Theo một báo cáo mới của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 ở Hoa Kỳ, nhằm phá hoại một số ứng cử viên được coi là “chống Trung Quốc” trong khi vận động ủng hộ các ứng cử viên được coi là “thân Trung Quốc.”

Trong một bản đánh giá do Hội đồng Tình báo Quốc gia công bố hôm 18/12, các cơ quan tình báo Mỹ tiết lộ: “Trung quốc đã bí mật phê duyệt những nỗ lực nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến một số cuộc đua tranh cử giữa nhiệm kỳ có sự tham gia của các thành viên thuộc cả hai đảng chính trị của Hoa Kỳ.” Cộng đồng tình báo Mỹ nhấn mạnh rằng họ đã đi đến kết luận như vậy với “độ tin cậy cao.”

Bản báo cáo, phần lớn được biên tập lại, không cho biết ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào những cuộc đua giữa nhiệm kỳ nào. Trong một trường hợp, Trung Quốc “đã ngầm bôi nhọ” một ứng cử viên thượng viện không được nêu tên trên mạng bằng cách sử dụng “các tài khoản không xác thực.” Báo cáo này do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) công bố.

Báo cáo tình báo mới nhất của Hoa Kỳ làm sáng tỏ thêm âm mưu lâu dài của ĐCSTQ trong việc xâm nhập vào nền chính trị Mỹ ở mọi cấp độ. Hồi năm 2022, Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo, mong muốn gây ảnh hưởng đến nền chính trị Hoa Kỳ của Trung Quốc dựa trên nỗ lực lâu dài nhằm đạt được sự thống trị về kinh tế và chính trị.

Theo báo cáo, kể từ năm 2020 giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã ban hành “các chỉ thị rõ ràng để tăng cường các nỗ lực” nhằm tác động đến các chính sách và dư luận của Hoa Kỳ theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Báo cáo lưu ý: “Chúng tôi đánh giá rằng các chỉ thị này đã giúp các tác nhân gây ảnh hưởng của CHND Trung Hoa có nhiều tự do hơn trong hoạt động trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ [năm 2022] so với [trước] cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, có thể là vì các quan chức CHND Trung Hoa tin rằng Bắc Kinh ít bị giám sát chặt chẽ hơn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và vì họ nghĩ chính quyền hiện tại sẽ không trả đũa nghiêm trọng như họ lo ngại vào năm 2020.”

ĐCSTQ cũng nhiều lần ra lệnh các quan chức của mình tập trung các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm vào Quốc hội Mỹ bởi vì họ tin rằng cơ quan lập pháp Hoa Kỳ “là nơi diễn ra các hoạt động chống Trung Quốc.”

Báo cáo cho biết: “Năm 2021, Bắc Kinh đã xác định các thành viên cụ thể Quốc hội [Mỹ] để trừng phạt vì quan điểm chống Trung Quốc và để khen thưởng vì họ được cho là ủng hộ Trung Quốc.”

Theo báo cáo, các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ – được thiết kế để “mô tả mô hình dân chủ của Hoa Kỳ là hỗn loạn, kém hiệu quả, và thiếu tính đại diện” – thường xuyên gửi tin nhắn trên mạng xã hội nhằm “làm nổi bật sự chia rẽ của Hoa Kỳ về các vấn đề xã hội, như phá thai và kiểm soát súng.

Hồi tháng Chín, Microsoft đã công bố một báo cáo tiết lộ rằng các tin tặc ở Trung Quốc đã mạo danh các cử tri Mỹ trên mạng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. Các tin tặc này đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những nội dung gây chia rẽ về các vấn đề chủng tộc, kinh tế, và ý thức hệ.

Trong báo cáo quý 3 của mình về các mối đe dọa đối địch, Meta cho biết họ đã loại bỏ 4.789 tài khoản Facebook giả mạo thuộc mạng lưới hoạt động gây ảnh hưởng đặt ở Trung Quốc. Những người đứng sau các tài khoản này đóng giả người Mỹ và đăng bài bằng tiếng Anh nói về nền chính trị Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung. Tính đến lúc này trong năm nay, gã khổng lồ truyền thông này của Hoa Kỳ cho hay họ đã gỡ bỏ năm mạng lưới tài khoản giả mạo ở Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Các tác nhân nước ngoài

Báo cáo của DNI cũng nêu rõ Trung Quốc không ra lệnh thực hiện một “chiến dịch toàn diện” nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc đua giữa nhiệm kỳ theo hướng có lợi cho một đảng chính trị, vì cảnh giác trước những rủi ro nếu nỗ lực của họ bị phơi bày. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện rằng các tin tặc Trung Quốc đã “quét hơn 100 tên miền của các đảng chính trị ở cấp tiểu bang và quốc gia của Hoa Kỳ.”

Báo cáo đã nêu tên TikTok, ứng dụng mạng xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc, chỉ ra rằng vào khoảng tháng 8/2022, những nỗ lực nhắn tin bằng tiếng Anh trên ứng dụng này “đã tăng cường tập trung vào các chính trị gia Mỹ và các vấn đề trong nước của Hoa Kỳ”. Các vấn đề này bao gồm phá thai, xả súng hàng loạt, và nhập cư.

Giám đốc FBI và Giám đốc Avril Haines  của DNI đã cảnh báo về những rủi ro do TikTok gây ra. TikTok thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance đặt tại Trung Quốc. Hồi tháng 12/2022, Bà Haines kêu gọi, các bậc cha mẹ nên lo lắng về việc con cái của họ sử dụng ứng dụng này. Bà cảnh báo, ĐCSTQ là “rất khác thường” trong việc thu thập “dữ liệu nước ngoài.”

Nhà Trắng, các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, và hơn 30 tiểu bang ở Hoa Kỳ đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ.

Báo cáo cũng xem xét những nỗ lực của Nga, Iran, và Cuba trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 ở Mỹ. 

Nga và các tổ chức ủy nhiệm của họ đã cố gắng “bôi nhọ” Đảng Dân chủ phần lớn là do đảng này ủng hộ Ukraine.

Báo cáo lưu ý: “Trong tuyên truyền của mình, Moscow đã đưa vào các chủ đề được thiết kế nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine, [điều này] nhấn mạnh rằng các hoạt động gây ảnh hưởng đến bầu cử là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng rộng lớn hơn.”

Theo báo cáo, các hoạt động của Iran phản ánh ý định của quốc gia này trong việc “gây mất lòng tin vào các thể chế chính trị của Hoa Kỳ, làm gia tăng căng thẳng xã hội, đồng thời ủng hộ các ứng cử viên và các quan điểm chính sách phù hợp với lợi ích chính sách ngoại giao của Tehran.”

Báo cáo cảnh báo: “Chúng tôi đánh giá rằng hầu hết các tác nhân nước ngoài hiện nay chủ yếu tập trung vào việc khuếch đại các câu truyện đáng tin thúc đẩy mọi người hành động nhằm cố gắng gây ảnh hướng đến kết quả bầu cử, làm tăng sự ngờ vực về các quy trình bầu cử của Hoa Kỳ, và gây chia rẽ về vấn đề chính trị xã hội.” 

Cách tiếp cận này cung cấp khả năng chối bỏ khi các tác nhân nước ngoài truyền bá nội dung của Hoa Kỳ nhằm cố gắng khai thác các rạn nứt hiện có [trong xã hội Mỹ].