“Nước Mỹ chúng ta, ơn Chúa, là quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử —không chỉ trên thế giới— mà là lịch sử toàn thế giới,” Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố, khi được hỏi về khả năng hỗ trợ cho cả 2 chiến tranh cùng một lúc. Ông khẳng định: “Chúng ta có năng lực làm điều đó… Nếu chúng ta không làm, thì ai làm chứ?”

Joe Biden
Tổng thống Joe Biden. (Ảnh cắt từ video)
  • Tổng thống Mỹ Joe Biden tự tin về năng lực quân sự hùng mạnh ‘nhất quả đất’ mọi thời đại của Mỹ:

Nước Mỹ hùng mạnh của Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phỏng vấn chương trình “60 phút” hôm Thứ Năm và được hãng tin CBS (Mỹ) đăng vào Thứ Bảy, đã bày tỏ quan điểm rằng ông coi trọng chiến tranh đang diễn ra ở cả Israel và Ukraine, cũng như vai trò hậu thuẫn của Mỹ ở đó. Ông tự tin rằng năng lực quân sự của Mỹ có thể đồng thời gánh vác được gánh nặng hỗ trợ cho tuyến đầu cả 2 cuộc chiến đồng thời này.

“Các chiến tranh Israel Ukraine có lớn hơn khả năng Mỹ gánh chịu cùng lúc không?”, người dẫn chương trình CBS hỏi.

“Nước Mỹ chúng ta, ơn Chúa, là quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử —không chỉ trên thế giới— mà là lịch sử toàn thế giới,” ông Biden trả lời. 

“Chúng ta vừa có thể xử lý cả hai, đồng thời vẫn có thể duy trì năng lực quân sự chung trên toàn thế giới của mình.

Chúng ta có năng lực làm điều đó. Chúng ta có nghĩa vụ làm điều đó. Chúng ta là quốc gia nòng cốt.”

Và ông Biden tuyên bố, “Nếu chúng ta không làm, thì ai làm chứ?”

Đây không phải lần đầu tiên ông Biden khéo léo tự ca ngợi tài năng lãnh đạo phi thường của mình, bằng cách lập luận rằng nước Mỹ đang tiến nhập vào thời kỳ toàn thịnh hơn bao giờ hết. Thậm chí một thuật ngữ mới đã được được sinh ra trong những năm qua —“Bidenomics” bằng cách ghép hai chữ “Biden”“Economics” (kinh tế) để nói về cuộc sống tươi đẹp của dân Mỹ nhờ các chính sách kinh tế dưới thời chính quyền Biden.

Lo lắng viện trợ cho Ukraine có thể không kéo dài?

Câu hỏi của CBS được đặt ra trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ rằng Mỹ có thể sẽ không kéo dài viện trợ cho Kiev, chính quyền mà sự sống còn là dựa vào nguồn viện trợ quân sự và phi quân sự không ngừng từ phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ.

Ngay sau khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra, Thượng nghị sỹ Josh Hawley viết trên X (Twitter): “Israel đang đối mặt đe dọa tồn vong. Bất kể quỹ nào [của Mỹ] dành cho Ukraine đều nên chuyển ngay lập tức sang cho Israel.”

Ngay từ trước khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra hôm 7/10, các khoản viện trợ dành cho Kiev đã có nguy cơ bị cắt giảm. Nội bộ Quốc hội lưỡng viện Mỹ lục đục, với các thành viên cánh hữu “cứng rắn” đòi chính phủ phải đầu tư giải quyết các khó khăn trong nước hơn là chi tiền cho Ukraine ở tận Châu Âu.

Mâu thuẫn ở Hạ viện đã dẫn tới Mỹ suýt nữa rơi vào tình trạng “đóng cửa chính phủ” và buộc phải có ra giải pháp tạm thời thông qua chi tiêu 45 ngày, cho tới 17/11, do không thể duyệt ngân quỹ cho năm tài chính này của Chính phủ Mỹ. Trong giải pháp tạm thời này, đã không có tài trợ cho chính quyền Kiev.

Màn diễn ở Hạ viện không dừng lại ở đó, kịch tính lên cao khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị bãi nhiệm, chuyện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Mỹ.

Chiến tranh Israel-Hamas nổ ra, nghi ngờ về khả năng gồng sức của chính quyền Biden cho cả 2 cuộc chiến, một ở Trung Đông và một ở Đông Âu, lại trở nên nổi cộm.

Đặc biệt là tình hình chiến sự ở Ukraine cho thấy không có bất kỳ tiến triển nào khả quan. Mặc dù quan chức Kiev và đồng minh nói tránh đi rằng chiến dịch phản công chỉ là “chậm so với kế hoạch”, nhưng giới quan sát hiện nay đều coi rằng chiến dịch đó đã kết thúc trong khi không đạt được bất kỳ mục tiêu nào đề ra ban đầu.

