Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đề xuất ngân sách 7,3 nghìn tỷ đô la cho năm tài chính 2025, đồng thời yêu cầu tăng thuế đáng kể đối với người giàu và các công ty.

Yêu cầu này bao gồm các biện pháp cắt giảm chi phí cho các gia đình, xây dựng nhà ở giá rẻ, và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Mỹ giống như những năm trước. Đề xuất của tổng thống Mỹ cũng bao gồm tài trợ cho các sáng kiến công bằng của chính quyền trên khắp Hoa Kỳ.

Đề xuất ngân sách của Tổng thống Biden sẽ giảm thâm hụt liên bang gần 3 nghìn tỷ đô la trong thập kỷ tới, phù hợp với mức giảm thâm hụt mà tổng thống đã đề xuất vào năm ngoái.

Ngân sách 7,3 nghìn tỷ đô la cho năm tài chính 2025 tăng 4,7% so với ngân sách năm hiện tại. Tổng thống Mỹ đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng khoảng 1,8% và tăng chi tiêu linh hoạt phi quốc phòng khoảng 2,8%.

Kế hoạch của Tổng thống Biden đã được gửi tới Quốc hội Mỹ, nơi nắm “quyền kiểm soát chi tiêu của chính phủ.” Tuy nhiên, nhiều người coi kế hoạch ngân sách này chỉ là một tài liệu mang thông điệp chính trị và khó có khả năng trở thành luật.

Dưới đây là một số điểm nổi bật trong đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2025 bắt đầu vào tháng Mười:

Tăng thuế lũy tiến

Tổng thống Biden nhấn mạnh việc tăng thuế cao hơn đối với giới siêu giàu và các tập đoàn để giúp chi trả cho các đề xuất chi tiêu của ông, tương tự như năm 2024. Ông kêu gọi áp dụng mức thuế tối thiểu 25% đối với các hộ gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đô la. Ngoài ra, kế hoạch này còn tìm cách bãi bỏ một phần chương trình giảm thuế của cựu Tổng thống Donald Trump, khi đề xuất tăng mức thuế cá nhân cao nhất lên 39,6% từ mức 37% và mức thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức 21%.

Vị tổng thống Đảng Dân chủ đề xuất tăng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu lên 21% từ mức 15%. Mức thuế tối thiểu được áp dụng như một phần trong Đạo luật Giảm Lạm phát năm 2023 hiện yêu cầu các công ty có doanh thu hơn 1 tỷ đô la phải nộp thuế liên bang ít nhất 15% tổng lợi nhuận của họ.

Kế hoạch ngân sách năm 2025 cũng đề xuất “cải cách hệ thống thuế quốc tế” bằng cách tăng mức thuế đối với thu nhập từ nước ngoài của các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ lên 21% từ mức 10,5%. Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông muốn “giảm các động cơ chuyển lợi nhuận đến các khu vực pháp lý có mức thuế thấp, ngăn chặn các công ty chuyển hướng sang các thiên đường thuế.”

Kế hoạch của Tổng thống Biden kêu gọi tăng bốn lần mức thuế 1% đối với việc mua lại cổ phiếu, vốn đã có hiệu lực vào năm ngoái. Nhà Trắng giải thích, điều này sẽ “giải quyết lợi thế về thuế đang diễn ra khi mua lại cổ phiếu, đồng thời khuyến khích các công ty đầu tư vào năng suất và nền kinh tế rộng lớn hơn.”

Vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ cũng kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với các công ty, bằng cách từ chối khấu trừ thuế đối với tất cả khoản thù lao “trên 1 triệu đô la được trả cho bất kỳ nhân viên nào của một tập đoàn C.” Bằng cách này Tổng thống Biden muốn ngăn cản các công ty trả cho các nhân viên của họ “các gói lương khổng lồ.”

Hôm 11/3, phát biểu với các phóng viên trong cuộc hội nghị điện đàm, giám đốc ngân sách Nhà Trắng Shalanda Young giải thích: “Một nửa mức tăng thuế của chúng tôi sẽ đến từ mức tăng thuế đối với các công ty. Nửa còn lại dựa vào [mức tăng thuế] đối với nhóm 1% đến 2% giàu nhất đất nước này.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 7/3, Tổng thống Biden hỏi: “Bạn có thực sự nghĩ rằng các công ty lớn và giàu có cần thêm 2 nghìn tỷ đô la tiền giảm thuế không? Tôi chắc chắn là không. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu hết mình để khiến mọi chuyện trở nên công bằng.

