Trung Quốc và Philippines đã đụng độ trong nhiệm vụ tuần tra kéo dài 9 ngày của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại khu vực Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), một rạn san hô ngoài khơi bờ biển Philippines.

r shutterstock 694668448
Ảnh minh họa. Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở khu vực Đảo Điếu Ngư, chụp ngày19/5/2017. (Nguồn ảnh: Igor Grochev / Shutterstock)

Philippines đã cáo buộc các tàu Trung Quốc mà họ gặp đã hành động một cách “nguy hiểm”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố, tàu Cảnh sát biển Philippines số 9701 “đã xâm phạm trái phép vào vùng biển tiếp giáp với đảo Hoàng Nham của Trung Quốc nhiều hơn một lần từ ngày 2 – 9/2”.

Khi “các cảnh báo của Cảnh sát biển Trung Quốc không hiệu quả”, Cảnh sát biển Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp “kiểm soát tuyến đường và cưỡng bức sơ tán” đối với các tàu Philippines “theo luật pháp”, và xử lý tình huống tại hiện trường một cách “chuyên nghiệp và chuẩn mực”.

Từ khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát Bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012, rạn san hô này đã trở thành điểm nóng trong cuộc xung đột giữa hai nước.

Bắc Kinh đã triển khai các tàu tuần tra quanh bãi cạn Scarborough, còn Manila thì phàn nàn rằng họ quấy rối các tàu Philippines và ngăn cản ngư dân vào vùng đầm phá, nơi có nhiều cá hơn.

Ngày 11/2, AFP đưa tin, tàu tuần tra đa chức năng BRP Teresa Magbanua của Philippines đã được triển khai tới Biển Đông hồi đầu tháng này, để tuần tra vùng biển xung quanh đảo Hoàng Nham.

Ngày 11/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ra tuyên bố cho biết, trong quá trình tuần tra, tàu tuần duyên Trung Quốc đã chặn tàu Magbanua một cách nguy hiểm 4 lần trên biển, thậm chí còn đi ngang qua mũi tàu 2 lần.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, 4 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã “bám đuôi” tàu Magbanua hơn 40 lần. Lực lượng phòng vệ cũng quan sát cái mà họ mô tả là “4 tàu dân quân biển của Trung Quốc”.

Cảnh sát biển Philippines tuyên bố, mặc dù vậy, họ đã liên lạc một cách chuyên nghiệp với các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và Dân quân biển Trung Quốc qua đài phát thanh, đồng thời nhắc lại rõ ràng các nguyên tắc và lập trường của Philippines phù hợp với luật pháp quốc tế.

Do căng thẳng tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, trong vòng chưa đầy 3 tháng, Philippines và Mỹ đã tiến hành 3 cuộc tuần tra hàng hải chung và các hoạt động hợp tác hàng hải.

Ngày 7/2, Hãng thông tấn CNA đưa tin, Philippines đang có kế hoạch tăng cường triển khai quân sự và cơ sở hạ tầng ở quần đảo Batanes, tỉnh cực bắc của đất nước và gần Đài Loan nhất, để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Sau khi đến thăm một phân đội hải quân ở tỉnh Batanes, ngày 10/2, theo tuyên bố của Lực lượng vũ trang Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cho biết, bắt đầu từ năm 2024, tốc độ hoạt động của Lực lượng vũ trang Philippines sẽ được cải thiện. Tỉnh Batanes hiện cũng đang xây dựng một căn cứ hải quân.

Quần đảo Batanes cách Đài Loan khoảng 200 km. Theo tuyên bố của Lực lượng vũ trang Philippines đưa ra vào ngày 6/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Teodoro đã kêu gọi tăng thêm quân đồn trú, phát triển thêm các tòa nhà ở quần đảo Batanes, và mô tả khu vực này là tiên phong đường cơ sở của miền Bắc Philippines.

Philippines và Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau ở Biển Đông giàu tài nguyên, nơi tàu thuyền của cả hai bên đã đụng độ trong những tháng gần đây. Bình luận của ông Teodoro nhấn mạnh những nỗ lực của Manila, nhằm tăng cường năng lực an ninh của nước này.

Theo tuyên bố, chuyến thăm của ông Teodoro nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phòng thủ lãnh thổ, đảm bảo an ninh và toàn vẹn chung của đất nước. Tuyên bố không cung cấp chi tiết về kế hoạch.

Hãng thông tấn CNA Đài Loan đưa tin, Philippines và Mỹ đã nối lại các hoạt động tuần tra chung vào tháng 11/2023.

Sau khi cuộc bầu cử ở Đài Loan kết thúc, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines đã công khai gửi thông điệp chúc mừng ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) được bầu làm Tổng thống Đài Loan. Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất không hài lòng với điều này, nhưng chỉ có thể bày tỏ sự phản đối gay gắt.

Ông Yaita Akio, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, cho rằng cuối cùng Philippines đã nhận ra, “thân ĐCSTQ” không thể ngăn cản ĐCSTQ xâm phạm quyền hàng hải của Philippines.

Bình Minh (t/h)