Tiêu tốn hàng vạn chiến binh, phung phí gần như hoàn toàn số viện trợ ‘khủng’ của phương Tây, nhưng không thu được kết quả. Chính giới chức của Kiev cũng thừa nhận rằng các nhà tài trợ chiến tranh từ phương Tây của họ đã “mệt mỏi” vì chiến tranh Ukraine.

Bình luận của giáo sư Mearsheimer về tình trạng Ukraine

Trong video gần đây nhất phỏng vấn giáo sư John Mearsheimer của Đại học Chicago (Mỹ), chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế, đăng hôm Thứ Sáu:

“Ukraine vậy là xong rồi phải không?” người dẫn chương trình Andrew Napolitano hỏi thẳng.

231016 john 01 scaled
Giáo sư John Mearsheimer trả lời phỏng vấn (ảnh cắt từ video)

“Phải rồi…” giáo sư Mearsheimer thở dài buồn bã và tìm lời để biểu đạt. “Lời của Đô đốc Kirby (người phát ngôn về quân sự của Nhà Trắng) ý là [nước Mỹ] chúng ta sẽ không tiếp tục tài trợ lâu dài cho Ukraine nữa.

[Điều đó] về cơ bản có nghĩa là [Ukraine] là xong rồi.

Tôi muốn nói là mọi người đều hiểu rằng một khi [người Mỹ] chúng ta cắt nguồn cung cho người Ukraine, thì họ sẽ xong đời (Doomed!).

Họ không có [nguồn] vũ khí, họ không có nguồn tài chính, để duy trì cuộc chiến này, và người Nga sẽ đè bẹp họ.

Tổng thống Biden, và những người khác đưa ra các lập luận rằng họ sẽ hậu thuẫn cho người Ukraine đến cùng.

Nhưng mà [dân Mỹ] chúng ta không có mắc cái mồi câu đó.

[Chính phủ Mỹ] chúng ta đang vung mồi câu này tới họ.

Và tôi thấy thật đau lòng khi phải chứng kiến điều ấy, đặc biệt [vào đúng lúc] mà chiến dịch phản công thất bại.

Làm sao người Ukraine sẽ tránh khỏi bị sụp đổ chứ?”

Giáo sư John Mearsheimer là một trong những người Mỹ trung lập có quan điểm rằng chính sự mở rộng của NATO, sự lôi kéo Ukraine vào NATO kể từ 2008, là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Ukraine. Bởi vì Nga sẽ không chấp nhận sự tồn tại của thế lực thù địch như vậy ở sát bên cạnh mình, tương tự như Mỹ đã từng kiên quyết không đồng ý Liên Xô đặt các căn cứ quân sự ở Cuba.

Cách làm của Mỹ và NATO đối với Ukraine sẽ dẫn tới chiến tranh Ukraine.

Là giáo sư về quan hệ quốc tế, ông Mearsheimer đã nói những điều này trong các bài giảng của mình ít nhất từ 7 năm trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Ông nhiều lần cho rằng chiến tranh Ukraine sẽ thất bại. Một trong những lý do là bởi vì người Mỹ sẽ không thật sự đầu tư tâm huyết vào chiến tranh này. Người Mỹ chỉ là lợi dụng người Ukraine để đánh Nga, chứ người Mỹ sẽ không sống chết vì người Ukraine. Ông nhiều lần tiên đoán rằng nếu chiến tranh Ukraine thất bại, thì đất nước Ukraine sẽ rơi và tình trạng tàn phá và kiệt quệ.

Trước khi chiến dịch phản công của Kiev diễn ra vào 4 tháng trước, ông Mearsheimer đã đoán trước rằng nó sẽ thất bại. Một trong những lý do là vì phương Tây ngạo mạn và coi thường năng lực quân sự của Nga. Ông cũng tiên đoán rằng sau khi chiến dịch phản công thất bại, thì các bên —Ukraine và các nước phương Tây— sẽ đổ lỗi cho nhau về sự thất bại này.

Tiếp theo, người dẫn chương trình Andrew Napolitano trích dẫn video cảnh người phát ngôn về quân sự của Tòa Bạch Ốc, Đô đốc John Kirby. Trong đó trích dẫn hai tuyên bố của ông Kirby.

“Chừng nào còn khả dĩ (as long as it takes),” ông Kirby trong cuộc họp báo ngày 20/1/2023 nhắc lại cam kết của chính quyền Biden đối với Ukraine, “có nghĩa là chừng nào còn khả dĩ. Nó nghĩa là chúng tôi không thể ngay lập tức đưa ra ngày kết thúc của hứa hẹn là vào ngày cụ thể nào trên lịch.

Chẳng hạn như [không thể nói trước] vào ngày cụ thể nào đó thì viện trợ là không cần thiết nữa.

Hiện nay [viện trợ] đang là cần thiết, và nó sẽ vẫn cần thiết trong những tuần tới, trong những tháng tới, đó là chắc chắn.

Chúng tôi đảm bảo chúng tôi sẽ đáp ứng các nhu cầu trong khả năng tối đa có thể của chúng tôi dành cho Ukraine.

