Sau khi EU quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Ukraine, ba thành viên —Ba Lan, Slovakia, và Hungary— đã công bố các hạn chế của riêng mình, theo Reuters báo cáo. “Nếu Ủy ban Châu Âu không quyết định về vấn đề [cấm nhập khẩu] ngũ cốc Ukraine, thì Ba Lan sẽ tự quyết định tối nay. Sẽ cấm vĩnh viễn,” theo Waldemar Buda, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ, nói hôm Thứ Sáu 15/9. Diễn biến này biểu hiện những bất đồng to lớn trong các thành viên EU về phương diện này.

230916 mora 01
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thẳng thừng chống đối quyết định của EU, kéo dài lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Hồi tháng 5/2023, 5 thành viên của EU —Ba Lan, Hungary, Rumani, Bungary, và Slovakia— đã cấm nhập khẩu một số nông sản từ Ukraine, nhưng cho phép quá cảnh. Từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, EU đã ban lệnh xóa bỏ thuế hải quan cho nông sản xuất khẩu từ Ukraine, như một biện pháp ủng hộ chiến tranh, cùng với các biện pháp ủng hộ khác như viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Kiev.

Chính sách xóa thuế ấy của EU đã khiến một số thành viên gặp phải vấn đề phá giá thị trường và một số vấn đề khác. Trong đó đặc biệt là Ba Lan, quốc gia rất ủng hộ Ukraine trong chiến tranh, đã gặp tình huống nông dân tiến hành nhiều cuộc biểu tình mạnh mẽ.

Quyết định cấm nhập khẩu hồi tháng 5 của 5 nước đã gặp phản đối mạnh mẽ từ Ukraine và sức cản từ EU, tuy nhiên cuối cùng đã được EU thông qua, với hiệu lực kết thúc vào tháng 9 này. Những nỗ lực nhằm gia hạn quyết định này đã không thành, và lệnh cấm nhập khẩu bị EU dỡ bỏ khi hết hiệu lực vào Thứ Sáu, kèm những hứa hẹn của chính quyền Kiev.

“Lệnh cấm vốn bao gồm 4 loại nông sản, nhưng theo yêu cầu của tôi, căn cứ theo yêu cầu của nông dân, lệnh cấm sẽ được mở rộng thêm cả các nông sản và ngũ cốc này —ngô, lúa mì, hạt cải để ép dầu— để những sản phẩm này không ảnh hưởng đến thị trường Ba Lan,” Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus tuyên bố Facebook.

“Chúng tôi tiếp tục kéo dài lệnh cấm bất chấp sự không đồng ý của họ, bất chấp việc EU không đồng ý,” Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố. “Chúng tôi sẽ làm vậy vì lợi ích của nông dân Ba Lan.”

Như Reuters báo cáo dẫn nguồn chính phủ, Hungary cấm nhập khẩu 24 nông sản từ Ukraine, gồm ngũ cốc, rau quả, một số loại thịt và mật ong. Slovakia cũng theo đó và cấm các nông sản của Ukraine.

Ba thành viên EU chỉ cấm nhập khẩu, nhưng không cấm các sản phẩm này quá cảnh.

Làn đường Đoàn kết và mâu thuẫn bên trong EU

EU đã lập ra cái gọi là Làn đường Đoàn kết (Solidarity Lanes) sau khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen kết thúc. Mục đích là cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và các hạt ép dầu thông qua các tuyến đường qua châu Âu được lập ra.

EU tuyên bố lệnh cấm từ tháng 5 sẽ không có lý do gì để kéo dài. Tuy nhiên đã có “một cuộc đấu đá nghiêm trọng ở Brussels,” như Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trên đài phát thanh hôm Thứ Sáu, miêu tả về những phản đối dữ dội của một số quốc gia thành viên, RT đưa tin.

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki miêu tả Đảng Dân chủ đối lập đến Brussels “bằng cách quỳ gối và lết chân như một con chó để xin xỏ những đồng tình nào đó, để rồi cuối cùng vẫn bị đấm vào mặt.”

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen kết thúc vào tháng 7 sau 1 năm triển khai, với cáo buộc từ phía Nga rằng phương Tây đã không thực hiện cam kết của mình. Theo sáng kiến này, Nga cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua con đường Biển Đen trong thời chiến, chủ yếu là tới các quốc gia Châu Phi và Trung Đông, và đổi lại, phương Tây không được ngăn cản Nga xuất khẩu nông sản và phân bón.