình.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau vụ việc phun vòi rồng vào tàu dân sự Philippines hôm 23/3 đã yêu cầu Manila hãy dừng những hành động và những bình luận mang tính khiêu khích mà có thể dẫn tới xung đột và leo thang.

Trong một bình luận có lẽ là để đáp trả Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nói hôm thứ Hai (25/3) rằng Trung Quốc nên thể hiện sức mạnh về các tuyên bổ chủ quyền biển thông qua trọng tài hơn là hành động mập mờ.

Nếu Trung Quốc không sợ tuyên bố với thế giới về yêu sách chủ quyền của họ, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?” Bộ trưởng Teodoro nói với báo giới.

Không nước nào tin vào (yêu sách chủ quyền của họ) và họ coi tuyên bố này là cách thức để sử dụng vũ lực, bắt nạt và uốn Philippines theo tham vọng của họ”, ông Teodoro nói thêm.

Các lãnh đạo an ninh Philippines hôm thứ Hai (25/3) đã triệu tập một cuộc họp cấp cao về vụ việc tại Bãi Cỏ Mây cuối tuần qua. Cuộc họp này được cho là để chuẩn bị những khuyến nghị về các cách thức ứng phó với tranh chấp trên biển trình lên Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Kề tử khi lên cầm quyền tại Philippines năm 2022, ông Ferdinand Marcos Jr đã áp dụng đường lối cứng rắn chống lại những gì mà ông coi là sự thù địch của Trung Quốc và đã từ chối quỳ gối trước áp lực của Bắc Kinh yêu cầu ông phải né tránh những tuyên bố chủ quyền của họ.

Hải Đăng