“Thế giới tự do cần sản xuất vũ khí thêm nữa mới đủ để tự vệ,” quan chức Ukraine nói, và tin rằng nếu không thì ngành vũ khí sẽ cung ứng “không đủ cho chiến tranh.”

F16
Máy bay chiến đấu phản lực F-16, một vũ khí mà Mỹ hứa hẹn chuyển cho chính quyền Kiev trong thời gian tới. (Nguồn ảnh: Mike Mareen / Shutterstock)

Trong phỏng vấn mà Politico (Châu Âu) đăng hôm 23/10, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Oleksandr Kamyshin lo rằng chiến tranh chống Nga của đất nước sẽ kéo dài “nhiều thập kỷ” (for decades).

“Cuộc chiến này có thể kéo nhiều thập kỷ,” ông Kamyshin nói. “Người Nga có thể quay lại bất cứ lúc nào.”

Hơn 12.000 tấn bom đạn đã được Israel ném xuống Dải Gaza (chỉ có 365 km2) kể từ xung đột bắt đầu vào ngày 7/10, “ngang với sức nổ của quả bom mà Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945,” tương đương 33 tấn chất nổ cho mỗi km2 — tuyên bố của Gaza 24/10.

Nhìn rộng ra tình hình thế giới, quan chức này của Ukraine tin rằng ngành công nghiệp vũ khí của phương Tây hiện nay không đáp ứng đủ cho các cuộc chiến tranh, như cung ứng vũ khí cho chiến tranh Ukraine và chiến tranh Israel.

“Thế giới tự do cần sản xuất vũ khí thêm nữa mới đủ để tự vệ,” ông nói với Politico trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị tuyên bố hợp tác sản xuất vũ khí giữa Đức và Ukraine. “Chúng ta cần vũ khí nhiều hơn, chất lượng cao hơn, để bảo đảm an toàn cho chúng ta.”

“Nếu gộp tất cả năng lực sản xuất toàn cầu [của phe phương Tây] về vũ khí và đạn dược, thì vẫn không đủ cho chiến tranh,” ông nhận xét.

Politico chỉ ra rằng hiện nay, với tần suất rải mưa bom đạn vào Dải Gaza, thì Israel đang giữ kỷ lục tiêu hao đạn được cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Gần 2 tuần trước, CBS đã từng thắc mắc với Tổng thống Mỹ Joe Biden về tình hình khi Mỹ phải cung ứng viện trợ cho cả hai chiến trường cùng lúc: Israel và Ukraine, thì ông Biden đã nói nước Mỹ dưới thời của ông là “mạnh nhất của lịch sử —không phải chỉ nhân loại [đương đại], mà toàn lịch sử nhân loại,” cho nên Mỹ thừa sức ‘gồng’ mình cho cả hai.

Ông Biden cũng khẳng định “Chúng ta có năng lực làm điều đó. Chúng ta có nghĩa vụ làm điều đó. Chúng ta là quốc gia nòng cốt. Nếu chúng ta không làm, thì ai làm chứ?”

Mặc dù vậy, vẫn có những tiếng nói lo lắng về khả năng cung ứng liên tục vũ khí, đặc biệt là cho Ukraine. Có thể thấy kể từ chiến tranh Israel nổ ra, giới truyền thông phương Tây hầu như không mấy khi nói về Ukraine nữa. Đó là sự thay đổi lớn đang diễn ra với Ukraine.

“Theo những gì đang diễn ra ở Israel cho thấy và chứng tỏ rằng ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu phải đặt tầm nhìn vào kế hoạch phát triển nhiều thập kỷ,” ông Kamyshin nói.

Ông Kamyshin, người từng làm trong ngành đường sắt, đã được đặt vào chức vị Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược này vào tháng 3, khi mà chính quyền Kiev đang ráo riết chuẩn bị cho chiến dịch phản công, với các vũ khí tối tân được chuyển từng lượng lớn vào Ukraine, mà trong đó có rất nhiều xe thiết giáp và xe tăng.

Theo Politico, chức vụ Bộ trưởng này là kế thừa một cơ quan cũ từ thời Liên Xô cũ, đóng vai trò làm nơi tập trung các nguồn cung vũ khí cho quân đội.

Chiến dịch phản công cuối cùng bắt đầu từ hồi đầu tháng 6. Khi đó Kiev tuyên bố sẽ đánh bật Nga ra khỏi tất cả các vùng đất từng thuộc Ukraine, khôi phục biên giới như năm 1991. Hoặc ít nhất thì cũng đánh xuyên qua các vùng bị chiếm sao cho cắt đứt hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với Nga.

Chiến dịch phản công đã kết thúc trong khi không đạt được bất kỳ mục tiêu nào như đã đặt ra. Trong tình huống đó, phía Ukraine và phương Tây vẫn muốn tiếp tục chiến đấu, và tới cuối tháng trước, như Politico báo cáo, phía Chính phủ Liên bang Đức đã bật đèn xanh cho khả năng bảo dưỡng và sản xuất vũ khí ngay tại Ukraine.

Là một diễn biến mới nhất như đã hoạch định từ lâu trước đó, hôm Thứ Ba, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã tuyên bố thành lập một liên doanh mới giữa Rheinmetall (Đức) và Ukroboronprom (Ukraine), cho phép sửa chữa và bảo dưỡng vũ khí tại Ukraine.

Trước đó, Rheinmetall của Đức đã chuyển giao cho Ukraine một hệ thống bảo dưỡng vũ khí cơ động vào hồi tháng 9.

Hiện nay, mặc dù phương Tây vẫn nhắc lại các cam kết hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn khả dĩ” (as long as it takes) nhưng đã có các biểu hiện khiến xuất hiện những lo lắng rằng hoạt động này không rõ có thể kéo dài được bao lâu. Đặc biệt là từ phía Mỹ, khi có các lực cản ngày càng lớn trong nội bộ Quốc hội.

Nhật Tân