Tổng thống Vladimir Putin, trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông quốc nội hôm thứ Tư (13/3), đã nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh với Ukraine, nhưng Moscow sẽ chỉ theo đuổi đối thoại thực chất mà từ đó sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho đất nước và muốn chắc chắn các cuộc đàm phán sẽ không được dùng để câu giờ nhằm tái vũ trang cho Kyiv.

Khi trả lời câu hỏi của nhà báo Dmitry Kiselyov về việc liệu Nga có sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine, ông Putin cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại.

Chúng tôi có sẵn sàng cho các cuộc đàm phán không? Có, chúng tôi sẵn sàng, nhưng chúng tôi chỉ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc, không phải là các cuộc đàm phán dựa vào những danh sách mong muốn được đưa ra sau khi sử dụng thuốc kích thích thần kinh, mà phải dựa… trên thực tế”, ông Putin giải thích.

Ông Putin nhấn mạnh rằng, sẽ thật “nực cười” khi đàm phán bây giờ “chỉ bởi vì họ [Ukraine] đang cạn kiệt đạn dược”.

Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng cho một cuộc đối thoại nghiêm túc, và chúng tôi muốn giải quyết tất cả các xung đột, đặc biệt cuộc xung đột này, thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng chúng tôi phải hiểu rõ rằng đây không phải là tạm dừng mà kẻ thù muốn để thực thiện tái vũ trang, mà đây là một cuộc đối thoại nghiêm túc với những đảm bảo an ninh dành cho Liên bang Nga”, ông Putin khẳng định.

Cựu Tổng thống Ukraine Pytor Poroshenko và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã thừa nhận rằng các Thỏa thuận Minsk mà Moscow và Kyiv ký kết năm 2014 là đặc biệt được sử dụng để cho phép Kyiv tái vũ trang quân đội sau khi chiến tranh cục bộ tại miền đông Ukraine nổ ra do cuộc đảo chính Maidan lật đổ ông Poroshenko ở Kyiv. Nga đã sáp nhập Crimea năm 2014 này sau khi tổ chức trưng cầu dân ý.

Ông Putin, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson tháng trước, đã nhắc lại rằng Nga vẫn sẵn sàng đối thoại với Ukraine, nhưng để các cuộc đàm phán này diễn ra, thì Tổng thống Ukraine Zelensky cũng phải hủy bỏ sắc lệnh cấm ông ấy đàm phán với Moscow.

Các cuộc đàm phán hòa bình thực chất giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ vào tháng 3/2022. Khi đó cả hai phía cáo buộc nhau đã đưa ra những đòi hỏi không thực tế.

Tổng thống Putin sau đó đã nói rằng phái đoàn đàm phán Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều kiện của Nga trong các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau đó bất ngờ hủy bỏ thỏa thuận này.

Theo tiết lộ của ông David Arakhamia, nhà đàm phán cấp cao của Ukraine tham gia các cuộc đàm phán tại Istanbul, Thủ tướng Anh Quốc khi đó là ông Boris Johnson đã đóng vai trò quan trọng trong việc tác động tới đàm phán đổ bể. Ông Arakhamia cho biết, ông Johnson khi đó đã nói với Ukraine rằng “hãy chỉ tiếp tục chiến đấu” và kêu gọi họ không ký vào bất kỳ thỏa thuận nào với Nga. Tuy nhiên, ông Johnson đã bác bỏ vai trò làm đổi hướng các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine đó.

Từ khi các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv đổ vỡ, Nga vẫn liên tục nhấn mạnh rằng họ vẫn để mở đàm phán hòa bình thực chất, đồng thời đổ lỗi cho giới chức Ukraine thiếu đột phá về ngoại giao.

Hải Đăng (Theo RT)