Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ca ngợi một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ giữa hai quốc gia sau khi Nhà Trắng trải thảm đỏ đón nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới hôm 22/5, đồng thời công bố các thỏa thuận về quốc phòng và thương mại giữa hai nước nhằm chống lại ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Trong bữa tiệc tối chiêu đãi cấp nhà nước, Tổng thống Biden đã chào đón Thủ tướng Modi với câu: “Chúc mừng hai quốc gia vĩ đại, hai người bạn tuyệt vời và hai cường quốc.” Nhà lãnh đạo Ấn Độ đáp lại một cách khéo léo: “Ngài ăn nói nhỏ nhẹ, nhưng khi hành động, ngài rất mạnh mẽ.”

Mặc dù Hoa Kỳ và Ấn Độ không phải là đồng minh ràng buộc theo hiệp ước chính thức và Ấn Độ từ lâu đã ưa thích sự độc lập của mình, nhưng Washington muốn Delhi trở thành một đối trọng chiến lược với Trung Quốc. Mặc dù không nhà lãnh đạo nào trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh trong tuyên bố chính thức, nhưng họ đều ám chỉ đến chính phủ do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Modi cảnh báo: “Các đám mây đen của sự ép buộc và đối đầu đang phủ bóng tối xuống khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sự ổn định của khu vực này đã trở thành một trong những mối quan tâm chính trong quan hệ đối tác của chúng ta.”

Sau khi Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi thảo luận riêng tư trong hơn hai giờ, một tuyên bố chung đã được đưa ra, trong đó cảnh báo về căng thẳng gia tăng và các hành động gây bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

Khi chào đón Thủ tướng Modi đến Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Những thách thức và cơ hội mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ này đòi hỏi Ấn Độ và Hoa Kỳ phải hợp tác và lãnh đạo cùng nhau. và chúng ta đang làm điều đó.”

Bữa tiệc tối chiêu đãi cấp nhà nước của Hoa Kỳ dành cho phái đoàn Ấn Độ, được tổ chức trong một chiếc lều lớn được dựng lên công phu trên bãi cỏ phía nam của Nhà Trắng, có sự góp mặt của một số giám đốc điều hành ở Thung lũng Silicon trong danh sách khách mời, bao gồm CEO Tim Cook của Apple, CEO Anne Wojcicki của 23andMe, CEO Sundar Pichai của Google, CEO Sam Altman của OpenAI, và một số CEO khác.

Với bữa tối mang hơi hướng Ấn Độ, nhà Biden đã tuân theo truyền thống của Nhà Trắng trong việc phục vụ khách nước ngoài những món ăn mang âm hưởng quê nhà của họ với hương vị Mỹ mạnh mẽ.

Thủ tướng Modi đang tìm cách nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường thế giới như một cường quốc về sản xuất và ngoại giao trong khi xử lý hiệu quả mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm và hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới .

Việc thủ tướng Ấn Độ tham gia cuộc họp báo tại Nhà Trắng đã phản ánh các truyền thống chính trị tương phản nhau, đánh dấu lần đầu tiên Thủ tướng Modi trả lời các câu hỏi theo hình thức như vậy trong nhiệm kỳ 9 năm của mình. Ông trả lời mỗi một nhà báo Mỹ và Ấn Độ một câu hỏi đã được lựa chọn trước, đồng thời bác bỏ những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Ấn Độ.

Washington đã tỏ ra thất vọng trước mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nga trong khi Moscow gây chiến ở Ukraine. Thủ tướng Modi đã tránh đề cập trực tiếp đến Nga, nhưng lưu ý các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng cuộc xung đột đang “gây ra tổn thương lớn trong khu vực, Bởi vì nó liên quan đến các cường quốc, nên hậu quả rất nghiêm trọng.”

Đám đông tẩy chay và chào đón

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Modi không phải là không gây tranh cãi. Bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ của một nhà lãnh đạo đến thăm từ một quốc gia đồng minh thường được lưỡng đảng ủng hộ. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông đã bị một số nghị sĩ tự do tẩy chay với lý do cách đối xử của chính phủ Modi đối với người thiểu số Hồi giáo ở Ấn Độ.

Trong một bài đăng trên Twitter hôm 21/6, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez kêu gọi: “Tôi khuyến khích các đồng nghiệp của tôi, những ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên, lòng khoan dung và tự do báo chí, hãy cùng với tôi làm điều tương tự [tẩy chay bài phát biểu của Thủ tướng Modi].”

Bài phát biểu của Thủ tướng Modi trước Quốc hội Mỹ cũng thu hút một đám đông người xem hô vang “Modi, Modi” trong tiếng vỗ tay.

Trong khi khoảng 7.000 người ủng hộ nhà lãnh đạo Ấn Độ tập trung cho buổi lễ khai mạc đầy màu sắc tại Nhà Trắng, thì một nhóm người biểu tình nhỏ hơn nhiều tập trung cách đó nhiều dãy nhà để phản đối sự thân thiện của chính quyền Biden đối với Thủ tướng Modi, người lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata  theo chủ nghĩa dân tộc Hindu.

Khi được một phóng viên Mỹ hỏi về những bước ông sẽ thực hiện để cải thiện quyền của người Hồi giáo và các nhóm thiểu số khác, Thủ tướng Modi khẳng định rằng “hoàn toàn không có chỗ cho sự phân biệt đối xử” ở Ấn Độ.

Phát biểu với các phóng viên, Tổng thống Biden tiết lộ, ông và Thủ tướng Modi đã có cuộc thảo luận thẳng thắn về các giá trị dân chủ.

Các thỏa thuận Mỹ – Ấn mới 

Hai quốc gia đã công bố các thỏa thuận về chất bán dẫn, các khoáng sản quan trọng, công nghệ, hợp tác không gian và hợp tác quốc phòng, cũng như các thương vụ.

Một số thỏa thuận nhằm mục đích đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Một số thỏa thuận khác nhằm chiếm lĩnh thị trường trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến có thể xuất hiện trên chiến trường trong tương lai, Hai bên cũng chấm dứt các tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới, và Ấn Độ đã dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, nhưng Hoa Kỳ có mối quan hệ thương mại lớn hơn nhiều với Trung Quốc, EU, và các nước láng giềng Bắc Mỹ.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận cho phép công ty General Electric của Mỹ sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ để cung cấp động cơ cho máy bay quân sự Ấn Độ, thông qua một thỏa thuận với công ty Hindustan Aeronautics của Ấn độ. Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực sẽ có thể dừng lại ở các xưởng đóng tàu của Ấn Độ để sửa chữa theo một thỏa thuận hàng hải, và Ấn Độ sẽ mua máy bay không người lái vũ trang MQ-9B SeaGuardian do Hoa Kỳ sản xuất.

Nhà sản xuất chip Micron Technology của Hoa Kỳ dự định sẽ xây dựng một nhà máy đóng gói chip và thử nghiệm chất bán dẫn trị giá 2,7 tỷ đô la tại bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Modi. Hoa Kỳ cũng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người lao động Ấn Độ có tay nghề cao lấy và gia hạn thị thực Mỹ.

Ấn Độ cũng đồng ý tham gia Hiệp định Artemis do Hoa Kỳ lãnh đạo để thám hiểm không gian và hợp tác với NASA trong sứ mệnh chung tới Trạm Không gian Quốc tế vào năm 2024.

Gia Huy (Theo Reuters)