Theo các chuyên gia, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan nếu họ tin rằng việc thống nhất không sử dụng vũ lực với hòn đảo này là không khả thi vào giữa thế kỷ này.

Ông Chad Sbragia, nhà phân tích nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chắc hẳn tin rằng có cơ hội thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục nếu họ kiềm chế khởi phát một cuộc chiến tranh với hòn đảo này. 

“[Trung Quốc] có quyền xác định mức độ thống nhất hoặc tiến trình hướng đến thống nhất là gì. Tuy nhiên, nếu không có điều đó, có vẻ như xung đột vũ trang rất có thể xảy ra”, ông Sbragia nói trong một diễn đàn được tổ chức vào ngày 5 tháng 10 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

“Tôi không hiểu chuyện này diễn ra theo bất kỳ cách nào khác [ngoài chiến tranh] trừ khi có sự thay đổi đáng kể về hoàn cảnh”, ông Sbragia nói tiếp.  

ĐCSTQ khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và phải thống nhất với đại lục bằng mọi biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, chế độ này chưa bao giờ kiểm soát Đài Loan. Hòn đảo này vẫn luôn duy trì nền độc lập thực quyền kể từ khi kết thúc Nội chiến Trung Quốc năm 1949.

Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ ông Tập Cận Bình đã gắn việc thống nhất hai quốc gia với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ĐCSTQ thâu tóm Trung Quốc.

Vì điều này, ông Sbragia cho biết, chế độ Trung Quốc cộng sản sẽ ngày càng có nhiều khả năng bắt đầu một cuộc chiến tranh giành Đài Loan khi cột mốc 2049 đến gần hoặc nếu họ cảm thấy rằng mục tiêu thống nhất đang trở nên khó khăn hơn. 

Xung đột là ‘khó có thể tránh khỏi’

Ông Sbragia cho biết, mục tiêu năm 2049 tạo ra một “khung thời gian cho xung đột”, một sự “đếm ngược” trong đó các hoạt động thù địch công khai ngày càng có khả năng xảy ra nếu việc thống nhất hòa bình càng trì hoãn lâu. 

Ông Sbragia nói: “Mặc dù ông Tập Cận Bình không đặt ra yêu cầu thống nhất Đài Loan trong nhiệm kỳ của mình, nhưng Trung Quốc sẽ hành động quân sự hoặc là để ngăn chặn việc mất đi Đài Loan hoặc nếu [ĐCSTQ] kết luận rằng quỹ đạo hướng tới thống nhất đã bị suy giảm đáng kể”.

“Mỗi ngày trôi qua, vấn đề này lại trở nên tồi tệ hơn. Nó đã không tốt hơn.” Điều đáng chú ý là ông Sbragia nói thêm rằng ĐCSTQ sẽ không từ bỏ hành động quân sự ngay cả khi họ biết mình không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến giành Đài Loan.

Ông Sbragia từng giữ chức Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách về Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump. Ông nói rằng trong thời gian ông giữ chức vụ đó, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã thể hiện rõ thái độ quyết đánh Đài Loan dù biết có thể thua. 

“Đừng cho rằng vì chúng tôi sẽ thua nên chúng tôi sẽ không tiến hành [xâm lược Đài Loan]”, ông Sbragia chuyển ngữ tuyên bố của giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc vào thời điểm đó. Những hoàn cảnh như vậy đặt Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ vào tình thế “ngày càng xấu đi theo thời gian.”

“Việc Trung Quốc tuân thủ mốc thời gian thống nhất cuối cùng sẽ được ưu tiên hơn là nỗ lực tránh chiến tranh. Và cho đến lúc đó, Đài Loan sẽ vẫn là nguồn gốc của cuộc khủng hoảng kinh niên và khó dàn xếp với những bên liên quan”, ông Sbragia nói. 

“Điều đó thực sự tạo ra một tình huống độc nhất. Cụ thể là, trừ khi hai bên eo biển đạt được các thỏa thuận hòa bình, nếu không xung đột là điều không thể tránh khỏi”.

Washington phải khẳng định ủng hộ hòa bình

Rút cuộc, Hoa Kỳ nên nỗ lực thuyết phục ĐCSTQ rằng việc thống nhất hòa bình giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan là có thể hoặc ít nhất không có dấu hiệu rằng điều đó là không thể. Bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Quỹ Marshall của Đức, cho biết.

Bà Glaser nói: “Tôi đồng ý rằng, nếu ông Tập Cận Bình tin rằng có khả năng thực sự mất Đài Loan vĩnh viễn, thì ông ấy sẽ tham chiến cho dù ông ấy có nhận thấy [quân đội] đã sẵn sàng hay không”.

 “Thật không khôn ngoan khi cả Đài Loan và Mỹ theo đuổi chính sách và hành động khiến ông Tập Cận Bình kết luận rằng khó để đạt được những kết quả mà cả hai bên đều hài lòng”.

Tương tự như vậy, bà nói, ĐCSTQ sẽ xâm chiếm Đài Loan bất kể giá nào nếu họ tin rằng hòn đảo này đang trên con đường để tuyên bố độc lập chính thức, và Hoa Kỳ ủng hộ nền độc lập đó.

Trong hoàn cảnh như vậy, ông Tập sẽ cảm thấy rằng chế độ Trung Quốc “phải tiến hành chiến tranh”.

Ngược lại, ông Tập và ĐCSTQ dường như vẫn tin, dù rất mong manh, rằng việc thống nhất hòa bình với Đài Loan là có thể thực hiện được. Bà Glaser cho biết, dù như thế, thì chiến tranh vẫn chưa thể tránh khỏi.

“Nếu ông Tập Cận Bình vẫn giữ quan điểm rằng có con đường hướng tới hội nhập, và nếu ông ấy tin những gì Đảng nói trong các văn kiện của mình, rằng thời gian và những lợi thế… đang đứng về phía Bắc Kinh, thì cuối cùng ông ấy sẽ đưa ra tính toán. Cái giá phải trả là gì? Những lợi ích đạt được là gì?”

Bà Glaser nói: “Chúng ta không muốn ông ấy kết luận rằng hoàn toàn không thể đạt được sự thống nhất một cách hòa bình hoặc không có vũ lực”.

Bà nói thêm, mặc dù vậy, chính quyền Biden dường như đang đi ngược lại tiền lệ mà các chính quyền trước đó đưa ra và chưa khẳng định rằng họ sẽ chấp nhận bất kỳ giải pháp hòa bình nào cho cuộc khủng hoảng Đài Loan.

Bà Glaser nói: “Trong các chính quyền tiền nhiệm, Hoa Kỳ đã nói rằng chúng ta sẽ ủng hộ bất kỳ kết quả nào được đàm phán hòa bình giữa hai bên eo biển. Chính quyền này (Biden) đã không đưa ra tuyên bố tương tự. Và tôi nghĩ đó là vấn đề.”