Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định rằng Israel không có kế hoạch chiếm đóng lâu dài Gaza và không tìm cách di dời dân thường ở đó. Nhà nước Do Thái đang phải đối mặt với sự giám sát và áp lực ngày càng tăng của quốc tế đối với chiến dịch quân sự kéo dài nhiều tháng của họ, bao gồm cả cáo buộc “diệt chủng” do Nam Phi đưa ra.

GettyImages 1692259201 scaled
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tham dự cuộc họp nội các hàng tuần tại văn phòng của ông ở Jerusalem vào ngày 27 tháng 9 năm 2023. (Ảnh ABIR SULTAN/POOL/AFP, Getty Images)

Trong một bài phát biểu ngắn qua video được đăng bằng tiếng Anh vào tối thứ Tư (10/1), Thủ tướng Netanyahu đã tìm cách làm rõ một số điểm, tuyên bố rằng các hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không nhắm mục tiêu vào những người không tham chiến ở Gaza và chỉ tập trung vào các chiến binh Hamas.

Thủ tướng Israel nhấn mạnh: “Israel không có ý định chiếm đóng vĩnh viễn Gaza hoặc di dời dân thường ở khu vực này. Israel đang chiến đấu với những kẻ khủng bố Hamas, chứ không phải với người dân Palestine, và chúng tôi đang làm điều đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.” Ông lưu ý, quân đội Israel đang làm “hết sức” để tránh gây thương vong cho dân thường, trong khi Hamas sử dụng người dân làm “lá chắn sống”

Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh, mục tiêu chính của Israel là “loại bỏ những kẻ khủng bố Hamas ra khỏi Gaza và giải phóng các con tin của chúng tôi,” sau đó khu vực này sẽ được “phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa.” Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel không nói rõ mục tiêu đó đòi hỏi phải làm gì.

Tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra trong bối cảnh Israel sắp phải đối mặt với các cáo buộc diệt chủng trước Tòa án Công lý Quốc tế trong vụ kiện do Nam Phi đưa ra. Nam Phi là một trong những quốc gia ngày càng chỉ trích gay gắt cuộc tấn công dữ dội của Israel ở Gaza. Cơ quan tư pháp toàn cầu này sẽ tổ chức các buổi họp vào cuối tuần này để xem xét liệu Israel có vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 hay không. Công ước này là một thỏa thuận cấm bất kỳ “hành vi nào được thực hiện với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo.”

Pretoria (thủ đô của Nam Phi) đã yêu cầu một phán quyết khẩn cấp, trong đó yêu cầu Israel tạm dừng chiến dịch quân sự ở Gaza. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa giải thích rằng vụ kiện được đưa ra là do Israel “liên tục tàn sát” dân thường Palestine.

Hôm thứ Tư (10/1), phát ngôn viên Eylon Levy của Chính phủ Israel cũng đề cập đến các thủ tục tố tụng này, bác bỏ cáo buộc diệt chủng của Nam Phi. Ông chỉ trích đây là một ví dụ về “cáo buộc máu” chống Do Thái, đồng thời cáo buộc Nam Phi đang cung cấp “vỏ bọc chính trị và pháp lý cho Chế độ Hãm hiếp Hamas.”

Nam Phi không phải quốc gia duy nhất chỉ trích hoạt động mới nhất của IDF. Một số tổ chức nhân quyền, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, cũng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc sắp xảy ra do sự bắn phá và phong tỏa của Israel.

Trong cuộc họp báo tuần trước, người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ Martin Griffiths cho biết, Gaza đã trở nên hoang tàn sau các cuộc không kích và pháo kích của IDF. Ông lưu ý rằng, 2,3 triệu dân của khu vực này phải đối mặt với “những mối đe dọa hàng ngày đối với sự tồn tại của họ.” Ông mô tả Gaza là “không thể ở được” sau 3 tháng chiến tranh, đồng thời cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng các hàng hóa thiết yếu.

Theo các quan chức Gaza, hơn 23.000 người ở Gaza đã thiệt mạng kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự nhằm trả đũa cuộc tấn công khủng bố đẫm máu của Hamas vào Israel hồi tháng 10, khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Nhóm chiến binh Hamas người Palestine cũng bắt giữ hơn 200 con tin, mặc dù khoảng một nửa trong số đó đã được thả trong các cuộc trao đổi tù nhân giữa các bên tham chiến.

Anh Hùng, theo RT