Còn nói như chiến thắng sẽ như thế nào thì Tổng thống [Ukraine] Zelensky sẽ [là người] quyết định rằng chiến thắng sẽ là như thế nào.”

Và đây là lời ông Kirby trong cuộc họp báo của Nhà Trắng ngày 11/10/2023:

“Trong ngắn hạn, chúng tôi có khoản để dành và có quyền hạn để cho cả hai, cả Ukraine và cả Israel.

Nhưng các bạn không muốn hiểu đó là hỗ trợ dài hạn, khi mà bạn đã ở điểm cuối cùng của sợi dây rồi.

Mà Ukraine, ý là khoản quỹ cho Ukraine, là đã đến gần sát điểm cuối cùng của sợi dây rồi.”

Người dẫn chương trình tỏ ý vô cùng cảm khái trước cách diễn đạt “điểm cuối cùng của sợi dây” sau hằng bao nhiêu lần cam kết lặp lại suốt nhiều tháng qua “chừng nào còn khả dĩ” của chính quyền Biden.

Ông Mearsheimer bình luận:

“Chứng kiến những điều thế này khiến người ta khó chịu như có cục tức trong bụng vậy.

Như tôi đã nói luận điểm này từ lâu rồi, và tôi biết ông cũng đồng ý với tôi, đó là [người Mỹ] chúng ta đã dẫn dắt người Ukraine đi vào “con đường hoa anh thảo” (ý nói con đường có vẻ tươi đẹp và dễ chịu nhưng trên thực tế sẽ dẫn đến kết quả kinh khủng).”

“Đúng thế,” ông Napolitano trả lời.

“Thật là kinh khủng,” ông Mearsheimer nói tiếp. “Tôi chính là nói [phương Tây] đã đẩy quốc gia [Ukraine] ấy vào chiến tranh này, và về nguyên tắc thì chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều đó, sau tất cả những nỗ lực của [phương Tây] chúng ta biến Ukraine trở thành bức tường chắn của phương Tây ở biên giới Nga.

Và chúng ta khích lệ chiến dịch phản công này, chúng ta ép họ hãy tấn công đi, hết tuần này qua tuần khác, trong khi họ đã chịu tổn thất về người rất lớn rồi.

Và giờ đây, khi họ rơi quá sâu vào rắc rối thực sự rồi, thì chúng ta cắt nguồn cung cho họ.

Chuyện đó sẽ làm bạn đau lòng và khó chịu,” ông Mearsheimer lắc đầu thông cảm. “Thật sự quá kinh khủng!”

Thời điểm diễn ra phỏng vấn này, tuy Nhà Trắng chưa thực sự công bố dứt khoát về vấn đề viện trợ Ukraine.

Như có thể chứng kiến được, Tổng thống Joe Biden sau đó đã trấn an dư luận khi tuyên bố nước Mỹ thời ông lãnh đạo là hùng cường vô đối, là mạnh ‘nhất quả đất’ mọi thời đại, và ông vẫn tiếp tục duy trì cho chính quyền Kiev.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn này, người dẫn chương trình Andrew Napolitano đã hỏi rằng nếu như Mỹ quả thực cắt nguồn cung cho Ukraine, thì sẽ như thế nào.

Ông Mearsheimer chia sẻ nhận định của mình:

“Sẽ cực kỳ khó mà hình dung được chính sách nào là tốt nhất cho người Ukraine vào thời điểm này.

Có thể tranh luận rằng phải chăng tốt nhất thì họ hãy đi đàm phán với Nga, NGAY LẬP TỨC.

Và bằng tất cả những gì họ có thể làm, thì hãy cắt đứt quan hệ với phương Tây, trước khi phương Tây cắt đứt các tài trợ cho Ukraine.

Bởi vì [người Ukraine] họ có lẽ sẽ nhận được kết cục tốt hơn ngay bây giờ, hơn là họ tiếp tục chiến đấu.

Ý tôi là, với sự thật như ông đã chỉ ra, rằng [phương Tây] chúng ta vẫn tiếp tục đưa vũ khí và tiền cho người Ukraine ít nhất trong một quãng thời gian nữa, và điều ấy sẽ khích lệ họ tiếp tục duy trì chiến tranh.

Nhưng câu hỏi là phải chăng sẽ tốt hơn cho họ nếu họ tiếp tục chiến đấu, ví dụ như, thêm 1 năm nữa rồi mới cắt, hay là sẽ tốt hơn là cắt luôn vào bây giờ.

Theo như cảm nhận của tôi, thì cắt luôn bây giờ sẽ tốt hơn [cho người Ukraine].

[Người Ukraine] họ tuy không nhận được kết cục tốt, đây là thảm họa đối với người Ukraine rồi, nhưng với tình huống mà họ đang lún vào như hiện nay thì có lẽ không thể nào [có kết cục tốt hơn được nữa]. Nhưng mà có lẽ tồn tại một câu chuyện kết cục tốt đẹp cho họ cũng không biết chừng.”

Nhật Tân