Đông đảo cử tri Đảng Cộng hòa Mỹ ủng hộ loại bỏ các Viện Khổng Tử khỏi các trường tiểu học, trung học và đại học của Mỹ, có 60% trong số họ yêu cầu có lập trường cứng rắn đối với các lớp học ngôn ngữ và văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

p2883851a935662577
Tòa nhà Viện Khổng Tử tại Đại học Troy ở Alabama. (Ảnh: Wikipedia / Kreeder13 / CC BY-SA 4.0)

Gần đây, DailyMail.com/TIPP đã tiến hành một cuộc thăm dò tìm hiểu nhận thức của người Mỹ về Viện Khổng Tử. Kết quả cho thấy cử tri Đảng Cộng hòa là nhóm phản đối Viện Khổng Tử mạnh mẽ nhất với 60% muốn chấm dứt ảnh hưởng của ĐCSTQ trong các trường phổ thông và đại học Mỹ. Tính trên toàn nước Mỹ có 40% ủng hộ việc đóng cửa các Viện Khổng Tử, trong khi 39% phản đối, còn 21% khác cho biết không chắc chắn.

Đảng Cộng hòa trở thành bên ủng hộ chính cho việc đóng cửa Viện Khổng Tử. Tổng thống Trump trước đây đã chỉ định Viện Khổng Tử ở Mỹ là cơ quan đại diện nước ngoài của ĐCSTQ; qua đó yêu cầu viện này phải báo cáo thông tin cho Chính phủ Mỹ về kinh phí, nhân sự, các khóa học và các hoạt động khác. Cựu Đại sứ Haley của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo ĐCSTQ đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho các trường đại học Mỹ, họ dùng Viện Khổng Tử để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản.

Theo dự thảo chính sách do Quỹ Di sản (Heritage Foundation) đề xuất, nếu ông Trump thắng trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2024, ông ấy có thể cấm Viện Khổng Tử như đối với TikTok – một ứng dụng mạng xã hội có quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jim Banks và Marco Rubio cũng đã đưa ra dự luật SPIIES nhằm thắt chặt các hạn chế tài trợ đối với các tổ chức giáo dục đại học nước ngoài do Viện Khổng Tử tổ chức.

Báo cáo: “Những lớp học Đỏ nho nhỏ”

Tháng trước, một báo cáo do tổ chức phi lợi nhuận Parent Defending Education công bố cho thấy ĐCSTQ chưa từ bỏ việc thâm nhập vào hệ thống giáo dục K-12 của Mỹ. Báo cáo có tiêu đề “Những lớp học Đỏ nho nhỏ” (Little Red Classrooms) tiết lộ rằng trong 14 năm qua ĐCSTQ đã tài trợ cho các trường công lập Mỹ hơn 17 triệu USD.

Nguồn vốn đến từ các tổ chức như Hán Ban (Hanban), Trung tâm Trao đổi Ngoại ngữ và Quỹ Giáo dục Quốc tế Trung văn của ĐCSTQ đã đi vào hệ thống Viện Khổng Tử và các chương trình văn hóa và ngôn ngữ khác tới 143 khu học chánh ở 34 tiểu bang và Washington, D.C.

Những trường được tài trợ này không chỉ bao gồm tại các thành phố lớn như New York và Los Angeles, còn bao gồm một số khu vực xa xôi như bang Arizona. Báo cáo tiết lộ sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường học ở Trung Quốc và Mỹ, với ít nhất 7 hợp đồng vẫn còn hiệu lực ở Texas, Kentucky, Minnesota, Oklahoma, Oregon và Washington.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ có quan hệ với các khu học chánh của gần 20 căn cứ quân sự của Mỹ, thậm chí còn ảnh hưởng đến một số trường trung học khoa học và công nghệ hàng đầu ở Mỹ, chẳng hạn như vấn đề hợp tác giữa Trường Trung học Khoa học và Công nghệ Thomas Jefferson ở Virginia Mỹ và Trường Trung học trực thuộc Đại học Thanh Hoa tại Trung Quốc.

Báo cáo cảnh báo dù Mỹ không chính thức là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, nhưng ĐCSTQ đang sử dụng các dự án văn hóa này để thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Báo cáo lưu ý: “Điều quan trọng là cung cấp cho học sinh cơ hội học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong trường học, nhưng các trường học ở Mỹ không nên cho phép ĐCSTQ tiếp cận học sinh của chúng ta một cách tự do”.

ĐCSTQ lập luận rằng các Viện Khổng Tử mà họ quản lý được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của Hoa kiều về giáo dục Trung Quốc chứ không phải là một cơ quan tuyên truyền. ĐCSTQ so sánh các Viện Khổng Tử với Liên minh Pháp và Viện Goethe – những tổ chức quảng bá ngôn ngữ Pháp và Đức cũng như văn hóa của Pháp và Đức ở nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng Viện Khổng Tử bị ĐCSTQ kiểm duyệt liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, Tây Tạng và Đài Loan.

Chủ tịch Nicki Neily của Parent for Education cho biết trong một tuyên bố rằng báo cáo đã đưa ra bằng chứng gây sốc đáng được phụ huynh, các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách quan tâm.