Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã điện đàm khoảng gần một giờ vào chiều thứ Năm (30/12, giờ Mỹ) trong bối cảnh mâu thuẫn Đông-Tây leo thang liên quan đến Ukraine. Đây là cuộc điện đàm thứ hai của lãnh đạo hai nước Mỹ, Nga trang tháng Mười Hai này và nó diễn ra trước các cuộc thảo luận an ninh song phương tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo Reuters, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Puttin bắt đầu vào lúc 3:35 chiều ngày thứ Năm (30/12, giờ miền Đông nước Mỹ) và kết thúc sau đó 50 phút.

Cả Washington và Moscow trước đó đều đã kín tiếng về nghị trình cụ thể của cuộc điện đàm giữa hai vị nguyên thủ. Sau cuộc điện đàm, Nhà Trắng và Điện Kremlin cho biết họ sẽ sớm công bố bản kết luận của cuộc thảo luận quan trọng này.

Mặc dù Nhà Trắng đã ám chỉ rằng chủ đề căng thẳng Ukraine sẽ có trong cuộc điện đàm, nhưng phía Moscow cho biết cuộc đối thoại giữa ông Putin và ông Biden lần này cũng sẽ bàn về một thỏa thuận an ninh toàn diện do Nga đề xuất, theo RT.

Điện Kremlin trước đó đã gắn các cuộc điện đàm cấp cao Nga-Mỹ với các cuộc thảo luận an ninh giữa hai cường quốc này sắp diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Phát ngôn viên của ông Putin, ông Dmitry Peskov nói rằng “cần có một cuộc điện đàm khác [giữa nguyên thủ hai nước Nga-Mỹ] trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán [an ninh]”.

Hội nghị an ninh Mỹ-Nga sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/1/2022. Theo RT, hội nghị này sẽ có sự tham dự của các quan chức ngoại giao cấp cao hai nước, nhưng không có sự góp mặt của hai vị tổng thống.

Tiếp sau đó, phiên họp Nga-NATO sẽ được tổ chức vào ngày 12/1/2022 và một hội nghị rộng hơn bao gồm Nga, Mỹ và các quốc gia châu Âu khác dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2022.

Đầu tháng này, ông Biden và ông Putin đã tổ chức hội nghị video trực tuyến, thảo luận về nhiều vấn đề từ an ninh mạng đến số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Cuộc khủng hoảng Ukraine và một thỏa thuận an ninh đề xuất về việc NATO không được tiếp tục mở rộng về phía Đông cũng là những chủ đề trọng tâm của cuộc hội đàm này.

Mỹ và các đồng minh phương Tây đã đang liên tục cáo buộc Nga có kế hoạch “xâm lược” nước láng giềng Ukraine. Họ dẫn bằng chứng là Moscow đang triển hai hàng chục nghìn binh lính tại khu vực biên giới giáp Kiev.

Nga khẳng định nước này không hề có ý định tấn công bất kỳ nước nào và việc duy trì mọi hoạt động chuyển quân trong lãnh thổ Nga rõ ràng là công việc nội bộ.

Ông Putin đã so sánh căng thẳng Đông-Tây hiện tại với cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba năm 1962 thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Mỹ coi một số đề xuất của chính quyền Putin, trong đó có yêu cầu NATO không được tiếp tục mở rộng về phía Đông, là “không có triển vọng thành công”.

Xuân Thành

Xem thêm: