Dù lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và có tuyên bố chung cho thấy hai bên tăng cường hợp tác bao gồm cả về quân sự và an ninh, tuy nhiên có quan chức Mỹ cho biết động thái đó không làm thuyên giảm hợp tác chặt chẽ trong quan hệ Việt – Mỹ.

Tap Can Binh 2
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính ra sân bay quốc tế Nội Bài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc thăm Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam cách đây ba tháng tuyên bố sẽ nâng quan hệ Mỹ-Việt lên “đối tác chiến lược” ngang hàng với quan hệ Việt-Trung và Việt-Nga, tuần trước Việt Nam lại đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước và tuyên bố tăng cường toàn diện quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Về những diễn biến này, Reuters chỉ ra rằng Hà Nội một lần nữa thể hiện đầy đủ sở trường “ngoại giao cây tre”.

Theo nguồn tin Reuters, giới chức Mỹ dường như không cho rằng tuyên bố chung do Trung Quốc và Việt Nam đưa ra sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng như vấn đề tăng cường quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể ảnh hưởng và tác động đến hợp tác Mỹ-Việt Nam.

Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam là Cameron Thomas-Shah nói với Reuters: “Mối quan hệ của chúng tôi với Việt Nam không nhằm chống lại bất kỳ nước thứ ba nào”.

“Hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực vẫn sẽ tiếp tục, bao gồm y tế, giáo dục, công nghệ và thương mại…”, ông trả lời câu hỏi của Reuters.

Reuters đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phản hồi.

Sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam, hai bên đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác cấp cao giữa quân đội hai nước, bao gồm tăng cường hợp tác trong công nghiệp quốc phòng, hợp tác chung diễn tập và huấn luyện, dịch vụ y tế, gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Trong khi đó Mỹ cũng đang nỗ lực tăng cường hợp tác với Việt Nam về quân sự, an ninh, công nghiệp quân sự và hậu cần.

Chuyên gia về vấn đề an ninh Việt Nam tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc là Carl Thayer nói với Reuters rằng, “những mục tiêu hoành tráng” của Việt Nam và Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng đến hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và Washington.

Có một đoạn trong tuyên bố chung Trung-Việt được cho là ám chỉ Mỹ, tuyên bố rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ “Tăng cường trao đổi thông tin tình báo song phương, chống can thiệp, chống gây chia rẽ, đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác ngăn chặn diễn biến hòa bình, cách mạng màu, gây chia rẽ của các thế lực thù địch phản động”.

Về vấn đề này, giáo sư Zachary Abuza về chính trị Đông Nam Á tại Học viện Chiến tranh Washington nói với Reuters: “Việc nhấn mạnh ‘thế lực thù địch’ không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhắc nhở điều này vào tai các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhưng đừng phóng đại sự hợp tác giữa hai nước trong vấn đề này. Họ sẽ không chia sẻ thông tin tình báo”.

Cựu tùy viên quân sự Raymond Powell tại Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam hiện đang chỉ đạo Dự án Myoushu tại Đại học Stanford cho biết: “Có sự khác biệt giữa các tuyên bố ngoại giao của Việt Nam và những vấn đề quan tâm an ninh thực tế của họ… Hà Nội sẽ tiếp tục tìm ra một nền tảng trung gian an toàn giữa việc xoa dịu những kỳ vọng chính trị của Bắc Kinh và các mối đe dọa do Trung Quốc đặt ra – đặc biệt là lập trường của họ về Biển Đông”.

Theo Reuters