Ông cũng cho biết sẽ không tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 đô la.

Chiến dịch vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích kế hoạch ngân sách của Tổng thống Biden.

Chiến dịch của ông Trump cáo buộc: “Việc tăng thuế doanh nghiệp lên 28% sẽ khiến khoảng 1 triệu việc làm của người Mỹ bị mất ngay lập tức trong hai năm đầu tiên, và 600.000 việc làm mỗi năm trong 10 năm tiếp theo.

Bộ Quốc phòng và Bộ Cựu chiến binh

Kế hoạch ngân sách của Tổng thống Biden sẽ tiến hành cắt giảm ngân sách đối với Bộ Cựu chiến binh (VA), trong khi thúc đẩy việc tăng chi tiêu liên quan đến các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza.

Chi tiêu linh hoạt của Bộ Cựu chiến binh dự kiến sẽ bị cắt giảm hơn 4%, tương đương khoảng 5,6 tỷ đô la.

Ngược lại, chi tiêu linh hoạt của Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn 4% để chống lại các mối đe dọa ở Gaza, Ukraine, và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kế hoạch ngân sách năm 2025 cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua phiên bản đã được Thượng viện phê chuẩn về yêu cầu chi tiêu bổ sung của tổng thống, trong đó sẽ phân bổ hơn 90 tỷ đô la chi tiêu liên quan đến an ninh nhằm củng cố Israel, Ukraine và tăng cường sự hiện hiện của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Mặc dù dự luật bổ sung chi tiêu đó được Thượng viện thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, nhưng nó đã bị đình trệ ở Hạ viên bởi vì các nhà lập pháp trở nên cảnh giác trước thái độ xuống tinh thần của người dân Mỹ đối với các vướng mắc quân sự ở nước ngoài.

Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục nhận được ngân quỹ cho một số dự án lớn, bất kể số phận của dự luật bổ sung chi tiêu ra sao, bao gồm việc tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của quốc gia, tái cấp vốn cho hạm đội tàu ngầm tấn công, và tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát triển liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Các ưu tiên khác của Tổng thống Biden

Kế hoạch ngân sách sẽ cung cấp 1,4 tỷ đô la cho các chương trình giáo dục STEM và phát triển lực lượng lao động của Quỹ Khoa học Quốc gia. Các chương trình này tập trung vào sự đa dạng, bình đẳng, hòa nhập, và tiếp cận (DEI).

DEI là vấn đề gây tranh cãi giữa các thành viên Đảng Cộng hòa và những người bảo thủ. Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã cố gắng loại bỏ các chương trình DEI nhưng không mấy thành công.

Ngân sách năm 2025 sẽ tài trợ trường mầm non tự nguyện, phổ cập, miễn phí cho tất cả bốn triệu trẻ 4 tuổi trên toàn quốc và vạch ra lộ trình mở rộng trường mầm non miễn phí cho trẻ 3 tuổi.

Ngân sách dự kiến sẽ đầu tư gần 1,5 tỷ đô la cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường nhằm hỗ trợ thực thi những nỗ lực công lý môi trường.

Kế hoạch ngân sách của Tổng thống Biden cũng bao gồm 7,8 tỷ đô la cho chương trình Artemis. Chương trình này sẽ đưa các phi hành gia, bao gồm những phụ nữ đầu tiên, những người da màu đầu tiên, và những phi hành gia quốc tế đầu tiên, lên bề mặt mặt trăng như một phần trong chương trình khoa học và khám phá dài hạn.

