Hôm thứ Hai (30/10), Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel thông báo, Hoa Kỳ đã bắt đầu mua hải sản của Nhật Bản, để cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại nước này. Ông cho rằng đây là một phần của “cuộc chiến kinh tế” chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Rahm Emanuel
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ mới được bổ nhiệm của Hoa Kỳ tại Nhật Bản (Ảnh: White Cat Photo / Shutterstock)

Ông Emanuel tin rằng Washington cũng nên xem xét rộng hơn cách giúp Nhật Bản chống lại lệnh cấm hải sản của ĐCSTQ.

“Đó là một hợp đồng dài hạn giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và các đơn vị đánh bắt ở Nhật Bản”, Đại sứ Emanuel cho biết.

“Cách tốt nhất mà chúng tôi chứng tỏ trong mọi trường hợp đối phó với sự chèn ép kinh tế của Trung Quốc, là hỗ trợ và giúp đỡ quốc gia hoặc ngành công nghiệp trở thành đích ngắm”, ông nói.

Lô sò điệp đầu tiên được thu mua chưa đến 1 tấn, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số hơn 100.000 tấn sò điệp Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái. Nhưng ông Emanuel cho biết, sức mua các loại hải sản sẽ tăng dần trong tương lai.

Ông cho biết, Hoa Kỳ cũng đang đàm phán với chính quyền Nhật Bản, để giúp vận chuyển sò điệp đánh bắt tại địa phương trực tiếp đến các nhà máy chế biến đã đăng ký tại Hoa Kỳ.

Đại sứ Emanuel cho biết, số sò này được dùng để phục vụ binh lính và bán trong các cửa hàng, nhà hàng trong căn cứ quân sự, và số lượng sẽ tăng dần lên. Lực lượng đồn trú Mỹ trước đây không mua hải sản địa phương ở Nhật Bản, ông cho biết.

Trước đây, thị trường Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản, với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sò điệp và hải sâm.

Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước đã qua xử lý có chứa chất phát quang phóng xạ triti từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I ra biển vào ngày 24/8, ĐCSTQ ngay lập tức tuyên bố cấm hoàn toàn việc nhập khẩu hải sản Nhật Bản, và tuyên truyền mạnh mẽ về sự nguy hiểm của nước thải hạt nhân.

ĐCSTQ thừa cơ chỉ trích Chính phủ Nhật Bản “phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, coi thường các quyền về sức khỏe của người dân ở đất nước này và các nước khác.” Nhưng lại không hề nhắc tới tình trạng ô nhiễm nước thải phóng xạ của Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Thậm chí báo chí Trung Quốc còn đưa tin giả video một lượng lớn tôm biển hiện đang bất ngờ xuất hiện trên một bãi biển ở Quảng Đông, nhằm cường điệu và chế giễu Nhật Bản. Nhưng video này bị cư dân mạng phát hiện là giả và lên án.

Mặc dù cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản, nhưng theo hệ thống Theo dõi Nghề cá Toàn cầu (GFW) thông qua hệ thống nhận dạng tín hiệu tàu (AIS), phát hiện một số lượng lớn tàu đánh cá Trung Quốc đã tập trung ở vùng biển công cộng cách thành phố Nemuro tỉnh Hokkaido khoảng 1000 km về phía đông.

Mỗi ngày có khoảng 146 – 167 tàu đánh cá Trung Quốc cùng đánh cá với tàu đánh cá Nhật Bản, các hải sản đánh bắt được gồm cá thu đao, cá ngừ, cá mòi… Hải sản do tàu cá Nhật Bản đánh bắt không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng hải sản do tàu cá Trung Quốc đánh bắt lại trở thành “Made in China” và lưu thông trên thị trường sau khi vào Trung Quốc.

Ngày 22/9 trên nền tảng mạng xã hội “X”, ông Rahm Emanuel đã đăng hình ảnh các tàu đánh cá Trung Quốc ngày 15/9 đang đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, trên hình có thể thấy rõ chữ tiếng Anh “CHINA” được in trên thân tàu.

“Kể từ khi xử lý nước đã qua một tháng, Cục Thủy sản Nhật Bản cho hay đo đạc hàm lượng tritium ở vùng biển nơi nhà máy Fukushima Dai-ichi thải nước cho thấy bằng 0. Tin tức này dường như đã khiến Trung Quốc (ĐCSTQ) phấn chấn, khó trách họ lại cho tiếp tục đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Họ có thể lựa chọn giữa hư cấu hoặc thực tế, nhưng họ chọn hư cấu để tiếp tục đánh cá. Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấu thủ đoạn của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Hôm Chủ Nhật (19/10), các bộ trưởng thương mại Nhóm G7 đã tổ chức một cuộc họp. Các bộ trưởng kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, và lên án hành vi uy hiếp kinh tế, cũng như vũ khí hóa thương mại.

Trong một tuyên bố, các bộ trưởng G7 cho biết G7 phản đối việc vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế, đồng thời cam kết thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi.

Bình Minh (t/h)