Khi tới thủ đô Brussels của Bỉ vào ngày 26/10 tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU gồm 27 quốc gia, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, ông tự hào về cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông nhận định việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở với Nga là rất quan trọng đối với “chiến lược hòa bình” của nước này.

Orban Putin
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Hungary Orban đã có một cuộc họp hôm 17/10 tại Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video)

Hôm 17/10, Tổng thống Putin và Thủ tướng Orban đã có cuộc gặp bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Thủ tướng Orban đã bắt tay Tổng thống Nga Putin ở Bắc Kinh.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Nga và Hungary kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Cuộc gặp gỡ này khiến ông Orban vấp phải sự chỉ trích của các lãnh đạo phương Tây.

Khi ông Orban đến Brussels dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, ông được hỏi sẽ giải thích vấn đề này với các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) khác như thế nào và liệu ông có xin lỗi vì đã bắt tay ông Putin hay không. Thủ tướng Orban liên tục nói không. Ông giải thích, Hungary có chính sách rất rõ ràng và minh bạch về vấn đề này. Điều này khác với hầu hết các chính sách khác, và có thể khác với chiến lược của những nước khác.

Thủ tướng Orban phát biểu với phóng viên ngày 26/10: “Nga và Hungary có chung nước láng giềng là Ukraine. Chúng tôi có chiến lược hòa bình. Chúng tôi muốn làm mọi thứ để có được hòa bình. Vì vậy, chúng tôi luôn mở mọi đường dây liên lạc với Nga. Nếu không sẽ không có cơ hội cho hòa bình. Chúng tôi tự hào về chiến lược đó”.

Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi là những người duy nhất lên tiếng thay mặt và ủng hộ hòa bình, điều này có lợi cho tất cả mọi người ở châu Âu”.

Tuy nhiên, mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Hungary, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và cũng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khiến phương Tây lo ngại.

Đại sứ các nước NATO tại Hungary đã họp khẩn ngay sau cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Orban. Tại đây, các nhà ngoại giao của NATO đã thảo luận về “những lo ngại an ninh” xung quanh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Hungary.

Tuy là thành viên của NATO và EU, nhưng Hungary phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, và không tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Hungary cũng là một trong những trở ngại đối với kế hoạch mở rộng thành viên của NATO.

Hungary được coi là đối thủ tiềm năng chính trong cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine vào cuối năm nay. Nếu các cuộc đàm phán gia nhập của Ukraine bắt đầu, nước này sẽ cần sự ủng hộ nhất trí của 27 quốc gia thành viên EU.

Bình Minh (t/h)