Ngân sách năm 2025 cũng cung cấp 17,7 tỷ đô la, tăng 1,1 tỷ đô la so với năm 2023 và tăng 2,6 tỷ đô la so với năm 2021, cho lực lượng thực thi pháp luật của Bộ Tư Pháp Mỹ, bao gồm 2 tỷ đô la cho Cục quản lý Rượu, Thuốc lá, Vũ khí và Chất nổ để:

  • Điều tra và truy tố hiệu quả các tội phạm súng
  • Mở rộng lực lượng đa thẩm quyền tấn công nạn buôn bán súng
  • Tăng cường quản lý ngành công nghiệp vũ khí
  • Tăng cường công nghệ xạ kích giải quyết tội phạm, công nghệ phát hiện dư lượng súng, và các công nghệ pháp y khác cũng như các nhà phân tích
  • Thực thi Đạo luật Lưỡng đảng về Cộng đồng An toàn hơn

Ngân sách đề xuất này sẽ cung cấp 51 triệu đô la cho Cục Điều tra Liên bang (FBI) nhằm hỗ trợ việc tiếp tục thực hiện việc tăng cường kiểm tra lý lịch, một điều khoản quan trọng trong Đạo luật Lưỡng đảng về Cộng đồng An toàn hơn.

Những yêu cầu của Ngân sách đối với Bộ Tư pháp và FBI dự kiến sẽ vấp phải sự chỉ trích của các thành viên Đảng Cộng hòa, những người đã cáo buộc các cơ quan này được vũ khí hóa để chống lại những người bảo thủ và cựu Tổng thống Donald Trump, người đang phải đối mặt với hai cáo trạng liên bang ngoài các vụ kiện ở New York và Georgia.

Kế hoạch ngân sách đề xuất một ngân quỹ dự phòng trị giá 4,7 tỷ đô la để hỗ trợ Bộ An ninh Nội địa mỹ (DHS) và các cơ quan của bộ này khi ứng phó với làn sóng di cư gia tăng đột biến dọc theo biên giới Tây Nam của Hoa Kỳ.

Ngân sách năm 2025 cũng bao gồm các yêu cầu chưa được đáp ứng trong dự luật bổ sung chi tiêu tháng 10/2023. Ngoài các yêu cầu khẩn cấp , ngân sách còn yêu cầu cung cấp tổng cộng 2,9 tỷ đô la cho DHS nhằm đầu tư xây dựng năng lực dài hạn trong các lĩnh vực an ninh biên giới, thực thi nhập cư và chống fentanyl.

Các yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia tại biên giới Mỹ – Mexico, nơi Lực lượng Tuần tra Biên giới Mỹ đã bắt giữ hơn 8 triệu người vượt biên trái phép kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Ngân sách năm 2025 sẽ đầu tư 65 triệu đô la cho Bộ Thương mại Mỹ để bảo vệ, quản lý, và thúc đẩy lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm cả việc bảo vệ công chúng Mỹ trước những rủi ro xã hội của nó.

AI đã trở thành tâm điểm thảo luận, với các nền tảng bao gồm ChatGPT đang trở nên phổ biến. Quốc hội Mỹ đã có nhiều cuộc họp về AI và có thể soạn thảo luật để đối phó với AI, chẳng hạn như tránh các hành vi giả mạo bằng trí tuệ nhân tạo và các thông tin sai lệch khác.

Ngân sách năm 2025 sẽ cung cấp 162 triệu đô la cho Văn phòng Dân quyền (OCR) của Bộ Giáo dục Mỹ, tăng 22 triệu đô la so với năm 2023 

Đây là mức tăng đáng kể trong bối cảnh chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng trong các khuôn viên trường đại học sau cuộc tấn công đẫm máu hôm 7/10/2023 của Hamas vào miền nam Israel, dẫn đến cuộc chiến Hamas – Israel đang diễn ra ác liệt.

Ngân sách đề xuất bao gồm 10,6 tỷ đô la cho các chương trình nghiên cứu, phát triển, chứng minh, và triển khai liên quan đến năng lượng sạch và khí hậu của Bộ Năng lượng Mỹ, tăng 12% so với năm 2023.

Kế hoạch ngân sách của Tổng thống Biden, phác thảo các ưu tiên tài chính của ông, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm nay khi ông tìm cách tái tranh cử.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang gặp nhiều khó khăn để cung cấp ngân quỹ cho chính phủ cho năm tài chính 2024. Họ cần phải thông qua gói ngân quỹ thứ hai bao gồm 6 dự luật, trong đó có một dự luật cho quốc phòng cần thông qua trước hạn chót là ngày 22/3.